Em gái bầu Đức muốn bán 57.500 cổ phiếu HAGL Agrico Tập đoàn sở hữu hãng hàng không lớn thứ 2 Nhật Bản ''mê'' chuối của HAGL |
Trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức áp thuế toàn cầu, trong đó có thuế đối ứng lên tới 46% với hàng hóa từ Việt Nam, thị trường tài chính trong nước đã có những phản ứng mạnh. Tuy nhiên, một góc nhìn khác cho thấy không phải lĩnh vực nào cũng bị ảnh hưởng tiêu cực. Ngành nông nghiệp – đặc biệt là nhóm doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sang thị trường châu Á – vẫn ghi nhận tăng trưởng ổn định, thậm chí bứt phá.
![]() |
TS. Lê Xuân Nghĩa – nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia |
Trao đổi với Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập TS. Lê Xuân Nghĩa – nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng, chính sách thuế mới từ chính quyền Tổng thống Trump có thể tác động đến cán cân thương mại song phương, nhưng không ảnh hưởng đồng đều đến tất cả ngành hàng.
“Với các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc – những thị trường không chịu tác động trực tiếp từ thuế Mỹ – hoạt động kinh doanh vẫn diễn ra bình thường, thậm chí có chiều hướng tích cực”, TS Lê Xuân Nghĩa chia sẻ. Dù căng thẳng thuế quan nhưng nhiều doanh nghiệp đang hưởng lợi kép từ chiến lược thị trường thông minh và biến động tỷ giá.
Điển hình như Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), Thagrico hay Tập đoàn TH – những đơn vị đang xuất khẩu hàng trăm ngàn tấn nông sản như chuối, sầu riêng mỗi năm sang các nước châu Á. Trong đỉnh điểm căng thẳng thuế quan, giá chuối xuất khẩu của HAGL sang Trung Quốc thậm chí tăng vọt hơn 10% chỉ trong một tuần, đạt 12,5 USD/thùng – mức cao nhất từ đầu năm đến nay.
Thứ hai, tỷ giá USD tăng cao thời gian qua mang lại lợi ích rất tốt khi doanh thu xuất khẩu bằng USD, còn phần lớn chi phí sản xuất - như nhân công, vật tư - được thanh toán bằng VND. Việc chênh lệch tỷ giá này giúp doanh nghiệp gia tăng lợi nhuận, tối ưu hóa hiệu quả tài chính mà không cần tăng thêm sản lượng.
"Đây là điểm lợi rõ ràng cho xuất khẩu, vì khi tỷ giá tăng, doanh thu tính bằng tiền đồng sẽ tăng theo trong khi chi phí không đổi," ông nhận định.
![]() |
Chuối Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai trồng tại Lào đang được Tập đoàn Ana Goup của Nhật Bản bao tiêu toàn bộ |
Thứ ba, nhu cầu tiêu thụ nông sản – nhất là chuối, sầu riêng, thịt heo – vẫn tăng đều đặn cả trong và ngoài nước. Đây là nhóm hàng thiết yếu, ít chịu tác động của biến động chính trị – thương mại, giữ được đà tăng trưởng ổn định ngay cả trong thời điểm thị trường thế giới biến động. Đây đều là nhóm hàng có sức tiêu thụ cao, ít chịu ảnh hưởng bởi căng thẳng thương mại và chính sách thuế của Mỹ.
Ông Ngô Hồng Phong, Cục trưởng Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), cho rằng, chính sách thuế mới của Mỹ sẽ ảnh hưởng tới cán cân thương mại song phương, đặc biệt với các mặt hàng nông, lâm, thủy sản xuất khẩu vào Mỹ. Tuy nhiên, mức thuế 46% được áp dụng khác nhau tùy từng ngành, do đó cần có phân tích chi tiết theo nhóm sản phẩm để nhận định chính xác mức độ tác động. Dù vậy, với các doanh nghiệp đã có thị trường ổn định ở châu Á, tác động từ thuế Mỹ gần như bằng không.
Căng thẳng thương mại đôi khi lại là cơ hội để doanh nghiệp tái định vị thị trường xuất khẩu, điều chỉnh chiến lược sản phẩm và nâng cao khả năng chống chịu trước biến động quốc tế. Với ngành nông nghiệp – một trong những trụ cột kinh tế quan trọng – việc chủ động trước rủi ro thuế quan, tận dụng ưu thế về giá và tỷ giá là yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp không chỉ "sống khỏe" mà còn tăng trưởng bền vững trong dài hạn. “Những gì HAGL đang làm là ví dụ rõ ràng nhất” TS. Lê Xuân Nghĩa khẳng định.