TS. Đinh Thế Hiển: Không có làn sóng mới của dòng tiền đầu tư vào thị trường bất động sản năm 2024 TS. Đinh Thế Hiển: Sở hữu chéo ngân hàng phát triển theo nhiều hình thức tinh vi hơn |
Trong bối cảnh chính sách thuế mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump gây chấn động thị trường xuất khẩu toàn cầu, Trao đổi với Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập, TS. Đinh Thế Hiển – Chuyên gia kinh tế đã đưa ra nhiều phân tích sâu sắc về tác động của tỷ giá và triển vọng của ngành nông sản Việt Nam trong năm 2025.
Theo ông Hiển, tỷ giá USD tăng đang mở ra “cơ hội vàng” cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, đặc biệt là ở khu vực Tây Nguyên.
Tỷ giá USD thời gian gần đây liên tục tăng, mang lại lợi thế rõ rệt cho xuất khẩu. TS. Đinh Thế Hiển nhận định, điều này có thể giúp các doanh nghiệp nông sản hưởng lợi tức thì, do bán hàng ra nước ngoài với giá ngoại tệ cao hơn, trong khi chi phí sản xuất nội địa vẫn tính bằng đồng Việt Nam.
Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng không phải tất cả các ngành đều được hưởng lợi.
![]() |
TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế |
“Việt Nam là nước xuất khẩu nhưng chưa dựa nhiều vào công nghệ, nên tỷ giá tăng chỉ thực sự có lợi cho nông sản. Các ngành khác, nếu không cải tiến kỹ thuật và nâng cao giá trị sản phẩm, sẽ gặp khó”, ông Hiển phân tích.
Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất của nông sản Việt Nam, đặc biệt là sầu riêng, cà phê, hồ tiêu và cacao. Tuy nhiên, ông Hiển lưu ý, nhiều đơn hàng sang Trung Quốc không thanh toán bằng USD mà bằng Nhân dân tệ (CNY) – đồng tiền đang giảm giá mạnh so với USD trong thời gian qua.
“Nếu nhận được thanh toán bằng CNY thì lợi thế tỷ giá có thể bị triệt tiêu. Điều này khiến xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn là dấu hỏi lớn về hiệu quả thật sự”, ông nói.
Dù vậy, những mặt hàng có giá ổn định và cầu lớn như cà phê vẫn được TS. Đinh Thế Hiển đánh giá là điểm sáng. Ông cũng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, cà phê có thể vượt lên thành “vua xuất khẩu nông sản” nhờ cả giá trị thương mại cao và sự thuận lợi về tỷ giá.
Một trong những yếu tố đáng lưu tâm, theo TS. Hiển là tâm lý người dân khi tỷ giá tăng. Dù kinh tế vĩ mô vẫn được kiểm soát tốt, người dân thường liên tưởng tỷ giá tăng là dấu hiệu tiền Việt mất giá – từ đó nảy sinh lo ngại về tài sản cá nhân và sức khỏe nền kinh tế.
“Đây là di sản từ quá khứ. Những năm trước, mỗi lần tỷ giá tăng đều kéo theo lạm phát, khiến người dân hoang mang. Hiện tại, lạm phát được kiểm soát tốt nhưng tâm lý này vẫn chưa hoàn toàn được xóa bỏ”, ông chia sẻ.
Chuyên gia này cũng đánh giá cao chính sách điều hành tỷ giá ổn định của Chính phủ Việt Nam trong nhiều năm qua. Theo ông, việc giữ ổn định tỷ giá nhưng vẫn tạo điều kiện cho xuất khẩu hưởng lợi là “thành công lớn” trong điều hành vĩ mô.
Dưới góc nhìn chiến lược, TS. Đinh Thế Hiển cho rằng Tổng thống Donald Trump – người đang đặt lại các nguyên tắc thương mại toàn cầu – không mong muốn duy trì một đồng USD quá mạnh.
“Ông Trump muốn đồng USD ở mức khoảng 102 điểm thay vì 106–107 như hiện nay. Một đồng đô yếu hơn sẽ tốt hơn cho xuất khẩu của Mỹ, và cũng gián tiếp tạo thuận lợi cho thị trường toàn cầu”, ông nhận định.
Điều này cho thấy, mức tăng tỷ giá hiện tại có thể chỉ mang tính nhất thời. Các doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt là trong lĩnh vực nông sản, cần nhanh chóng nắm bắt thời cơ, đồng thời chuẩn bị kịch bản ứng phó nếu tỷ giá điều chỉnh trở lại.
Năm 2024, thặng dư thương mại của Việt Nam với Hoa Kỳ đạt 123,5 tỷ USD vào năm 2024, tăng gần 20% so với năm trước và thiết lập mức cao kỷ lục. Tuy nhiên, theo TS. Hiển, điều này khó lặp lại trong năm 2025 nếu chính sách thuế của ông Trump tiếp tục được siết chặt.
Áp lực từ thị trường Mỹ có thể khiến xuất khẩu chậm lại, đặc biệt là trong các ngành phi nông nghiệp. Trong bối cảnh đó, việc phát huy tiềm năng từ nông sản là điều cần thiết – không chỉ để duy trì cán cân thương mại, mà còn ổn định sản xuất, việc làm và thu nhập của hàng triệu nông dân.
TS. Đinh Thế Hiển khuyến nghị, để tận dụng cơ hội từ tỷ giá và hạn chế rủi ro từ phụ thuộc thị trường, Việt Nam cần đẩy mạnh đổi mới công nghệ, mở rộng thị trường mới ngoài Trung Quốc và Mỹ. Khu vực Trung Á, Đông Âu và châu Phi là những điểm đến tiềm năng cho nông sản Việt, nhất là khi nhu cầu về thực phẩm chất lượng cao đang ngày càng tăng.
“Không thể chỉ dựa vào vài thị trường truyền thống. Đã đến lúc Việt Nam cần tư duy chiến lược dài hạn hơn trong phát triển xuất khẩu nông sản”, ông Hiển nhấn mạnh.
Trong bức tranh kinh tế biến động hiện nay, tỷ giá tăng vừa là cơ hội, vừa là thách thức. Các doanh nghiệp nông sản – với ưu thế chi phí thấp, giá trị ổn định – có thể trở thành trụ cột tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2025. Tuy nhiên, như TS. Đinh Thế Hiển chỉ ra, điều đó chỉ bền vững khi Việt Nam kiểm soát tốt tâm lý thị trường và đa dạng hóa các hướng đi trong chiến lược kinh tế đối ngoại.