Dự báo áp lực lớn từ thuế đối ứng Mỹ
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được nhấn mạnh: “Đây không chỉ là phiên họp sơ kết tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, mà còn là dịp quan trọng để rà soát, đánh giá toàn diện những bước đi đầu tiên trong quá trình vận hành bộ máy chính quyền hai cấp tại TP. Hồ Chí Minh mới”.
Người đứng đầu thành phố cho rằng, cần thẳng thắn nhìn nhận những việc đã làm được, những hạn chế còn tồn tại, đồng thời xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm cho 6 tháng cuối năm 2025, trong bối cảnh dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của chính sách thuế đối ứng từ phía Hoa Kỳ.
![]() |
Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được phát biểu tại phiên họp |
Theo báo cáo, GRDP 6 tháng đầu năm của thành phố đạt mức tăng 6,56% (có tính dầu thô) và 7,49% (không tính dầu thô). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng mạnh 16,2%; thu ngân sách đạt khoảng 415.000 tỷ đồng, tương đương 60% dự toán năm; giải ngân vốn đầu tư công đạt 32% kế hoạch được Thủ tướng giao.
Ba địa phương trước sáp nhập, tình hình phát triển chênh lệch
Báo cáo chi tiết cho thấy, các địa phương trước sáp nhập có mức tăng trưởng khác biệt, TP. Hồ Chí Minh cũ đạt mức tăng trưởng GRDP 7,82%, thu ngân sách khoảng 322.000 tỷ đồng (đạt hơn 62% dự toán). Tỉnh Bình Dương cũ tăng trưởng 8,3%, thu ngân sách ước đạt 44.800 tỷ đồng, giải ngân đầu tư công đạt 15%. Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũ tăng trưởng GRDP thấp nhất, chỉ 2,61%; thu ngân sách ước đạt 48.000 tỷ đồng, nhưng giải ngân vốn đầu tư công lại dẫn đầu với 9.300 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh đề nghị các sở, ngành khẩn trương đánh giá ảnh hưởng của thuế đối ứng Mỹ tới hoạt động sản xuất – kinh doanh, để từ đó tính toán lại khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP 8 – 8,5% trong năm 2025.
Vận hành mô hình chính quyền hai cấp: Cần rà soát sâu sátMột trong những nội dung được tập trung thảo luận tại phiên họp là những bất cập trong vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp mới. Ông Nguyễn Văn Được yêu cầu các điểm cầu phường, xã, đặc khu báo cáo cụ thể về tình trạng giải quyết thủ tục hành chính: số lượng hồ sơ, thời gian xử lý, mức độ hài lòng của người dân.
Hiệu quả phân công chức năng nhiệm vụ sau sáp nhập, liệu có sự chồng chéo hay thiếu nhất quán. Thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, đặc biệt là tại tuyến cơ sở. Khả năng vận hành hệ thống hạ tầng số, bao gồm phần mềm quản lý và đường truyền tại các phường, xã.
Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cũng đã chỉ đạo Trung tâm Chuyển đổi số kiểm tra toàn diện hạ tầng kỹ thuật phục vụ điều hành chính quyền, đồng thời đẩy nhanh việc triển khai mô hình xử lý hồ sơ hành chính phi địa giới hành chính – một trong những giải pháp then chốt để giảm tải cho bộ máy và tạo thuận lợi cho người dân.
Tái quy hoạch toàn diện với tầm nhìn mới
Về công tác quy hoạch, Chủ tịch Nguyễn Văn Được cho biết, hiện nay các đồ án quy hoạch trước sáp nhập vẫn còn mang tính địa phương, rời rạc. Thành phố mới cần một quy hoạch tổng thể, tầm nhìn dài hạn, khai thác hiệu quả lợi thế của ba địa phương cũ, tránh tình trạng giao thoa, chồng lấn trước đây.
“TP. Hồ Chí Minh mới phải hướng đến mục tiêu lọt top 100 thành phố đáng sống trên thế giới. Muốn vậy, chúng ta cần cập nhật, điều chỉnh toàn diện quy hoạch đô thị, kinh tế, xã hội trong tâm thế mới”, ông Nguyễn Văn Được nhấn mạnh.
Đặc biệt, trong bối cảnh khoảng 3 tháng nữa TP. Hồ Chí Minh sẽ tổ chức Đại hội Đảng bộ thành phố, UBND TP. Hồ Chí Minh quyết định phát động cao điểm thi đua 100 ngày, yêu cầu tất cả các cấp, các ngành đăng ký nhiệm vụ trọng tâm và đảm bảo hoàn thành xuất sắc để chào mừng sự kiện trọng đại này.
Đồng thời, TP. Hồ Chí Minh cũng đang xúc tiến xây dựng văn kiện Đại hội Đảng bộ thành phố mới, với sự tham gia của đội ngũ chuyên gia hàng đầu. Đây sẽ là nền tảng chiến lược quan trọng, định hướng sự phát triển của Thành phố trong giai đoạn hậu sáp nhập.