![]() |
PGS.TS Phạm Thế Anh |
PGS.TS Phạm Thế Anh – giảng viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân – nhận định rằng, mức thuế quan 46% mà phía Mỹ đưa ra ban đầu không nhằm mục đích áp dụng ngay, mà là bước đi mở đầu cho quá trình đàm phán.
Theo ông, việc chính quyền Mỹ quyết định tạm hoãn áp dụng mức thuế đối ứng 46% đối với hàng hóa từ Việt Nam và một số quốc gia trong vòng 90 ngày là cơ hội để Việt Nam chuẩn bị kỹ lưỡng cho các cuộc thương lượng sắp tới. Tuy nhiên, ngay cả khi được hoãn, hàng hóa từ tất cả các quốc gia liên quan vẫn phải chịu mức thuế tối thiểu 10%.
“Khả năng quay trở lại mức thuế quan như trước đây là rất thấp”, ông Phạm Thế Anh cảnh báo, đồng thời cho rằng, bất kể kết quả đàm phán trong 90 ngày tới ra sao, thì cục diện thương mại toàn cầu cũng đã bước vào giai đoạn thay đổi rõ rệt. Đây là thách thức lớn đối với Việt Nam.
Thay đổi chiến lược để thích ứng với cuộc chơi mới
Phân tích sâu hơn, PGS.TS Phạm Thế Anh nhấn mạnh rằng Việt Nam cần cấp thiết điều chỉnh chiến lược thương mại theo hướng đa dạng hóa thị trường và ngành hàng, tránh phụ thuộc vào một hoặc một vài đối tác lớn.
Bên cạnh nỗ lực đàm phán song phương với Mỹ, ông cho rằng Việt Nam cũng nên chủ động làm việc với các đối tác thương mại chủ chốt khác để làm rõ vấn đề xuất xứ hàng hóa, từ đó kịp thời thích ứng với những điều chỉnh chính sách từ chính quyền Tổng thống Donald Trump.
“Chiến lược sống còn trong giai đoạn tới là đa dạng hóa – không chỉ về thị trường tiêu thụ, mà còn về danh mục sản phẩm xuất khẩu – đồng thời gia tăng giá trị nội địa trong chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông nhấn mạnh.
Thay vì chỉ tập trung vào các thị trường truyền thống như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam cần mạnh dạn khai thác các thị trường tiềm năng nhưng ít biến động hơn như Trung Đông, Nam Mỹ và châu Phi.
Tăng giá trị nội địa, giảm rủi ro từ phòng vệ thương mại
PGS.TS Phạm Thế Anh cho rằng, nền kinh tế cần chuyển từ mô hình gia công giá rẻ sang tạo ra giá trị gia tăng cao hơn. Điều này không chỉ nâng cao khả năng cạnh tranh, mà còn giúp giảm thiểu rủi ro từ các biện pháp phòng vệ thương mại và điều chỉnh thuế quan từ các nền kinh tế lớn.
“Ngay cả trong trường hợp quy mô xuất khẩu bị thu hẹp, nếu giá trị gia tăng trong từng sản phẩm tăng lên thì tăng trưởng vẫn có thể đạt được. Khi đó, nền kinh tế sẽ vẫn hưởng lợi mà ít bị tổn thương trước các biến động chính sách từ bên ngoài”, ông phân tích.
Hiện tại, Chính phủ đang tiến hành rà soát từng ngành hàng để đánh giá lại tiềm năng và thế mạnh, từ đó xây dựng các chiến lược phù hợp hơn trong bối cảnh thương mại quốc tế đầy biến động.
Nâng tỷ lệ nội địa hóa – nhiệm vụ bắt buộc với khối FDI
Một trong những nội dung quan trọng có thể xuất hiện trong các đàm phán sắp tới chính là yêu cầu về tỷ lệ nội địa hóa và xuất xứ hàng hóa. Theo PGS.TS Phạm Thế Anh, đây vừa là cơ hội, vừa là lời cảnh báo cho Việt Nam – đặc biệt là đối với khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
“Chính sách vĩ mô của Việt Nam cũng như hoạt động của các doanh nghiệp FDI cần định hướng rõ ràng vào việc nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm, từ đó giảm thiểu rủi ro trước các rào cản thương mại ngày càng gia tăng”, ông đề xuất.