Doanh nghiệp “miễn nhiễm” với chính sách thuế của Mỹ TS. Đinh Thế Hiển: Tỷ giá tăng, nông sản Việt Nam hưởng lợi |
Trong bối cảnh xuất khẩu sang thị trường Mỹ tiềm ẩn nhiều rủi ro do chính sách thuế mới, khu vực Trung Á đang nổi lên như một "mỏ vàng mới" dành cho ngành nông sản Việt Nam. Với nhu cầu tiêu dùng tăng cao, ít rào cản thương mại và tiềm năng thị trường chưa được khai thác sâu, Kazakhstan, Uzbekistan, Turkmenistan… đang mở ra một cánh cửa lớn cho nông sản Việt bước vào giai đoạn bứt phá mới.
Theo Tổng cục Hải quan, trong quý I/2025, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang các nước Trung Á đạt khoảng 48 triệu USD, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Kazakhstan chiếm tỷ trọng lớn nhất với hơn 27 triệu USD, chủ yếu là gạo, hạt tiêu, cà phê và rau quả tươi. Uzbekistan và Turkmenistan cũng đang tăng cường nhập khẩu các sản phẩm như: hạt điều, chè và sản phẩm trái cây chế biến.
![]() |
Khu vực Trung Á đang nổi lên như một "mỏ vàng mới" dành cho ngành nông sản Việt Nam. |
Điều đáng chú ý là hầu hết các mặt hàng này đều không gặp rào cản kỹ thuật nghiêm ngặt như tại EU hay Mỹ, giúp hàng Việt dễ dàng thâm nhập. Ngoài ra, hiệp định thương mại song phương và đa phương mà Việt Nam ký kết với các quốc gia thuộc Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) tạo điều kiện thuận lợi cho nông sản được miễn thuế hoặc áp mức thuế thấp khi vào khu vực này.
Trung Á hiện có hơn 75 triệu dân, với tầng lớp trung lưu ngày càng mở rộng, dẫn đến nhu cầu thực phẩm sạch, có nguồn gốc rõ ràng tăng nhanh. Các nước trong khu vực dù có đất rộng nhưng khí hậu khắc nghiệt khiến sản xuất nông nghiệp tại chỗ gặp nhiều khó khăn. Đó là cơ hội để Việt Nam – một quốc gia có thế mạnh về nông nghiệp, tận dụng và thâm nhập sâu hơn.
Một số doanh nghiệp lớn trong ngành nông sản như: Vinaseed, Vinafruit và các hiệp hội ngành hàng đã bắt đầu xúc tiến thương mại, tham gia hội chợ và tìm kiếm đối tác tại Almaty, Astana (Kazakhstan), Tashkent (Uzbekistan)… Điều này cho thấy tiềm năng tăng trưởng trong tương lai là rất lớn nếu có chiến lược dài hạn và đồng bộ.
Trong khi đó, thị trường Mỹ – nơi Việt Nam đang có mức thặng dư thương mại kỷ lục 123,5 tỷ USD năm 2024 – lại đang đối mặt với nguy cơ suy giảm do chính sách thắt chặt thương mại từ Tổng thống Donald Trump. Hiện chính sách thuế của Mỹ áp dụng các mức thuế mới, ngành xuất khẩu phi nông nghiệp sẽ chịu ảnh hưởng lớn, đặc biệt là dệt may, điện tử và đồ gỗ.
![]() |
Chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển. |
Trao đổi nhanh với Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập, TS. Đinh Thế Hiển, Chuyên gia kinh tế cho rằng, tác động lên ngành nông sản có thể nhẹ hơn và thậm chí còn tạo ra cơ hội.
“Tổng thống Donald Trump – người đang đặt lại các nguyên tắc thương mại toàn cầu – không mong muốn duy trì một đồng USD quá mạnh. Tổng thống Mỹ muốn đồng USD ở mức khoảng 102 điểm thay vì 106–107 như hiện nay. Nếu tỷ giá USD yếu hơn sẽ tốt hơn cho xuất khẩu của Mỹ, và cũng gián tiếp tạo thuận lợi cho thị trường toàn cầu”, ông Hiển nhận định.
Theo ông Hiển, việc tỷ giá tăng gần đây có thể chỉ mang tính nhất thời. Vì vậy, doanh nghiệp Việt nam cần nhanh chóng tận dụng cơ hội này, đồng thời chuẩn bị phương án linh hoạt nếu tỷ giá USD điều chỉnh trở lại theo định hướng của chính sách Mỹ.
Liên quan đến hoạt động xuất khẩu nông sản, TS. Đinh Thế Hiển nhấn mạnh, Việt Nam cần đẩy mạnh đổi mới công nghệ, mở rộng thị trường xuất khẩu ngoài Mỹ và Trung Quốc. Trung Á, Đông Âu và châu Phi là những điểm đến tiềm năng, nhất là khi nhu cầu về thực phẩm chất lượng cao tại các khu vực này đang ngày càng tăng.
Thực tế cho thấy, các thị trường mới như Trung Á không chỉ giúp giảm phụ thuộc vào thị trường lớn, mà còn ổn định sản xuất, giữ vững việc làm và thu nhập cho hàng triệu nông dân Việt Nam.
Như vậy, khi thị trường Mỹ có thể trở nên khó đoán dưới tác động từ chính sách thuế mới, thì Trung Á đang nổi lên như một miền đất hứa đầy tiềm năng cho nông sản Việt Nam. Việc khai thác hiệu quả thị trường này không chỉ giúp giảm áp lực từ thị trường truyền thống mà còn góp phần thúc đẩy nền nông nghiệp nước nhà bước sang giai đoạn phát triển bền vững và tự chủ hơn.