Ngày 3/7/2025, tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, ông Phan Tuấn Hùng – Vụ trưởng Vụ Pháp chế – đã công bố một cột mốc quan trọng trong tiến trình cải cách hành chính: Bộ đã hoàn thành 100% nhiệm vụ xây dựng và tổ chức thi hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) về phân quyền, phân cấp, phân định thẩm quyền trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường. Đây là bước đi kịp thời, hiệu quả nhằm hiện thực hóa chỉ đạo của Chính phủ trong việc tinh gọn bộ máy và nâng cao hiệu quả điều hành tại chính quyền địa phương hai cấp.
![]() |
Ông Phan Tuấn Hùng – Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Nông nghiệp và Môi trường |
Theo báo cáo từ Vụ Pháp chế, thời gian qua Bộ đã tiến hành rà soát tổng cộng 1.055 VBQPPL còn hiệu lực và xác định hơn 1.600 thẩm quyền, trong đó có 500 thuộc thẩm quyền Bộ, hơn 1.000 thuộc chính quyền địa phương và 141 thuộc cấp Trung ương. Trên cơ sở đó, Bộ đã trình Chính phủ ban hành 3 Nghị định cùng 18 Thông tư chuyên ngành – các văn bản pháp lý có tính chất nền tảng, tạo hành lang rõ ràng cho hoạt động phân quyền, phân cấp trong thực tế.
Trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường, tổng cộng 315 thẩm quyền đã được cụ thể hóa việc phân cấp – từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đến Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường, cũng như từ Bộ xuống cấp địa phường. Đặc biệt, đã có 171 nhiệm vụ được phân cấp cho cấp tỉnh, phần lớn liên quan đến thủ tục hành chính, giúp rút ngắn quy trình xử lý và giảm áp lực cho cấp Trung ương.
Đáng chú ý, việc chuyển giao 11 nhiệm vụ từ cấp tỉnh xuống cấp xã thể hiện bước tiến vượt bậc trong việc tăng cường năng lực xử lý công việc ngay tại cơ sở. Điều này không chỉ góp phần tăng tính chủ động cho cấp cơ sở mà còn nâng cao khả năng giải quyết công việc tại chỗ – đúng với tinh thần cải cách “phục vụ thay vì quản lý”.
Hai Nghị định số 131/2025/NĐ-CP và Nghị định số 151/2025/NĐ-CP đã tạo dấu ấn rõ nét khi giúp cắt giảm đến 47% thời gian giải quyết thủ tục hành chính, góp phần rõ rệt trong cải cách hành chính và phục vụ người dân, doanh nghiệp hiệu quả hơn.
Để bảo đảm việc triển khai đồng bộ trên cả nước, Bộ đã xây dựng kế hoạch tổ chức thi hành rõ ràng, ban hành các hướng dẫn cho địa phương, đồng thời lên lịch tập huấn trực tuyến toàn quốc trong tháng 7/2025. Một điểm mới đáng ghi nhận là việc thiết lập đường dây nóng tiếp nhận, giải đáp kịp thời các vướng mắc từ cơ sở với tinh thần sẵn sàng đồng hành cùng chính quyền địa phương trong thực thi nhiệm vụ.
Không dừng lại ở đó, Bộ cũng công bố 100% thủ tục hành chính đã được phân quyền, phân cấp, phân định rõ ràng – tạo tiền đề pháp lý quan trọng để các địa phương chủ động thực hiện. Đây là bước đi thiết thực giúp người dân và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận, tra cứu thông tin và thực hiện thủ tục hành chính nhanh chóng, thuận lợi hơn.
Trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ tiếp tục hoàn thiện hai dự án Luật sửa đổi, dự kiến điều chỉnh và bổ sung 17 luật hiện hành. Mục tiêu đặt ra là trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 10, sớm hơn 1 năm so với kế hoạch ban đầu.
Việc hoàn thành toàn diện nhiệm vụ phân quyền, phân cấp không chỉ khẳng định vai trò chủ động, tiên phong của Bộ Nông nghiệp và Môi trường mà còn mở ra kỳ vọng về một nền hành chính phục vụ, minh bạch và linh hoạt hơn, nơi người dân và doanh nghiệp thực sự trở thành trung tâm của quá trình phát triển.