Giải pháp vốn cho doanh nghiệp SME

17:29 28/04/2021

"Niêm yết doanh nghiệp SME trên thị trường chứng khoán là cách tốt nhất để giảm bất cân xứng thông tin khi có nhu cầu tăng vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh".

Ở nhiều thị trường chứng khoán, mặc dù một số ít các doanh nghiệp có vốn hóa lớn đại diện cho thị trường nhưng phần lớn các doanh nghiệp niêm yết còn lại là ở quy mô SMEs. Các doanh nghiệp này niêm yết là cách tốt nhất để giảm bất cân xứng thông tin khi có nhu cầu tăng vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh. Với việc minh bạch các thông tin tài chính, tình hình sản xuất kinh doanh định kỳ thì nhà đầu tư dễ dàng đánh giá và đưa ra quyết định hơn. Các doanh nghiệp dù nhỏ nhưng hoạt động hiệu quả, có tiềm năng tăng trưởng thì sẽ vào tầm radar của các chuyên gia phân tích chứng khoán, từ đó nằm trong các khuyến nghị gửi đến nhà đầu tư.

Sau thị trường chứng khoán, sự tham gia của các tổ chức phi tín dụng vào thị trường vốn cũng là một giải pháp phát triển thị trường tài chính một cách căn cơ. Các công ty quản lý tài sản, các doanh nghiệp bảo hiểm, các công ty tài chính, các quỹ đầu tư, các định chế tài chính công (Public Financial Institutions, PFIs) cần được mở rộng vai trò, tham gia chủ động tích cực vào thị trường vốn, dĩ nhiên với những quy định giám sát chặt chẽ phù hợp.

Ở nhiều nước, hình thức đầu tư PE (Private Equity) cũng rất phổ biến, là một kênh cung cấp vốn quan trọng cho các SMEs. Nhiều quỹ đầu tư linh động, dưới hình thức đại diện cho một số ít nhà đầu tư giàu có (Family Offices) là một trong những nguồn cung cấp vốn đáng kể cho thị trường. Các công ty quản lý tài sản, các doanh nghiệp bảo hiểm với nguồn vốn lớn, cũng dành một phần danh mục của mình đầu tư vào các SMEs có chất lượng. Các công ty cho thuê tài chính tư nhân cũng là nguồn hỗ trợ vốn đáng kể cho các SMEs, nhất là trong việc đầu tư máy móc, thiết bị, phương tiện vận chuyển. 

Riêng đối với các PFIs, đây là một xu hướng mới ở nhiều nước để hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp. Một số nước thành lập hẳn một ngân hàng đầu tư 100% vốn nhà nước, chỉ để hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp nhỏ khởi nghiệp. Như ở Pháp, vai trò của Bpifrance là rất đáng kể trong sự thành công của hiện tượng khởi nghiệp trong những năm gần đây.

Một cách khơi thông thị trường vốn khác, bên cạnh thị trường chứng khoán và các tổ chức phi tín dụng, đó chính là phát triển các công cụ tài chính thay thế khác, được cung cấp không chỉ bởi các ngân hàng. Các công cụ này có mức độ rủi ro tăng dần.

Theo đó, thường là các khoản vay có tài sản đảm bảo, nghiệp vụ vay đảm bảo bởi các khoản phải thu (factoring), thuê tài chính (leasing), hay thuê mua (thuê một thời gian, sau có có quyền chọn mua). Đây là những giải pháp rất linh động và phù hợp với các doanh nghiệp SMEs, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ hay siêu nhỏ. Ở mức độ rủi ro cao hơn một chút, các công cụ đó có thể là khoản nợ được chứng khoán hóa (securitised debt), hay trái phiếu doanh nghiệp.

Cao hơn nữa về mức độ rủi ro là các công cụ “hybrid” như trái phiếu chuyển đổi, nợ có thứ tự ưu tiên thấp hơn (subordinated debt), và còn có thể là công cụ tài chính theo tầng (mezzanine finance). Trong số này, công cụ tài chính theo tầng được khá nhiều nhà đầu tư quan tâm, vì thường mang lại tỷ suất sinh lợi cao nhất với cùng mức độ rủi ro.

Cuối cùng, kênh cung cấp vốn cho các các SMEs có mức độ rủi ro cao nhất là thông qua các quỹ đầu tư mạo hiểm (venture capital), các vòng gọi vốn chung (crowdfunding) hay các hệ thống giao dịch dành riêng cho các công ty SMEs niêm yết.

Ts Võ Đình Trí - Trường ĐH Kinh tế Tp.HCM, IPAG Business School Paris, và AVSE Global.

Tags: