Đây không chỉ là một dự án nông – lâm nghiệp thông thường mà còn là một chiến lược ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp tạo nguyên liệu thô cung cấp về Việt nam phục vụ ngành sản xuất thép xanh – một xu hướng tất yếu trên thế giới.
Lễ ký kết hợp tác giữa Công ty TNHH Thương mại & Nông nghiệp Khang An và Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam diễn ra tại Ninh Bình ngày 7/2/2025. |
Ngành luyện thép từ lâu đã được xem là một trong những ngành công nghiệp phát thải carbon lớn nhất thế giới, chiếm 7-9% tổng lượng phát thải CO₂ toàn cầu. Phần lớn lượng khí thải này đến từ việc sử dụng than cốc – một nhiên liệu hóa thạch không thể tái tạo trong quá trình luyện thép.
Dự án trồng 1 triệu héc-ta rừng bạch đàn tại Angola không chỉ cung cấp nguyên liệu bền vững cho luyện thép mà còn giúp hấp thụ một lượng lớn CO₂ từ khí quyển. Theo các nghiên cứu khoa học: Mỗi héc-ta rừng bạch đàn có thể hấp thụ hàng trăm tấn CO₂ trong suốt vòng đời sinh trưởng. Diện tích bạch đàn trồng làm than củi đủ để sản xuất 1 tấn gang thỏi xanh sẽ hấp thụ khoảng 2.700 kg CO₂. Nhờ đó, khi sử dụng loại than củi này thay thế than cốc, tổng lượng phát thải giảm xuống mức âm 700 kg CO₂/tấn thép, thay vì phát thải 2.000 kg CO₂ vào khí quyển.
Tại Việt Nam, Tập đoàn Xuân Thiện đang triển khai xây dựng Tổ hợp thép xanh Xuân Thiện Nam Định và Tổ hợp thép xanh Khu kinh tế Chân Mây (Huế). Gang thỏi xanh được sản xuất tại Angola sẽ được vận chuyển về để làm nguyên liệu phục vụ cho 2 tổ hợp thép xanh này khi hoàn thành. Bên cạnh đó, công nghệ sản xuất thép đột phá bằng hydro cũng được đồng thời áp dụng.
Khu vực sản xuất than củi nhà máy gang thỏi xanh Tập Đoàn Xuân Thiện Angola |
Angola là một quốc gia có tài nguyên phong phú nhưng vẫn chưa khai thác hết tiềm năng. Với diện tích hơn 1,2 triệu km², đất đai màu mỡ và điều kiện khí hậu thuận lợi, đây là điểm đến lý tưởng cho các dự án nông lâm nghiệp quy mô lớn.
Tập đoàn Xuân Thiện đã có hơn một thập kỷ kinh nghiệm đầu tư tại châu Phi và gần đây đã đẩy mạnh đầu tư vào các dự án khai thác và sản xuất tại Angola. Tại đây, Xuân Thiện không chỉ sở hữu mỏ quặng sắt lộ thiên với trữ lượng hàng tỷ tấn và diện tích lớn rừng bạch đàn mà còn hàng triệu héc-ta đất phát triển các loại cây công nghiệp khác như sắn, mía, cà phê... để sản xuất tinh bột sắn và đường… Điều này tạo ra một chu trình sản xuất khép kín, đảm bảo tính bền vững và tối ưu hóa nguồn tài nguyên. Hơn nữa, dự án còn giúp tạo ra hàng trăm nghìn việc làm cho người dân địa phương, đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội của Angola.
Mỏ quặng sắt lộ thiên đang được Tập đoàn Xuân Thiện khai thác tại Angola để chuẩn bị cung cấp về Việt Nam cho tổ hợp thép xanh Nam Định và Khu kinh tế Chân Mây (Huế). |
Sự chuyển dịch từ luyện thép bằng than cốc sang than củi không chỉ mang lại lợi ích môi trường mà còn giúp các tập đoàn thép tối ưu hóa chi phí trong dài hạn. Các quốc gia phát triển hiện đang áp dụng thuế carbon và cơ chế tín dụng carbon, trong đó doanh nghiệp nào giảm phát thải CO₂ sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn về mặt tài chính. EU áp dụng CBAM, khiến giá thép có lượng phát thải CO₂ cao bị đánh thuế mạnh, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam cũng đã cam kết trung hòa carbon vào năm 2050, thúc đẩy nhu cầu gang thỏi xanh. Các tập đoàn thép toàn cầu như ArcelorMittal, Thyssenkrupp, POSCO đều đang đầu tư vào công nghệ sản xuất thép xanh.
Gang thỏi xanh do Xuân Thiện sản xuất đã được các nhà sản xuất thép tại châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… đón nhận nồng nhiệt. Đây là những thị trường có yêu cầu khắt khe về giảm phát thải carbon, đặc biệt khi Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức áp dụng Cơ chế Điều chỉnh Biên giới Carbon (CBAM), buộc các sản phẩm thép nhập khẩu phải đáp ứng tiêu chuẩn phát thải thấp.
Tại Nhật Bản và Hàn Quốc, các tập đoàn thép lớn như Nippon Steel, POSCO cũng đang tìm kiếm nguồn gang thỏi xanh dài hạn để đáp ứng cam kết trung hòa carbon vào năm 2050. Với những xu hướng này, sản phẩm gang thỏi xanh và thép xanh của Xuân Thiện không chỉ đáp ứng các yêu cầu khắt khe về môi trường mà còn mở ra cơ hội lớn để chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu thép bền vững.
Sản xuất thép xanh không chỉ là một bước tiến công nghệ trong ngành luyện thép mà còn là giải pháp chiến lược giúp giảm phát thải CO₂, góp phần chống biến đổi khí hậu. Trong bối cảnh các quốc gia và doanh nghiệp trên thế giới đang hướng tới trung hòa carbon, mô hình sản xuất gang thỏi xanh kết hợp trồng rừng bạch đàn của Xuân Thiện một chiến lược dùng khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp tạo nguyên liệu xanh (sạch) cung cấp về Việt nam phục vụ ngành sản xuất thép xanh đang cho thấy tính tiên phong và bền vững. Nếu tận dụng tốt lợi thế, Việt Nam có thể trở thành trung tâm cung ứng thép xanh hàng đầu thế giới, góp phần nâng cao vị thế ngành luyện kim nước nhà.