Doanh nghiệp cần biết: Hướng dẫn tạm thời về vận tải đường thủy nội địa và hàng hải trong thời gian phòng, chống dịch

16:46 30/08/2021

Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu thuyền viên, người lái phương tiện phải khai báo y tế thông qua phần mềm NCOVI, Bluezone, tokhaiyte.vn...

Mới đây, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Xuân Sang đã ký Quyết định số 1589/QĐ-BGTVT ban hành Hướng dẫn tạm thời về tổ chức giao thông, kiểm soát dịch đối với hoạt động vận tải hàng hải trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19.

Với đường bờ biển dài 3.200 km cùng 19.000 km đường thủy nội địa và 45 tuyến chính được sử dụng để vận chuyển hàng hóa, Việt Nam đang khai thác tốt mạng lưới đường thủy nội địa cho hoạt động vận tải và được đánh giá còn nhiều tiềm năng để mở rộng phát triển

Với đường bờ biển dài 3.200 km cùng 19.000 km đường thủy nội địa và 45 tuyến chính được sử dụng để vận chuyển hàng hóa, Việt Nam đang khai thác tốt mạng lưới đường thủy nội địa cho hoạt động vận tải và được đánh giá còn nhiều tiềm năng để mở rộng phát triển.

Mục đích ban hành Hướng dẫn nhằm đảm bảo an toàn cho hệ thống cảng biển Việt Nam và tàu thuyền hoạt động trong cảng, duy trì chuỗi cung ứng hàng hóa thông suốt, liên tục trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19; Không làm lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 từ tàu thuyền lên cảng và ngược lại; không làm lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 từ bên ngoài vào trong cảng.

Hướng dẫn yêu cầu các cơ quan liên quan bảo đảm tính chủ động, thống nhất, đồng bộ trong quá trình triển khai thực hiện các giải pháp về phòng, chống dịch Covid-19 tại các địa phương khi áp dụng các cấp độ phòng chống dịch khác nhau theo quy định của pháp luật và Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 (Chỉ thị số 16/CT-TTg) và các văn bản chỉ đạo khác của cấp có thẩm quyền. Đồng thời, phân công nhiệm vụ, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại cảng biển trong chỉ đạo, điều hành và triển khai thực hiện hoạt động vận tải bằng tàu biển trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị số 16/CT-TTg.

Theo đó, có những nội dung cơ bản cần mà doanh nghiệp, người dân thực hiện vận tải đường thủy nội địa, vận tải hàng hải cần biết, cụ thể như sau:

Đối tượng áp dụng Hướng dẫn là các tổ chức, cá nhân thuộc ngành Giao thông vận tải liên quan đến hoạt động vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu, nội địa tại cảng biển.

Với vận tải đường thủy nội địa, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu thuyền viên, người lái phương tiện phải khai báo y tế thông qua phần mềm NCOVI, Bluezone, tokhaiyte.vn... và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định 5K của Bộ Y tế. Luôn cài đặt và bật ứng dụng Bluezone để cảnh báo tiếp xúc gần với người nhiễm COVID-19.

Phải có Giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 (test nhanh hoặc bằng phương pháp RT-PCR) được thực hiện trong vòng 72 giờ kể từ khi lấy mẫu xét nghiệm.

Trong thời gian hành trình trên tuyến (từ khi rời cảng bến cuối cùng đến khi cập cảng, bến gần nhất), nếu Giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 hết hiệu lực, thì được kéo dài thời gian hiệu lực của giấy xét nghiệm đến khi phương tiện cập cảng, bến thủy nội địa gần nhất theo quy định hiện hành của Bộ Y tế.

Đơn vị vận tải yêu cầu thuyền viên, người lái phương tiện trong suốt hành trình chỉ ở trên phương tiện, hạn chế tối đa tiếp xúc với người ngoài, bảo đảm thuyền viên trên phương tiện có giấy xét nghiệm còn hiệu lực.

Quá trình phương tiện hành trình trên tuyến đường thủy nội địa phải đi thẳng từ cảng, bến xuất phát đến cảng, bến đích ghi trên giấy phép rời cảng, bến cuối cùng.

Trong thời gian lưu tại cảng, bến thủy nội địa, thuyền viên, người lái phương tiện không được lên bờ, trừ trường hợp bất khả kháng liên quan đến cấp cứu, an toàn cho phương tiện và do điều kiện thời tiết như bão, lũ...

Với hoạt động vận tải hàng hải, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu tất cả tổ chức, cá nhân vào làm việc trong khu vực cảng phải tuân thủ các quy định phòng chống dịch của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế, Trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC) địa phương và doanh nghiệp cảng; có Giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 kết quả âm tính trong vòng 72 giờ theo quy định của Bộ Y tế và CDC địa phương.

Về khai báo y tế và kiểm dịch y tế đối với tàu thuyền, tàu biển từ nước ngoài và tàu thuyền Việt Nam hoạt động tuyến nội địa trong vòng 14 ngày có hoạt động trong khu vực cảng thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg trước khi đến cảng biển thì thuyền trưởng khai báo tình hình sức khỏe thuyền viên trên tàu trong thời gian tối thiểu 14 ngày và việc thay đổi thuyền viên (nếu có) trong 14 ngày qua để cung cấp cho CDC hoặc cơ quan y tế địa phương để đánh giá nguy cơ và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định trước khi cho tàu vào cảng làm hàng, bảo đảm loại trừ các nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh ra cộng đồng khi tàu vào cảng.

Trước khi tàu biển vào cảng, tàu biển phải vào vị trí được chỉ định bởi Cảng vụ hàng hải để tiến hành các thủ tục kiểm dịch. Tàu biển chỉ được phép làm hàng sau khi thực hiện xong các thủ tục kiểm dịch và được sự đồng ý của CDC.

CDC hoặc cơ quan y tế tiến hành kiểm tra, xét nghiệm thuyền viên và tổ chức đưa các thuyền viên bị nhiễm hoặc có nguy cơ nhiễm bệnh COVID-19 lên bờ, bảo đảm tàu biển an toàn khi cho tàu vào cảng làm hàng.

Bộ Giao thông Vận tải cũng đồng thời ban hành hướng dẫn tạm thời về tổ chức giao thông, kiểm soát dịch đối với hoạt động vận tải đường thủy nội địa trong thời gian dịch bệnh.

Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Cục Đường thủy nội địa Việt Nam phải đảm bảo hệ thống báo hiệu trên tuyến đường thủy nội địa quốc gia, thực hiện điều tiết giao thông tại các vị trí trọng yếu để đảm bảo giao thông đường thủy nội địa được thông suốt, an toàn.

Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố có trách nhiệm tham mưu cấp có thẩm quyền tại địa phương xem xét, cho phép một số cảng, bến thủy nội địa hàng hóa đáp ứng các yêu cầu về an toàn phòng, chống dịch.

Phối hợp với cơ quan chức năng địa phương thực hiện xét nghiệm nhanh Covid-19 tại cảng, bến thủy nội địa, tại các chốt kiểm soát trên đường thủy.

Đáng chú ý, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu không làm phát sinh các thủ tục và yêu cầu làm ảnh hưởng đến hoạt động xếp dỡ hàng hóa tại cảng biển.

Phương Ngân