Doanh nghiệp dệt may được gỡ khó về vấn đề gia công

15:23 03/03/2021

Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) vừa có thông báo đến các doanh nghiệp trong ngành về việc Tổng cục Hải quan đã chính thức có Công văn 879/TCHQ-TXNK thông báo về việc xử lý thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu đưa đi gia công lại.

Theo đó, “Đơn kêu cứu” của các doanh nghiệp dệt may về vấn đề gia công lại theo Nghị định 134/2016/NĐ-CP đã được lắng nghe và giải quyết, nhờ đó gỡ khó cho các doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh.

dệt may có hàng hóa nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu đưa đi gia công lại sẽ đươc miễn thuế.
DN dệt may có hàng hóa nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu đưa đi gia công lại sẽ đươc miễn thuế.

Cụ thể, về chính sách thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu được đưa đi gia công, đối với hàng hóa nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu đăng ký tờ khai hải quan từ ngày 1-9-2016 (ngày Luật thuế Xuất khẩu, thuế Nhập khẩu có hiệu lực), doanh nghiệp có đưa một phần nguyên liệu, vật tư linh kiện nhập khẩu để thuê doanh nghiệp khác gia công hoặc thuê doanh nghiệp khác gia công một hoặc một số công đoạn của sản phẩm và đã nhận lại bán thành phẩm để tiếp tục sản xuất xuất khẩu hoặc nhận lại thành phẩm để xuất khẩu toàn bộ ra nước ngoài thì được miễn thuế theo quy định tại khoản 7, điều 16 Luật Thuế Xuất khẩu, thuế Nhập khẩu số 107/2016/QH13.

Mấy năm nay, doanh nghiệp thuộc trường hợp có phần hàng hóa nhập khẩu đã đưa cho doanh nghiệp khác sản xuất hoặc gia công không thuộc đối tượng được miễn thuế nhập khẩu. Điều này khiến không ít doanh nghiệp hoạt động gia công trong ngành gặp nhiều khó khăn và họ đã nhiều lần gõ cửa "kêu cứu".

Về việc xử lý thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng (GTGT) ở khâu nhập khẩu, theo hướng dẫn của Tổng cục Hải quan rằng: trường hợp doanh nghiệp chưa bị ấn định thuế thì cơ quan hải quan không ban hành quyết định ấn định thuế.

Trường hợp doanh nghiệp đã bị ấn định thuế nhưng chưa nộp số tiền bị ấn định vào Ngân sách Nhà nước thì cơ quan Hải quan thực hiện sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ quyết định ấn định thuế.

Đối với trường hợp doanh nghiệp đã bị ấn định thuế và đã nộp số thuế bị ấn định vào Ngân sách Nhà nước thì cơ quan hải quan thực hiện sửa đổi, bổ sung, hoặc hủy quyết định ấn định thuế, số tiền thuế mà doanh nghiệp đã nộp được xử lý theo quy định về xử lý số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa.

Đối với số thuế giá trị gia tăng bị ấn định, đã nộp và chưa được cơ quan thuế quản lý giải quyết hoàn thuế GTGT thì cơ quan hải quan thực hiện hoàn trả theo quy định.

Ngoài ra, Tổng cục Hải quan cũng giao hải quan các tỉnh thành phố kiểm tra báo cáo quyết toán tình hình sử dụng nguyên liệu, vật tư nguyên liệu, hàng hóa xuất khẩu của doanh nghiệp sử dụng hàng hóa nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu. Như vậy, chính sách miễn thuế này được hiểu không chỉ dành riêng cho doanh nghiệp may mặc.

Vậy là sau một thời gian dài kiến nghị tới các cơ quan quản lý liên quan, cuối cùng “đơn kêu cứu” của các doanh nghiệp dệt may về vấn đề gia công lại theo Nghị định 134/2016/NĐ-CP đã được lắng nghe và giải quyết. VITAS đánh giá đây là quyết định sửa đổi sáng suốt của Chính phủ và các cơ quan quản lý. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp có thể tiếp tục hoạt động, tránh đổ vỡ, phá sản ảnh hưởng đến việc làm và đời sống của hàng ngàn lao động.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) nhận định, đây là thông tin rất vui đầu năm 2021 cho các doanh nghiệp có hoạt động thuê gia công lại.

Trong khi đó, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may - Thêu đan TPHCM, cũng cho rằng, đây là thông tin rất vui đối với các doanh nghiệp vì thuế nhập nguyên phụ liệu dệt may hiện nay tính ở mức bình quân là trên dưới 10%. Theo ông Hồng, việc thuê gia công lại này cũng thường xảy ra đối với những doanh nghiệp liên kết, những doanh nghiệp thành viên,... làm những hợp đồng lớn theo mùa, thời vụ để kịp đơn hàng cho khách.

Khuê Đài