Trong văn bản kiến nghị lên Thủ tướng chính phủ mới đây, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. HCM (HoREA) cho rằng, tại thời điểm hiện nay, chưa nên quy định "sở hữu căn hộ nhà chung cư có thời hạn (50 năm, 70 năm)" để phù hợp tâm tư, nguyện vọng của người dân muốn được "sở hữu căn hộ nhà chung cư đi đôi với quyền sử dụng đất ở ổn định lâu dài".
Ông Châu đưa lý do: Nhà là tài sản có giá trị lớn mà chủ sở hữu nhà muốn để lại cho con cháu. Theo đó, việc xử lý nhà chung cư "hết thời hạn sử dụng (hết tuổi thọ)", nguy hiểm cho người sử dụng thì thực hiện theo cơ chế chính sách quy định tại Nghị định 69/2021/NĐ-CP của Chính phủ "về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư" rất có tính khả thi.
Theo Chủ tịch HoREA, thực ra, Luật Nhà ở 2014 đã quy định 2 chế độ sở hữu nhà ở là "chế độ sở hữu nhà ở không xác định thời hạn" bao gồm trường hợp sở hữu căn hộ nhà chung cư không xác định thời hạn gắn liền với quyền sử dụng đất "ổn định lâu dài"; hoặc "chế độ sở hữu nhà ở có thời hạn" bao gồm trường hợp sở hữu căn hộ nhà chung cư có thời hạn gắn liền với quyền sử dụng đất "có thời hạn". Nhưng Luật Nhà ở 2014 không quy định bắt buộc "sở hữu căn hộ nhà chung cư có thời hạn".
Vì thế, về đề xuất quy định bắt buộc "sở hữu căn hộ nhà chung cư có thời hạn 50-70 năm áp dụng cho các dự án xây dựng nhà chung cư mới khi xây dựng Đề án Luật Nhà ở (sửa đổi) trong thời gian tới cần được tiếp tục nghiên cứu kỹ và đánh giá tác động thật thấu đáo và cần lấy ý kiến người dân là đối tượng chính bị tác động.
Liên quan tới vấn đề trên, theo TS Sử Ngọc Khương, cần đảm bảo quyền của người mua nhà trong đề xuất cấp sổ hồng có thời hạn 50-70 năm đối với căn hộ để ở. Theo đó, xét về góc độ xã hội học, chung cư là lời giải được áp dụng trên toàn cầu cho bài toán về nhà ở với những đô thị nén. Nếu đề xuất này được đưa vào thực tế, người dân có thể sẽ không ở thành phố mà chuyển sang các khu vực có bất động sản liền thổ để tối ưu nguồn tài chính mình chi trả.
Chưa kể, trong trường hợp hết hạn sử dụng 50-70 năm, nếu công trình bị tháo dỡ thì tại thời điểm đó, việc định giá đất sẽ được thực hiện và tính toán chia lại như thế nào để trả lại cho người dân cũng chưa được quy định. Nếu sau 50-70 năm, người dân không biết sẽ được tái định cư tại chỗ hay tái định cư chỗ khác, hoặc không biết giá trị tài sản của mình còn lại là bao nhiêu sẽ là một vấn đề lớn đối với người dân.
Bên cạnh đó, việc thanh lý tài sản và bán đấu giá để chia lại cho những người có căn hộ tại dự án đó đến nay cần có lời giải rõ ràng hơn để nhà đầu tư mới có thể vào và mua lại khu đất và xây dựng trên đất.
PV