Theo quy hoạch, Hải Dương được cơ cấu lại kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, chuyển đổi số; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực.
Hải Dương sẽ đảm nhiệm vai trò là đầu mối giao lưu kinh tế - xã hội giữa vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô Hà Nội, vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc với vùng Đông Bắc, vùng duyên hải Bắc bộ và cả nước.
Quy hoạch đặt mục tiêu Hải Dương có tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định, bền vững với các sản phẩm chủ lực có sức cạnh tranh; hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ; đời sống vật chất, tinh thần không ngừng được nâng cao; công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu được đảm bảo và quốc phòng, an ninh được giữ vững.
Nội dung quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được thực hiện theo đúng các quy định tại Điều 27 Luật Quy hoạch và Điều 28 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 7/5/2019 của Chính phủ.
Các nội dung bao gồm phân tích, đánh giá, dự báo về các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù của địa phương; đánh giá thực trạng phát triển kinh tế - xã hội, hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng hệ thống đô thị và nông thôn; đánh giá về việc thực hiện quy hoạch thời kỳ trước.
Nội dung cũng bao gồm xây dựng quan điểm, xác định mục tiêu và lựa chọn các phương án phát triển, phương án quy hoạch, phương hướng phát triển các ngành quan trọng và phương án tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Thời gian gần đây, hàng loạt khu công nghiệp mới với tổng mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng tại tỉnh Hải Dương đã được Chính phủ phê duyệt. Riêng trong tháng 3, ba dự án được phê duyệt tại tỉnh này gồm khu công nghiệp Kim Thành (huyện Kim Thành với tổng mức đầu tư hơn 1.160 tỷ đồng), khu công nghiệp Phúc Điền mở rộng (huyện Bình Giang, hơn 1.800 tỷ đồng) và khu công nghiệp Gia Lộc (huyện Gia Lộc, hơn 2.000 tỷ đồng).
PV