Theo báo cáo từ Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) tại Singapore, triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2025 được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố tích cực. Xuất khẩu tăng trưởng mạnh, dòng vốn đầu tư nước ngoài dồi dào, các cải cách trong nước được triển khai quyết liệt, và đầu tư vào cơ sở hạ tầng ngày càng mở rộng.
Bên cạnh đó, những cải tiến về môi trường kinh doanh dưới sự chỉ đạo của ban lãnh đạo mới cũng đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố lòng tin của nhà đầu tư. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam vẫn đối mặt với một số thách thức lớn, như biến động kinh tế toàn cầu, nguy cơ thiếu điện và sức tiêu dùng trong nước còn hạn chế.
Trong lĩnh vực kinh tế số, thương mại điện tử Việt Nam đang nổi lên như một động lực tăng trưởng quan trọng. Trang ASEAN Briefing nhận định, Việt Nam sở hữu lợi thế từ dân số trẻ, am hiểu công nghệ và sự tích hợp sâu rộng của phương tiện truyền thông xã hội. Xu hướng thương mại xã hội, thanh toán kỹ thuật số và thương mại xuyên biên giới đang định vị Việt Nam là nhân tố chủ chốt trong nền kinh tế kỹ thuật số Đông Nam Á.
Theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company, giá trị kinh tế số của Việt Nam đạt 36 tỷ USD vào năm 2024, tăng 5 tỷ USD so với năm 2023. Dự báo, con số này có thể chạm mức 90-200 tỷ USD vào năm 2030. Các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng bao gồm tầng lớp trung lưu mở rộng, tốc độ đô thị hóa cao và sự phổ biến của thiết bị di động.
Chính phủ Việt Nam đã có những bước đi quyết liệt trong việc phát triển hạ tầng kỹ thuật số. Chương trình Chuyển đổi số quốc gia tập trung cải thiện kết nối internet, tối ưu hóa hệ thống thanh toán và đơn giản hóa thủ tục hải quan, tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại điện tử xuyên biên giới.
Những nỗ lực này không chỉ thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số mà còn khẳng định tiềm năng của Việt Nam như một điểm đến hấp dẫn trong khu vực.