Hệ sinh thái “6 nhà” và 3 giải pháp thúc đẩy vị thế nông sản Việt ra với thế giới

17:39 22/08/2022

Nông sản Việt được phát triển trong một hệ sinh thái “6 nhà” với những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp cần thực hiện các giải pháp cụ thể để cải thiện vị thế, tích hợp đẳng cấp mới cho nông sản Việt tại thị trường quốc tế trong bối cảnh thị trường đang cạnh tranh mạnh mẽ.

Chia sẻ về vấn đề cải thiện vị thế, tích hợp đẳng cấp mới tại thị trường quốc tế cho nông sản Việt, ThS Vũ Khánh Thịnh, Bộ Ngoại giao cho rằng, nông sản Việt được phát triển trong một hệ sinh thái “6 nhà” gồm có Nhà nước, nhà ngân hàng, nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà mạng.

Trong đó, Nhà nước tạo môi trường, ký kết hiệp định quốc tế, hoàn thiện thể chế và tạo động lực, bảo đảm dịch vụ công, điện, nước, cơ sở hạ tầng.

Ảnh minh họa
Hệ sinh thái “6 nhà” và 3 giải pháp thúc đẩy vị thế nông sản Việt ra với thế giới. 

Nhà nông tích cực, chủ động, sáng tạo sản xuất và kinh doanh nông sản. Nhà doanh nghiệp huy động nguồn lực và tổ chức chuỗi cung ứng nông sản. Nhà khoa học nghiên cứu và phát triển các loại giống cây và giống con mới, công nghệ sản xuất nông sản tiên tiến và chất lượng cao để cung ứng cho nông dân kịp thời và với giá cả thoa đáng.

Nhà ngân hàng (nhà băng) cung ứng nguồn vốn cho sản xuất và kinh doanh nông sản kể cả đầu tư nghiên cứu và phát triển các loại giống chất lượng cao. Nhà mạng cung cấp dịch vụ hạ tầng thông tin và sàn giao dịch trực tuyến để nông sản tiếp cận nhanh chóng với thị trường nông sản thế giới.

Với hệ sinh thái này, theo ông Thịnh, quá trình cải thiện vị thế để tích hợp đẳng cấp mới của nông sản Việt đã đạt được những kết quả quan trọng thông qua việc kiên trì, bền bỉ cải thiện vị thế, thay đổi từng khía cạnh và từng mặt hàng để tăng chất lượng và hình thức sản phẩm.

Có những mặt hàng nông sản đã đạt đến đẳng cấp cao trong nông sản thế giới, làm thay đổi nhận thức và đánh giá của thế giới về vị thế nông sản Việt Nam.

Tuy nhiên, việc cải thiện vị thế nông sản chưa đồng bộ và còn thiếu tính bền vững lâu dài do thị trường quốc tế đang cạnh tranh gay gắt và có nhiều biến động. Hệ sinh thái phát triển nông sản Việt còn khá bất cập, tư duy sản xuất nông nghiệp chưa được chuyển hẳn sang làm kinh tế nông nghiệp.

Để thúc đẩy vị thế nông sản Việt ra với thế giới, theo ông Thịnh, ngành nông nghiệp và các bộ, ngành liên quan cần thực hiện 3 giải pháp thiết yếu.

Cụ thể, cần phát huy triệt để thế mạnh đồng bộ của từng tác nhân trong hệ sinh thái lục giác phát triển vào thực hiện mục tiêu cải thiện từng khía cạnh, từng đỉnh của lục giác.

Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện thể chế phát triển nông nghiệp và định hướng rõ ràng mục tiêu cải thiện vị thế nông sản từ các mặt hàng chủ lực, mũi nhọn đến các mặt hàng khác nhằm tạo ra một danh mục mặt hàng quy mô lớn có khả năng gây ảnh hưởng lớn trên thị trường thế giới. Cơ chế khuyến khích phát triển hiệu quả từng nông sản cần được coi trọng.

“Do danh mục nông sản khá lớn cho nên ngành nông nghiệp cần xây dựng danh mục này trong từng giai đoạn để giảm thiểu tình trạng đầu tư dàn trải. Nếu đầu tư phát triển nhiều loại sản phẩm, cần khuyến khích địa phương, doanh nghiệp và toàn xã hội cung tham gia. Điều này đòi hỏi việc thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp để tăng thêm nguồn lực nhất là nhân lực chất lượng cao vào cải thiện và phát triển vị thế từng nông sản được lựa chọn. Nông dân cần nhận thức đầy đủ hơn sứ mệnh trong giai đoạn mới phải phát triển nông sản có đẳng cấp cao trên thị trường thế giới”, ông Thịnh khuyến nghị.

Giải pháp tiếp theo là phân tích và đánh giá lại vị thế nông sản Việt từng loại so với vị thế các loại này của các nước để thấy rõ hơn thế mạnh và hạn chế của từng nông sản về màu sắc, kiểu dáng, giống nông sản, giá cả, mức độ bảo hộ và thương mại hóa để có chiến lược phát triển từng loại phù hợp.

Từ đó, xây dựng lộ trình cải thiện từng loại sản phẩm để hướng tới đẳng cấp cao cùng với hệ thống giải pháp phù hợp. Xác định nguồn lực phục vụ mục tiêu cải thiện vị thể nông sản để sẵn sàng huy động khi cần thiết.

Đồng thời, ngành nông nghiệp cần tích cực, chủ động học hỏi kinh nghiệm quốc tế về cải thiện vị thế nông sản để tích hợp đẳng cấp cao của nông sản nước này so với phần còn lại của thế giới.

Hà Anh