Chiều 3/1, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đã chủ trì Hội nghị giao ban của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp để đánh giá tình hình sắp xếp, cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước trong giai đoạn 2021-2026 và đề ra những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cho năm 2025.
Báo cáo từ Ban Chỉ đạo cho biết, tính đến ngày 15/12/2024, đã có 117 trên tổng số 667 doanh nghiệp được phê duyệt đề án cơ cấu lại, đạt tỷ lệ 17%. Sau quá trình sắp xếp và cơ cấu lại, các doanh nghiệp Nhà nước cơ bản tập trung vào những ngành và lĩnh vực mà Nhà nước cần giữ vai trò chủ đạo. Các tập đoàn, tổng công ty quy mô lớn, hoạt động trong các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế, đã phát huy hiệu quả, hoàn thành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển theo kế hoạch. Đồng thời, các doanh nghiệp này đã nỗ lực đổi mới quản trị, tài chính, nhân sự, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và sáng tạo để nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường năng lực cạnh tranh.
Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đã chủ trì Hội nghị giao ban của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp. |
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng đã trình Bộ Chính trị phương án xử lý toàn diện đối với 12 dự án và doanh nghiệp yếu kém thuộc ngành công thương, vốn là vấn đề tồn đọng do lịch sử để lại. Hiện tại, các cơ quan và doanh nghiệp liên quan đang tích cực triển khai các giải pháp để giải quyết dứt điểm theo kết luận của Bộ Chính trị. Trong năm 2024, Chính phủ đã hoàn tất việc trình Bộ Chính trị cho ý kiến xử lý đối với 4 dự án yếu kém nhất gồm: Nhà máy Bột giấy Phương Nam, Thép Thái Nguyên giai đoạn 2, Công ty TNHH MTV Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất, và Thép Việt Trung. Việc này không chỉ giải quyết những khó khăn kéo dài mà còn đóng góp vào thành công chung trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2024.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, năm 2025 cần tiếp tục tập trung nghiên cứu để có các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đặc biệt trong việc xác định giá trị doanh nghiệp và giá đất, nhằm thúc đẩy tiến độ cổ phần hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Ông cũng yêu cầu các bộ, ngành rà soát kỹ lưỡng thực tế triển khai cổ phần hóa theo Nghị quyết 12-NQ/TW, đồng thời nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định pháp luật, đặc biệt là Luật Quản lý và sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, với tinh thần đổi mới mạnh mẽ.
Phó Thủ tướng cũng kêu gọi các doanh nghiệp tập trung đổi mới công nghệ, đầu tư thiết bị tiên tiến, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hoàn thiện quy trình quản trị để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong hoạt động kinh doanh. Đối với các vấn đề còn tồn đọng, Ban Chỉ đạo cần phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để làm rõ từng “địa chỉ” vướng mắc, xác định cụ thể khâu khó khăn nằm ở đâu và thuộc trách nhiệm của cơ quan nào, từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp, hiệu quả. Ông nhấn mạnh vai trò trách nhiệm của các lãnh đạo bộ, ngành và địa phương trong việc đảm bảo tiến độ và chất lượng xây dựng các đề án sắp xếp, cơ cấu lại doanh nghiệp. Theo đó, các cơ quan đại diện chủ sở hữu cần hoàn thành phê duyệt đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước theo Quyết định số 360/QĐ-TTg trong quý I/2025.