PGS.TS Phạm Thế Anh: Rất khó để quay lại mức thuế cũ, Việt Nam phải thay đổi chiến lược GS. TSKH Hồ Tú Bảo: Cần đổi mới tư duy về khoa học công nghệ |
Tại buổi tọa đàm chính sách đặc biệt phát triển công nghệ chiến lược quốc gia ngày 17/4, do Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức, GS. TS Nguyễn Đình Đức, Trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội, đã đưa ra nhiều nhận định sâu sắc và tầm nhìn chiến lược về những lĩnh vực công nghệ cốt lõi cần được ưu tiên đầu tư trong giai đoạn mới. Theo ông, đổi mới sáng tạo không chỉ là động lực, mà còn là chìa khóa quan trọng để Việt Nam bứt phá và vươn lên mạnh mẽ.
GS. TS Nguyễn Đình Đức cho biết, từ những năm 1980, thế giới đã xác định vật liệu thông minh và vật liệu sóng âm là trọng tâm phát triển công nghệ. Theo dòng chảy thời gian và sự tiến bộ, carbon đã trở thành đỉnh cao trong hệ vật liệu, được ứng dụng trong các ngành công nghệ quốc phòng – đặc biệt là chế tạo tên lửa và thiết bị hàng không.
“Vật liệu là gốc, là nền tảng. Không có vật liệu mới, không có đổi mới về công nghệ,” ông khẳng định. Hai loại vật liệu chính trong quốc phòng gồm: vật liệu chế tạo kết cấu và vật liệu phục vụ cảm biến, điều khiển, dẫn đường. Việt Nam cần đầu tư nghiêm túc để bắt kịp thế giới trong lĩnh vực này.
![]() |
GS. TS Nguyễn Đình Đức, Trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội (Ảnh: Phan Chính) |
Chuyển sang lĩnh vực công nghệ thông tin, GS.TS Nguyễn Đình Đức đánh giá cao vai trò của trí tuệ nhân tạo (AI) và an toàn – an ninh mạng. Đây là hai lĩnh vực cốt lõi, không chỉ trong sản xuất mà còn trong quản trị xã hội, giáo dục và quốc phòng.
“Công nghệ thông tin là nền tảng cho phương thức sản xuất mới, là trụ cột của nền kinh tế số,” ông Đức nói và cho biết, việc đầu tư vào AI sẽ tạo ra bước nhảy vọt trong năng suất lao động và khả năng thích nghi với xã hội 5.0 – một mô hình xã hội thông minh mà nhiều nước như Nhật Bản đang xây dựng.
Trong đó, giáo dục cần đi đầu trong trí tuệ nhân tạo. Ông cho rằng, nếu ngành giáo dục trở nên thông minh, sáng tạo và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ, thì cả xã hội sẽ thay đổi nhanh chóng theo chiều hướng tích cực.
Bên cạnh AI, chip bán dẫn là lĩnh vực được GS. TS Nguyễn Đình Đức đặc biệt nhấn mạnh. Ông khẳng định đây là "trái tim" của mọi thiết bị điện tử hiện đại. Nếu không làm chủ được công nghệ này, Việt Nam sẽ phụ thuộc vào bên ngoài và mất thế chủ động trong tương lai.
Ngoài ra, năng lượng mới cũng là vấn đề sống còn. GS. TS Nguyễn Đình Đức kêu gọi đầu tư vào năng lượng tái tạo, pin nhiên liệu, hydrogen... nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và thúc đẩy phát triển bền vững. Ông cảnh báo: “Nếu không giải được bài toán năng lượng, Việt Nam sẽ mãi không thể công nghiệp hóa thành công.”
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi không thể thiếu để đảm bảo an ninh lương thực và nâng cao giá trị gia tăng. Ông cho biết, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong giống cây trồng, vật nuôi, quản lý thông minh và hệ thống canh tác tự động hóa.
Về ninh quốc phòng, GS. TS Nguyễn Đình Đức nhấn mạnh rằng công nghệ không chỉ là phương tiện hỗ trợ mà còn là lực lượng “tác chiến mềm” quan trọng trong các cuộc chiến hiện đại, đặc biệt trong chiến tranh mạng, chiến tranh thông tin.
Một trong những điểm nhấn quan trọng nhất trong phát biểu của GS. Nguyễn Đình Đức là khẳng định về tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo. Ông cho rằng đây là "mạch sống" của quốc gia nếu muốn giàu mạnh và độc lập.
Tuy nhiên, đổi mới sáng tạo không thể phát triển nếu thiếu một cơ chế phù hợp. Ông kiến nghị rằng các quy định, chính sách hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và thương mại hóa sản phẩm cần được “đưa vào luật” và triển khai thực chất, chứ không chỉ dừng lại ở chủ trương.
Ông nhấn mạnh: “Chúng ta nói nhiều về khoa học đi trước, dẫn đường. Nhưng muốn dẫn đường thật sự thì phải có nền tảng công nghệ, thể chế và cơ chế cụ thể.”
Với cái nhìn toàn diện, GS. TS Nguyễn Đình Đức cho rằng, muốn thành công trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 và tiến tới xã hội 5.0, Việt Nam cần có những chuyển biến thực chất về tư duy phát triển, đầu tư vào lĩnh vực mũi nhọn, đặc biệt là vật liệu mới, AI, năng lượng mới, chip bán dẫn, và giáo dục thông minh.
“Khởi nghiệp bằng công nghệ – chỉ cần chọn lĩnh vực có nhiều người dùng là có thể chiến thắng. Nhưng để khoa học Việt Nam dẫn đầu, trước hết phải có nền tảng. Không có con đường nào khác,” GS. Đức nhận định.