Trung tâm thương mại TP. Hồ Chí Minh: Tăng tỷ lệ trống, dù ồ ạt các nhãn hàng Trung Quốc “đổ bộ” Giá cà phê tăng “không tưởng” là do các quỹ đầu cơ |
Thể chế thay đổi: Cơ hội hay áp lực cho doanh nghiệp bán lẻ?
Chưa bao giờ cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ lại đứng trước cùng lúc nhiều thay đổi có tính hệ thống như hiện nay. Việc triển khai mô hình chính quyền đô thị hai cấp, cùng với quá trình sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh và huyện đang mở ra một giai đoạn cải tổ thể chế sâu rộng. Tuy nhiên, đi kèm với đó là những yêu cầu hoàn toàn mới trong cách doanh nghiệp tương tác với chính quyền, xin giấy phép, tiếp cận đất đai, triển khai dự án và mở rộng thị trường.
![]() |
Cần cú hích thể chế để ngành bán lẻ bứt phá. Ảnh minh họa |
Ông Nguyễn Anh Đức - Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam - cho rằng, vấn đề đặt ra là nếu các quy định vận hành của chính quyền hai cấp không được ban hành một cách đồng bộ và kịp thời, đặc biệt ở cấp phường, xã – thì “điểm nghẽn hành chính” sẽ xuất hiện.
Thực tế hiện nay cho thấy, nhiều địa phương đang rơi vào trạng thái chờ đợi văn bản hướng dẫn. Cán bộ thì không dám quyết, còn doanh nghiệp thì hồ sơ bị “treo”, tiến độ dự án bị đình trệ. Đây là điều rất nguy hiểm trong bối cảnh toàn ngành bán lẻ đang cần lấy lại đà tăng trưởng sau nhiều năm chịu ảnh hưởng bởi đại dịch và sức mua yếu.
Theo Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam, mô hình chính quyền mới, để thực sự phát huy hiệu quả, phải đi kèm với tinh thần tinh gọn và rõ ràng trong phân cấp, phân quyền. Chúng ta không thể để bộ máy sau sáp nhập trở nên cồng kềnh hơn, chồng chéo hơn, khiến quá trình xử lý hồ sơ bị phân mảnh, gián đoạn. Tinh thần “tinh, gọn, hiệu quả” cần được cụ thể hóa bằng việc sàng lọc lại bộ máy, xác định rõ trách nhiệm từng cấp, từng cán bộ, từng khâu xử lý để doanh nghiệp có thể yên tâm đầu tư dài hạn.
Bên cạnh đó, một khía cạnh đáng quan tâm là việc xử lý trụ sở hành chính cũ bị dôi dư sau sáp nhập. Thay vì để bỏ hoang hoặc sử dụng kém hiệu quả, cần có chính sách cho phép chuyển đổi một phần các tài sản công này thành hạ tầng thương mại: Trung tâm logistics, sàn giao dịch hàng hóa, điểm phân phối khu vực... Đây là hướng đi vừa tiết kiệm ngân sách, vừa tạo lực đẩy mới cho các hoạt động bán lẻ, nhất là tại các địa phương đang thiếu mặt bằng, thiếu kho bãi và không gian thương mại hiện đại.
“Chúng ta đang đứng trước cơ hội định hình lại cách thức phát triển thương mại tại cấp địa phương. Nhưng để tận dụng được cơ hội đó, phải có quyết tâm hành động nhanh, dứt khoát và đồng bộ từ cả phía chính quyền lẫn doanh nghiệp”, ông Nguyễn Anh Đức chia sẻ.
Tái định vị chuỗi cung ứng và khôi phục niềm tin tiêu dùng
Mặt trận thứ hai ông nguyễn Anh Đức đề cập đến đó là tái cấu trúc thị trường tiêu thụ. Hiện nay, nhiều mặt hàng xuất khẩu, nhất là từ khu vực phía Nam đang có nguy cơ bị “dội” vào thị trường nội địa nếu thương mại toàn cầu chậm lại. Điều này sẽ tạo áp lực tồn kho rất lớn cho hệ thống phân phối.
“Chúng ta cần thiết kế cơ chế điều phối vùng – Bắc, Trung, Nam – theo đặc thù sản phẩm và nhu cầu tiêu dùng. Đồng thời, đẩy nhanh đàm phán các FTA mới với Bắc Mỹ, Nam Mỹ để tìm đầu ra mới, thay vì quá phụ thuộc vào những thị trường bất ổn”, Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam nhấn mạnh.
![]() |
Ông Nguyễn Anh Đức - Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam |
Theo ông, với thuế suất 0% khi xuất hàng sang Mỹ, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành điểm trung chuyển hàng tiêu dùng vào Trung Quốc. Nhưng để làm được điều đó, phải có hub logistics chiến lược, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp định vị vị trí “bước đệm thương mại”.
Ở góc độ thị trường nội địa, mối lo lớn nhất lúc này không phải lạm phát – mà là niềm tin tiêu dùng.
Theo báo cáo của NielsenIQ, chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam chỉ còn 80 - 90 điểm – thấp nhất Đông Nam Á. Điều này phản ánh sự bi quan kéo dài sau dịch.
Giải pháp ở đây không nằm ở khuyến mãi hay giảm giá, mà nằm ở thu nhập thực chất. Cải cách tiền lương phải được ưu tiên, không chỉ theo vùng, theo ngành mà cần có chuẩn mức sống tối thiểu cho hộ gia đình đô thị. Có như vậy mới phục hồi được sức mua một cách bền vững.
Ông Nguyễn Anh Đức phân tích thêm, ngành bán lẻ không thể mãi loay hoay với các giải pháp tình thế. Đã đến lúc cần một tư duy chiến lược cấp quốc gia cho bán lẻ, thương mại nội địa và logistics
Thứ nhất, phải xác lập rõ ràng vai trò của ngành bán lẻ trong ba trụ cột phát triển mới: Kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế số. Cần chọn ngành đi trước, xác định chính sách đi kèm và thực thi một cách đồng bộ. Các sáng kiến như trung tâm tài chính quốc tế, FTZ – khu thương mại tự do phải được đẩy nhanh, không thể để rơi vào trạng thái “khởi động rồi chờ”.
Thứ hai, sau quá trình sáp nhập hành chính, từng địa phương cần thiết kế lại chiến lược phát triển thương mại riêng. Không thể sao chép mô hình của tỉnh này cho tỉnh kia. Phải lấy đặc thù địa phương làm lợi thế cạnh tranh, không phải rào cản.
Và cuối cùng là vấn đề về thuế. Chính sách giảm 2% VAT sau dịch đã không còn hiệu quả, thậm chí bị “lờn” vì không tác động đủ sâu vào giá bán lẻ. "Tôi đề xuất chuyển sang ưu đãi thuế chọn lọc, hướng vào các lĩnh vực đầu tư mới: Thương mại điện tử, công nghệ số, sản xuất điện – cơ – tiêu dùng cao cấp", ông Đức bày tỏ.