Đối mặt!

15:05 15/09/2021

Đại dịch Covid-19 đã càn lướt qua các vùng lãnh thổ từ Bắc chí Nam, từ Đông sang Tây. Nhân loại đang từng ngày gánh chịu thảm họa do virut SARS-CoV-2, tưởng như vô hình nhưng sức tàn phá thật khủng khiếp! Chưa có một quốc gia nào dù tiềm lực kinh tế và khoa học công nghệ mạnh mẽ mà đủ sức để triệt tiêu hoàn toàn được sự tồn tại của đại dịch Covid-19, ít ra là đến thời điểm hiện tại…

Việt Nam là một trong những quốc gia sớm chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Do nhận thức và đánh giá về sự nguy hiểm của Covid19 khá chính xác, vậy nên đầu năm 2020, khi ca nhiễm Covid-19 đầu tiên xuất hiện thì các biện pháp đã được triển khai. Toàn hệ thống đã được kích hoạt và vận hành một cách chủ động, linh hoạt và hiệu quả.

Hệ thống điều hành của Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại, dù chưa phải thật hoàn hảo, nhưng có thể nói là khá mẫu mực so với nhiều quốc gia có dịch. Đó là sự điều hành chủ động, linh hoạt và rất quyết liệt, cứng rắn, huy động tối đa sự chuyển động của cả hệ thống từ nền đến đỉnh. Cùng với đó, nguồn lực kinh tế cũng đã chi ra một lượng tài chính khổng lồ so với thực lực. Ý thức người dân về phòng tránh dịch bệnh ngày càng nâng cao, tuân thủ luật pháp rất tốt.

Thủ tướng Phạm Minh Chính động viên đội ngũ y bác sĩ tại lễ phát động chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng chống COVID-19 trên toàn quốc

Thủ tướng Phạm Minh Chính động viên đội ngũ y bác sĩ tại lễ phát động chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng chống COVID-19 trên toàn quốc. (Ảnh: VGP)

Ngành Y tế nói riêng, khoa học công nghệ nói chung đã thực sự xắn tay vào cuộc ngay từ những ngày đầu. Tuy chưa cho ra được sản phẩm vắc-xin phòng Covid-19 như mong đợi nhưng đến nay mọi sự nỗ lực vẫn không hề ngơi nghỉ. Điều đáng ghi nhận là ngành Y tế, khoa học công nghệ đã phản ứng rất linh hoạt, điều phối nhân lực chủ động và hợp lý, huy động tối đa cơ sở vật chất và trang thiết bị, công cụ, thuốc men cho việc phòng, chống và chữa trị.

Một điều rất đáng quan tâm không chỉ của các nhà lãnh đạo, của các nhà hoạch định chính sách, mà cần cả sự quan tâm của người dân. Đó là trong hai năm qua, nền kinh tế Việt Nam vận hành trong điều kiện mất cân đối. Hoạt động chi thì tuôn ra không ngừng, trong khi đó hoạt động sản xuất, hoạt động thương mại, hoạt động xã hội lại đình trệ. Đặc biệt, những vùng kinh tế trọng điểm, có đóng góp lớn vào ngân sách Trung ương như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bình Dương, Đồng Nai... đều bị ảnh hưởng Covid-19 khá nặng. Các khu vực còn lại thì đa phần là các địa phương “làm chưa đủ tiêu”, vẫn phải nhờ vào ngân sách Trung ương.

Nói như vậy để thấy, một nền kinh tế “lâm vào thế” nguồn chi ra lớn mà không có nguồn thu vào thì sẽ khó khăn thế nào. Khi tất cả chỉ biết yêu cầu phải hỗ trợ, hỗ trợ và hỗ trợ... không phải chỉ là người dân mà ngay các ngành, các địa phương cũng đòi hỏi hỗ trợ và hỗ trợ. Cứ kéo dài hỗ trợ thì liệu rằng nền kinh tế quốc gia này, cái túi ngân sách này chịu nổi không?!

Những

Những "Chiến binh quả cảm" cũng như toàn dân Việt Nam luôn tin tưởng vào các quyết sách nhằm ngăn chặn và đẩy lùi dịch Covid-19 của Đảng và Nhà nước.

Sự thật là thế giới đã thừa nhận không thể khống chế tuyệt đối được virus Covid-19. Khoa học đã xác định loại virut này tồn tại lơ lửng trong không khí, không thể tiêu diệt hoàn toàn, chưa kể đến nó không chỉ “theo gió cuốn đi” lan rộng mà còn có thể có những biến thể không lường trước được trong hành trình vòng đời tồn tại của nó!

Một số quốc gia có tiềm lực kinh tế hùng hậu, có trình độ khoa học công nghệ, trình độ y tế cao cũng đã phải tính đến việc chấp nhận “sống chung” lâu dài với Covid-19. Họ một mặt vẫn tích cực phòng chống, một mặt vẫn hoạt động sản xuất và hoạt động xã hội bình thường, cho dù số ca nhiễm và số người tử vong vì Covid-19 vẫn diễn ra.

Phát biểu mới đây của Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam - Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc phòng chống Covid-19 cho thấy, không phải Chính phủ chưa nhận ra rằng không thể khống chế tuyệt đối được Covid-19. Để đưa ra được nhận định như vậy, Thủ tướng đã phải đích thân lên tuyến đầu, nhận trách nhiệm cao nhất của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, phải trực tiếp đi vào vùng trọng điểm của dịch, lắng nghe từ lãnh đạo trong phòng họp đến người dân trong hẻm nhỏ... để rồi có nhận định chính xác về tình hình mọi mặt. Như vậy, việc phòng chống dịch Covid-19 vẫn phải quyết liệt và nghiêm khắc. Nhưng có thể sẽ áp dụng những giải pháp linh hoạt và phù hợp với tình hình thực tế. Đảm bảo vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo phát triển kinh tế, đảm bảo hoạt động xã hội và an sinh xã hội.

Cần nhấn mạnh rằng, việc phòng tránh dịch vẫn phải nghiêm nhưng việc giãn cách xã hội nên được điều chỉnh lại. Không giãn cách toàn vùng, toàn tỉnh, mà chỉ nên giãn cách, thậm chí phong tỏa tuyệt đối những khu vực được coi là ổ dịch hoặc khu vực có nhiều ca FO, F1. Có thể tổ chức di dân bắt buộc đến vị trí an toàn, tách khỏi khu vực có những ca nhiễm nặng để không ảnh hưởng đến số đông. Cùng đó, phấn đấu vận động để đẩy nhanh số dân được tiêm vắc-xin và tăng cường khả năng ứng phó cũng như thuốc điều trị Covid-19. Khẩn trương phủ hết vắc-xin cho toàn bộ dân ở các vùng dịch trọng điểm để sớm dỡ bỏ giãn cách diện rộng, giảm áp lực cho người dân và áp lực cho phát triển; mở lại những hoạt động sản xuất và dịch vụ, đưa hoạt động sản xuất và hoạt động xã hội trở lại một cách có kiểm soát. Bởi nếu cứ giữ nguyên tình hình và phương pháp phòng chống dịch như hiện tại thì quốc gia kiệt quệ, dân chúng kiệt sức.

Chúng ta vẫn phải kiểm soát chặt chẽ các ca nhiễm, nguồn lây; tuân thủ nghiêm túc những quy định về phòng chống dịch như qui định “5K”, “5T” của Bộ Y tế; đẩy mạnh tuyên truyền, cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin về chủ trương của Đảng, của Nhà nước, thông tin về dịch bệnh để nâng cao ý thức của người dân về việc phòng tránh dịch. Cùng với đó là thu xếp hỗ trợ thiết thực cho những hoàn cảnh, những cơ sở sản xuất, doanh nghiệp đang vấp phải khó khăn để nhanh thoát ra khỏi những bế tắc.

Trịnh Đình Nghi