UBND TP. Hồ Chí Minh đã chính thức gửi tờ trình đến Thủ tướng và Bộ Kế hoạch và Đầu tư về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh.
Theo đó, tại văn bản số 7515/TTr-UBND do Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi ký ban hành ngày 23/11 cho biết, sau thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng, rà soát, lập báo cáo đánh giá tổng thể chung cho các dự án thành phần, TP. HCM đã đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng chung cho toàn bộ tuyến Vành đai 4 TP. HCM.
Đồng thời, lãnh đạo TP. HCM nhấn mạnh việc xây dựng Vành đai 4 là sự cụ thể hóa mục tiêu của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, góp phần hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, tạo tiền đề để bước vào kỷ nguyên mới.
Trong tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ, UBND TP. HCM thuyết minh "siêu dự án" Vành đai 4 TP.HCM với mục tiêu tạo ra trục giao thông chiến lược kết nối vùng Đông Nam Bộ với Tây Nam Bộ và Tây Nguyên góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Tuyến vành đai hình thành cũng sẽ mở không gian phát triển mới, khai thác tiềm năng nguồn lực đất đai, góp phần hình thành tuyến vành đai công nghiệp, đô thị, logistics...
Phối cảnh Vành đai 4 TPHCM (Ảnh: Sở GTVT TPHCM cung cấp). |
Nội dung tờ trình cho biết, tổng chiều dài dự án Vành đai 4 TP.HCM trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư sẽ vào khoảng 159,31km. Trong đó, đoạn dự án qua Bà Rịa - Vũng Tàu khoảng 18,23km; qua Đồng Nai là 46,08km; qua Long An dài 78,3km và đoạn qua TP. HCM dài khoảng 16,7km. Theo dự kiến, các địa phương TP. HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và Long An sẽ giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch 8 làn. Tuyến chính cao tốc sẽ đầu tư 4 làn và 2 làn khẩn cấp, đồng thời các địa phương làm đường gom, đường song hành hai bên đường Vành đai. Dự án có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 122.774,28 tỉ đồng, thực hiện theo hợp đồng BOT.
Trước đó, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đã chủ trì một cuộc họp với các Ủy viên UBND Thành phố và đại diện các sở ngành góp ý cho dự án đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh, trên cơ sở TP. Hồ Chí Minh là đầu mối tổng hợp các hồ sơ của các địa phương để trình Thủ tướng và xin ý kiến Thủ tướng để trình Quốc hội.
Dự án Đầu tư Xây dựng đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh được thực hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An và Bình Dương. Đây là dự án nằm trong nhóm Dự án quan trọng của quốc gia và Quốc hội là cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án.
Mục tiêu chung cao nhất của dự án là mau chóng khởi công hoàn thiện dự án vào năm 2027 để kết nối cùng Vành đai 3, Vành đai 2, hoàn thiện mạng lưới đường vành đai TP. Hồ Chí Minh, đổi mới hạ tầng giao thông một cách căn cơ.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao các địa phương làm cơ quan có thẩm quyền triển khai các dự án; giao TP.Hồ Chí Minh là cơ quan thẩm quyền tổ chức hoàn thiện, lập trình Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (BCNCTKT) dự án.
Theo kế hoạch, trong tháng 11 và 12/2024 TP. Hồ Chí Minh sẽ phối hợp với các tỉnh hoàn thiện hồ sơ trình Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và các cơ chế chính sách đặc thù.
Quý 1 năm 2025 trình phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Quý 2 và quý 3 năm 2025 trình Phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án. Quý 4 năm 2025 sẽ tổ chức lựa chọn nhà đầu tư.
Quý 4 năm 2025: Bắt đầu kế hoạch bàn giao mặt bằng; quý 1 và quý 2 năm 2026: Khởi công (các dự án thành phần đường song hành, đường gom). Trong năm 2028, Dự án sẽ hoàn thành đưa công trình vào vận hành khai thác.
Trên cơ sở đó, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đã giao Sở Giao thông Vận tải làm đầu mối, phối hợp cùng Văn phòng UNND Thành phố tiếp thu và hoàn hiện hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án và các cơ chế chính sách đặc thù trong tháng 11 và 12 năm 2024 để có thể trình Quốc hội trong quý 1 năm 2025.
Chủ tịch UNND Thành phố giao Sở Giao thông Vận tải Thành phố phối hợp cùng Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố tham mưu các thủ tục triển khai dự án đoạn qua Thành phố Hồ Chí Minh để có thể khởi công trong quý 1 năm 2026 và hoàn thành trong năm 2028.