![]() |
Hà Nội bắt đầu cấm xe máy xăng từ 1/7/2026 trong vành đai 1 |
Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 12/7/2025 về thực hiện một số biện pháp cấp bách nhằm ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, thành phố Hà Nội đang gấp rút cấm xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trên đường phố Thủ đô: Từ ngày 1/7/2026 trong đường vành đai 1; từ ngày 1/1/2028 trong đường vành đai 2; từ năm 2030 trong đường vành đai 3.
Chính sách được đánh giá không chỉ nhằm giảm phát thải, bảo vệ môi trường mà còn giúp cải thiện lưu thông đô thị. Hiện nay, lượng xe máy trong nội đô là rất lớn, gây áp lực lớn lên hạ tầng giao thông. Nếu có thể thúc đẩy người dân chuyển sang phương tiện công cộng thì việc di chuyển trong phố sẽ thuận tiện hơn nhiều. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để thành phố thực hiện tái quy hoạch không gian, một số cơ quan, đơn vị nội đô có thể tính toán di chuyển ra khu vực vành đai 2, vành đai 3. Chính sách đúng, nhưng phương thức triển khai, cách thức hỗ trợ người dân mới là điều quan trọng cần chú ý. Làm sao để khi chính sách đi vào cuộc sống, người dân cảm thấy thuận tiện chứ không bị gánh nặng, đó là điều mà mọi người dân đều rất quan tâm.
Tại tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Chuyển đổi xe máy xăng ở nội đô: Vì một Hà Nội xanh" vừa diễn ra, đơn vị được thành phố giao chủ trì xây dựng kế hoạch triển khai Chỉ thị 20 cho biết, thành phố đã có văn bản phân công rõ ràng, huy động sự phối hợp của nhiều sở, ngành trong việc xây dựng các tiêu chí, giải pháp và chính sách hỗ trợ cụ thể. Dự thảo kế hoạch hiện đã cơ bản hoàn tất và đang lấy ý kiến, dự kiến trình UBND thành phố phê duyệt trước ngày 25 tới.
![]() |
Ông Nguyễn Anh Quân - đại diện Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội |
Để thực hiện được mục tiêu này, ông Quân cho biết, thành phố Hà Nội cần phối hợp hài hòa giữa quyền lợi và trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước trong quá trình chuyển đổi xanh này. Ba chủ thể đó cần phối hợp và chia sẻ để đạt được mục tiêu chung.
"Chúng tôi tin rằng với các chính sách ưu đãi của Nhà nước dành cho chủ phương tiện sử dụng phương tiện sạch, các doanh nghiệp đầu tư vào mô hình xe máy, ô tô điện, hạ tầng trạm sạc, cùng các chính sách hỗ trợ về lãi suất, thuế, lệ phí... thì sẽ tạo nên một lực đẩy, một động lực quan trọng để hoàn thành mục tiêu chuyển đổi. Từ góc độ quản lý nhà nước và tham vấn chuyên gia, chúng tôi nhận thấy tinh thần chung hiện nay là cần một quá trình chuyển đổi hài hòa, có lộ trình, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và chuyển đổi xanh vì một môi trường lành mạnh. Đây không phải là nhiệm vụ của riêng ai mà là trách nhiệm chung, cần sự đồng thuận của toàn xã hội”, ông Quân nhận định.
Trong thời gian qua, sau khi Chỉ thị 20 được ban hành cùng các quan điểm chỉ đạo từ Trung ương và thành phố Hà Nội, với góc nhìn của một cộng đồng lớn, ông Nguyễn Đại Hoàng - Admin diễn đàn Otofun đánh giá, ngay khi truyền thông đưa tin về Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ, có thể nói đây là một chủ đề rất nóng trên các diễn đàn cũng như mạng xã hội.
Ông chia sẻ, có nhiều ý kiến ủng hộ, nhưng cũng không ít băn khoăn. Điều dễ hiểu là bởi xe máy là phương tiện di chuyển rất tiện lợi trong đô thị và còn là phương tiện mưu sinh của nhiều gia đình.
![]() |
Ông Nguyễn Đại Hoàng - Admin diễn đàn Otofun |
Cũng tại tọa đàm, ông Hoàng thông tin, khu vực vành đai 1 của Hà Nội hiện có khoảng 400.000 - 450.000 xe máy đang lưu hành. Một con số rất lớn. Trong đó, nhiều người không chỉ sử dụng để đi lại trong nội đô mà còn di chuyển ra ngoài vành đai để làm việc, sinh hoạt. Do đó, việc áp dụng chính sách hạn chế xe máy cũ cần có lộ trình cụ thể, đồng bộ với các chính sách hỗ trợ, thay thế, và đặc biệt là truyền thông giải thích rõ ràng để tạo được sự đồng thuận từ người dân.
Từ ngày 1/7/2026, khi chính sách được áp dụng, chắc chắn sẽ tạo ra những ảnh hưởng nhất định đến đời sống của người dân. Vì vậy, theo ông Hoàng, đã có rất nhiều băn khoăn được đặt ra.
Việc thay đổi thói quen sử dụng xe máy, một phương tiện quen thuộc, tiện lợi trong đô thị là một thách thức không nhỏ. Chúng ta đều biết, trong nội đô, xe máy gần như là phương tiện di chuyển chính. Nhiều người thay vì đi bộ thì sẽ chọn đi xe máy vì tính tiện lợi. Bây giờ để thay đổi thói quen đó, cần có rất nhiều biện pháp đồng bộ.
"Từ phía cơ quan quản lý nhà nước, chúng ta đã nghe nhiều về các chính sách. Nhưng dưới góc độ người dân và cộng đồng, để tác động hiệu quả thì ngoài việc nâng cao nhận thức, cần có thêm sự hỗ trợ thực chất, đồng thời phải cải thiện hạ tầng. Đặc biệt, khi nói đến việc thay thế xe máy chạy xăng bằng xe máy điện trong khu vực vành đai 1, cần lưu ý rằng hiện nay phương tiện giao thông công cộng còn rất hạn chế”, ông Hoàng nhận định.
Ông Hoàng dẫn chứng thêm, hệ thống metro vẫn còn ít, nhất là trong các quận trung tâm như Hoàn Kiếm, Ba Đình, gần như chưa có. Nhiều tuyến phố nhỏ không đủ rộng để xe buýt lưu thông hiệu quả, nên người dân vẫn phải phụ thuộc vào xe máy.
Khi chuyển đổi sang xe máy điện, người dân cũng còn nhiều lo ngại. Thứ nhất là vấn đề sạc điện: Nếu sống ở chung cư, việc sạc rất khó khăn do nhiều tầng hầm hiện không có hạ tầng sạc phù hợp. Thứ hai là nhiều khu chung cư hiện có các quy định nghiêm ngặt về phòng cháy chữa cháy, khiến việc lắp đặt trạm sạc bị hạn chế.
Với nhiều người, xe máy không chỉ là phương tiện đi lại mà còn là tài sản có giá trị. Một gia đình có bốn người thì thường có đến ba người dùng xe máy. “Vì vậy, chuyển đổi từ xe máy xăng sang xe máy điện là một áp lực tài chính thực sự với nhiều hộ gia đình. Theo tôi, để người dân thay đổi hành vi, cần có hệ thống hạ tầng công cộng phát triển đồng bộ, có vỉa hè cho người đi bộ, có các dịch vụ bổ sung như xe đạp điện, xe đạp công cộng như các nước phát triển đang áp dụng. Khi đó, người dân mới có thêm lựa chọn và sẵn sàng từ bỏ xe máy”, ông Hoàng chia sẻ.
Để hỗ trợ tốt nhất đảm bảo sự chuyển đổi êm thuận, hài hoà, nhận được sự đồng thuận cao nhất của người dân, cũng tại tọa đàm trực tuyến, ông Phan Trường Thành - Trưởng phòng Tài chính - Đầu tư (Sở Xây dựng Hà Nội) đề xuất, cần giải quyết đồng thời mục tiêu trước mắt và dài hạn. Nếu chỉ lo xử lý tình huống tức thời mà không tính đến chiến lược lâu dài thì khó đạt được hiệu quả bền vững như mục tiêu Thủ tướng đưa ra.
![]() |
Ông Phan Trường Thành - Trưởng phòng Tài chính - Đầu tư, Sở Xây dựng Hà Nội |
Theo Chỉ thị 20/CT-TTg, lộ trình cấm xe máy chạy xăng được chia làm ba giai đoạn: Từ nay đến 1/7/2026, tiếp đến là từ 1/1/2028, và sau cùng từ năm 2030 trở đi. Thành phố cam kết bám sát chỉ đạo và sẵn sàng rút ngắn các mốc tiến độ nếu điều kiện cho phép. Trước mắt, từ ngày 1/7/2026, Hà Nội sẽ cấm hoàn toàn xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong phạm vi vành đai 1.
Ông Thành khẳng định, thành phố luôn theo sát phản hồi từ người dân, đặc biệt trên mạng xã hội, và ghi nhận sự ủng hộ rộng rãi đối với chủ trương. Tuy nhiên, không ít người, nhất là nhóm lao động yếu thế vẫn lo lắng vì việc chuyển đổi phương tiện ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế. Hà Nội ý thức rõ vấn đề này và đang xây dựng cơ chế hỗ trợ phù hợp, thể hiện qua dự thảo nghị quyết được trình Hội đồng nhân dân thành phố.
Về thông tin hỗ trợ 3-5 triệu đồng cho người dân chuyển đổi xe, ông Thành làm rõ đây mới chỉ là đề xuất từ đơn vị tư vấn, chưa phải quyết định cuối cùng của thành phố. Bất kỳ chính sách nào sử dụng ngân sách đều phải trải qua 17 bước quy trình nghiêm ngặt, từ cấp cơ sở đến thẩm định, phản biện xã hội và biểu quyết tại Hội đồng nhân dân Thành phố.
Song song đó, thành phố đang khẩn trương hoàn thiện hạ tầng, đặc biệt là hệ thống trạm sạc cho xe điện. Trong khu vực vành đai 1, hiện có 45 tuyến buýt hoạt động và sẽ được bổ sung thêm các tuyến buýt điện cỡ nhỏ. Các điểm dừng đỗ cũng sẽ được bố trí để người dân từ ngõ nhỏ có thể chuyển tiếp phương tiện, như xe đạp hoặc xe điện cho thuê, và có trạm sạc tại chỗ. Những phương tiện cơ giới được phép hoạt động trong khu vực này bắt buộc phải là phương tiện xanh.
Theo ông Thành, từ nay đến tháng 7/2026 rất khó để hoàn thành các dự án hạ tầng lớn, vì vậy cần triển khai song song các giải pháp ngắn và dài hạn. Về lâu dài, thành phố sẽ đẩy mạnh đầu tư mạng lưới metro. Mốc 1/7/2026 được đánh giá là hợp lý và không thể trì hoãn thêm, bởi thủ tục đầu tư các tuyến metro thường kéo dài 15–19 năm. Tuy nhiên, với Nghị quyết 188 mới của Quốc hội và các cơ chế đặc biệt như chỉ định thầu, Hà Nội sẽ có điều kiện tăng tốc triển khai. Minh chứng là trong năm 2025, thành phố dự kiến khởi công đồng loạt 7 cây cầu lớn, tốc độ hiếm thấy trước đây.
Ông Thành cũng nhấn mạnh, thể chế, từng là điểm nghẽn giờ đã trở thành động lực. Các nghị quyết như Nghị quyết 57 về chuyển đổi số, Nghị quyết 68 về kinh tế tư nhân và Nghị quyết 59 về cải cách thủ tục đang tạo ra đòn bẩy chính sách mạnh mẽ. Cùng với đó là bộ máy chính quyền hai cấp tinh gọn, gần dân, sẵn sàng triển khai các chủ trương lớn đến tận cơ sở.
Hà Nội mong muốn người dân không chỉ ủng hộ bằng lời nói mà bằng hành động cụ thể. Thông điệp bây giờ, theo ông Thành, không còn là khẩu hiệu mà phải được thể hiện bằng kết quả. Đích đến cuối cùng là giải quyết được cho TP. Hà Nội thực sự xanh, sạch, đẹp, văn minh, giải quyết được 2 vấn đề lớn mà Tổng Bí thư, Đảng, Nhà nước giao.
Tổng Bí thư Tô Lâm giao 2 vấn đề là ô nhiễm môi trường và ùn tắc giao thông, đây cũng là mong muốn của Bộ Chính trị dành cho Hà Nội theo nghị quyết 15 để làm sao đẩy nhanh Thủ đô Hà Nội xứng tầm không chỉ ở khu vực mà trên thế giới.