![]() |
GS.TS Trần Thanh Hải cho rằng, việc thiết lập danh mục khoáng chất thiết yếu là điều cấp thiết. |
Trong bối cảnh thế giới đang chuyển mình mạnh mẽ sang năng lượng sạch và công nghệ cao, vai trò của các khoáng sản thiết yếu – đặc biệt là đất hiếm – ngày càng trở nên quan trọng. Việt Nam, với tiềm năng đất hiếm dồi dào, được kỳ vọng sẽ là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, theo GS.TS Trần Thanh Hải – Hiệu trưởng Trường Đại học Mỏ Địa chất, con đường hiện thực hóa tiềm năng đó vẫn còn nhiều trở ngại cần tháo gỡ.
Tại Tọa đàm "Chính sách đặc biệt để phát triển công nghệ chiến lược quốc gia" diễn ra sáng ngày 17/4, GS.TS Trần Thanh Hải nhấn mạnh: “Khoáng sản và khoáng chất là xương sống cho sự tiến hóa của nhân loại, từ thời kỳ đồ đá đến nền văn minh hiện đại". Ông cho rằng, vai trò của khoáng sản không chỉ dừng lại ở giá trị kinh tế mà còn là động lực phát triển văn hóa, công nghệ và xã hội hiện đại.
Theo ông, kỷ nguyên công nghệ xanh – năng lượng gió, mặt trời, xe điện, pin lưu trữ – thực chất đang khiến thế giới lệ thuộc nhiều hơn vào khoáng sản. “Một chiếc ô tô điện đòi hỏi lượng khoáng chất cao gấp 6 lần xe truyền thống. Turbin gió, tấm pin mặt trời, thiết bị điện tử – tất cả đều cần đất hiếm và các kim loại chiến lược như lithium, cobalt, nickel,” ông dẫn chứng.
Báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho thấy, nhu cầu với các kim loại phục vụ chuyển đổi năng lượng sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030 và gấp ba vào năm 2040. Trong khi đó, nguồn cung toàn cầu lại đang bị chi phối bởi một số ít quốc gia. “Sự phụ thuộc vào nguồn cung đất hiếm từ Trung Quốc là một bài học lớn. Đây là nguồn tài nguyên không tái tạo, phân bố không đều, dễ trở thành nguyên nhân của xung đột địa chính trị", GS.TS Trần Thanh Hải cảnh báo.
Chính những thực trạng ấy khiến việc thiết lập danh mục khoáng chất thiết yếu và chiến lược là điều cần được chú trọng. GS.TS Trần Thanh Hải chia sẻ: “Mỗi quốc gia cần xác định rõ đâu là khoáng chất cần thiết cho phát triển công nghệ, quốc phòng và kinh tế, từ đó có chiến lược đầu tư và bảo đảm chuỗi cung ứng lâu dài".
Việt Nam hiện được đánh giá là một trong những quốc gia sở hữu trữ lượng đất hiếm đáng kể, đặc biệt tại các khu vực như mỏ Đông Pao (Tam Đường, Lai Châu) , xã Yên Phú (Yên Bái) hay xã Nậm Xe (Lai Châu). Tuy nhiên, theo GS.TS Trần Thanh Hải, hiện trạng khai thác đất hiếm ở nước ta vẫn còn rất hạn chế và thiếu bền vững.
“Trước năm 2012, chúng ta chủ yếu chỉ dừng ở mức tìm kiếm, đánh giá tiềm năng. Dù có hợp tác với Nhật Bản để nghiên cứu tách kim loại từ khoáng sản đất hiếm, nhưng mọi việc vẫn chỉ dừng lại ở quy mô phòng thí nghiệm. Việc nghiên cứu sau đó không được tiếp tục bài bản, công nghệ đất hiếm – vốn là công nghệ lõi – chưa ai chuyển giao cho Việt Nam,” ông chia sẻ.
Bên cạnh việc thiếu công nghệ tách lọc hiện đại, quá trình khai thác đất hiếm tại Việt Nam hiện nay còn gây nhiều tác động tiêu cực đến môi trường và thiếu sự đầu tư đúng mức vào chuỗi giá trị sau khai thác. Theo GS.TS Trần Thanh Hải, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ lãng phí tài nguyên, trong khi chưa có chiến lược tổng thể, chưa hình thành chuỗi sản xuất khép kín và chưa đầu tư vào nghiên cứu bài bản.
Ông đề xuất: “Việt Nam cần sớm thiết lập danh mục khoáng chất thiết yếu để từ đó có định hướng phát triển công nghiệp, bảo đảm an ninh nguyên liệu và chiến lược quốc gia. Đồng thời, cần đầu tư mạnh cho công nghệ tách lọc, nâng cao năng lực nghiên cứu và kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác.”
Trong bối cảnh thế giới đẩy mạnh quá trình chuyển đổi năng lượng và cuộc đua công nghệ số ngày càng khốc liệt, Việt Nam cần tận dụng tốt cơ hội từ nguồn tài nguyên quý giá này. Tuy nhiên, nếu không có chiến lược dài hạn, sự đầu tư đúng mức và cách tiếp cận bền vững, tiềm năng sẽ mãi chỉ là tiềm năng.
GS.TS Trần Thanh Hải khẳng định, đất hiếm có thể trở thành lợi thế chiến lược của Việt Nam trong tương lai, nhưng để làm được điều đó, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ, bài bản và có tầm nhìn dài hạn.