![]() |
Mỹ áp thuế 104% lên Trung Quốc, mở đàm phán với các đồng minh. |
Ngày 8/4, Nhà Trắng tuyên bố sẽ áp thuế 104% lên hàng hóa Trung Quốc ngay sau nửa đêm theo giờ miền Đông, đồng thời đẩy nhanh đàm phán với các đối tác thương mại khác bị ảnh hưởng bởi lệnh thuế quan toàn diện của Tổng thống Donald Trump. Thông báo này khiến thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc, dập tắt kỳ vọng về khả năng nới lỏng các rào cản thương mại vừa được dựng lên xung quanh thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới.
Dù đã lên lịch đàm phán với Hàn Quốc, Nhật Bản - hai đồng minh thân cận của Mỹ - và chuẩn bị đón Thủ tướng Italy Giorgia Meloni sang thăm vào tuần tới, Nhà Trắng khẳng định vẫn sẽ áp thuế tối đa 50% lên từng quốc gia như kế hoạch. Riêng với Trung Quốc, mức thuế được đẩy lên 104% nhằm đáp trả biện pháp trừng phạt thương mại mà Bắc Kinh công bố tuần trước. Trước động thái mà họ gọi là "tống tiền", Trung Quốc tuyên bố sẽ "chiến đấu đến cùng" và từ chối ưu tiên đàm phán với cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới.
Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Kevin Hassett tiết lộ trên Fox News: "Hiện chúng tôi được chỉ đạo ưu tiên các đồng minh và đối tác như Nhật Bản, Hàn Quốc". Ông cho biết Tổng thống Donald Trump đã yêu cầu nhóm đàm phán thương mại xây dựng các thỏa thuận "riêng biệt" cho gần 70 quốc gia đang tìm cách thương lượng. Ngoài ra, đại diện Thương mại của Mỹ Jamieson Greer khẳng định trước Quốc hội Hoa Kỳ rằng họ đang làm việc khẩn trương nhưng không chịu áp lực về thời hạn, đồng thời nhắc lại quan điểm của Tổng thống Mỹ: "Sẽ không có ngoại lệ hay miễn trừ trong ngắn hạn".
Trong khi Trung Quốc chuẩn bị cho cuộc chiến thương mại tiêu hao kéo dài, các nhà sản xuất Mỹ đang cảnh báo về sự sụt giảm lợi nhuận và gấp rút lập kế hoạch mở nhà máy ở nước ngoài.
Đáng chú ý, ngân hàng Citi đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm 2025 từ 4.7% xuống 4.2% do rủi ro bên ngoài gia tăng. Bên cạnh đó, cuộc khảo sát do Reuters/Ipsos thực hiện cho thấy 3/4 người Mỹ kỳ vọng giá cả sẽ leo thang khi thuế quan có hiệu lực.
Hãng sản xuất chip Micron đã thông báo áp phụ phí liên quan đến thuế kể từ ngày 10/4, trong khi các nhà bán lẻ quần áo Mỹ đang trì hoãn đơn hàng và ngừng tuyển dụng. Một hiệp hội ngành hàng cảnh báo giày chạy sản xuất tại Việt Nam hiện bán 155 USD có thể tăng lên 220 USD khi mức thuế 46% của Tổng thống Trump được áp dụng.
Hiện tại, người tiêu dùng tại Mỹ đang tích trữ hàng hóa khi còn có thể. "Tôi mua gấp đôi mọi thứ - đậu, đồ hộp, bột mì...", ông Thomas Jennings (53 tuổi) chia sẻ khi đẩy xe hàng qua các dãy kệ tại siêu thị Walmart ở New Jersey, Hoa Kỳ.
Ủy ban châu Âu (EC) đang xem xét áp thuế trả đũa 25% lên nhiều mặt hàng Mỹ, như đậu nành, hạt và xúc xích, dù loại trừ một số sản phẩm tiềm năng như rượu bourbon. Các quan chức EU khẳng định sẵn sàng đàm phán trong bối cảnh khối 27 nước đang vật lộn với các mức thuế ô tô và kim loại hiện có, đồng thời đối mặt thuế 20% lên nhiều mặt hàng khác từ ngày 10/4.
Giới lãnh đạo công ty dược phẩm châu Âu đã cảnh báo Chủ tịch EC Ursula von der Leyen rằng thuế quan của Tổng thống Donald Trump sẽ đẩy nhanh xu hướng dịch chuyển ngành công nghiệp khỏi châu Âu sang Mỹ.
Diễn biến này xảy ra sau những ngày biến động dữ dội khiến nhiều lãnh đạo doanh nghiệp, kể cả những người thân cận với ông Trump, kêu gọi Tổng thống Mỹ đổi hướng chiến lược. Tuy nhiên, các chỉ số chính trên Phố Wall vẫn lao dốc ngay sau khi Nhà Trắng xác nhận thời điểm áp thuế lên Trung Quốc, cho thấy thị trường vẫn chưa thể tiêu hóa hết cú sốc thương mại.