Miễn thuê đất, phí, lệ phí và hỗ trợ quảng bá và phát triển sản phẩm
Doanh nghiệp, cá nhân đầu tư sản xuất sản phẩm tái chế sẽ được miễn tiền thuê đất trong 6 năm và miễn 20 loại phí, lệ phí như: phí thẩm định dự án, phí bảo vệ môi trường, phí khai thác sử dụng nước, lệ phí đăng ký kinh doanh...
![]() |
UBND TP. Hà Nội vừa thông qua nhiều chính sách hỗ trợ mạnh mẽ cho các cá nhân, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm tái chế từ nhựa, giấy, thủy tinh... sau thu gom. Ảnh minh hoạ. |
Trường hợp hoạt động tái chế rác thải, mức ưu đãi còn cao hơn: miễn tiền thuê đất trong 10 năm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm đầu, và giảm 50% thuế trong 9 năm tiếp theo.
Hỗ trợ 100% chi phí quảng bá sản phẩm tái chế, tối đa 200 triệu đồng/năm. Hỗ trợ 50% chi phí trưng bày, bán hàng tại siêu thị, trung tâm thương mại, tối đa 100 triệu ồng/năm. Các khoản chi phí như đăng ký sở hữu trí tuệ, nhãn sinh thái, xây dựng thương hiệu, đào tạo, thuê kỹ thuật viên... cũng được hỗ trợ, hoặc có thể hạch toán vào chi phí sản xuất nếu tự thực hiện.
Hạn chế sử dụng nhựa dùng một lần
Hà Nội đang đẩy mạnh lộ trình hạn chế và tiến tới loại bỏ hoàn toàn nhựa sử dụng một lần:
Cụ thể, từ 1/1/2026, khách sạn, khu du lịch không được sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần (bàn chải, dao cạo, tăm bông, bao bì dầu gội...). Từ 1/1/2027, chợ, cửa hàng tiện lợi không được phát miễn phí túi nylon khó phân hủy. Từ 1/1/2028, các địa điểm trên sẽ không được lưu hành và sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và bao bì khó phân hủy (trừ hàng hóa được miễn). Các cơ quan hành chính cũng sẽ không sử dụng nhựa một lần từ 2028. Doanh nghiệp sản xuất bao bì nhựa phải sử dụng ít nhất 20% nhựa tái chế từ 2028, nâng lên 30% sau 2 năm. Từ năm 2031, cấm hoàn toàn việc sản xuất và nhập khẩu nhựa dùng một lần, bao bì khó phân hủy, sản phẩm chứa vi nhựa (trừ hàng xuất khẩu).
Hiện mỗi ngày, Hà Nội phát sinh 7.500 – 8.000 tấn rác, trong đó khoảng 1/3 có thể tái chế, chủ yếu là nhựa và giấy. Riêng nhựa chiếm hơn 1.400 tấn/ngày, với hơn 60% là nhựa dùng một lần. Tuy nhiên, chỉ khoảng 20% trong số này được tái chế, chủ yếu qua các hộ gia đình và làng nghề nhỏ, với trọng tâm là nhựa cứng, có giá trị cao. Nhựa giá trị thấp như túi nylon gần như bị bỏ đi. Rác nhựa không chỉ gây ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí, mà còn là nguồn phát sinh vi nhựa – có thể xâm nhập cơ thể người qua thực phẩm, nước uống và không khí, gây tổn hại tế bào, gan, thận...
Việc ban hành các cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp tái chế và lộ trình giảm thiểu nhựa là một bước đi cần thiết và cấp thiết của Hà Nội, nhằm hướng tới phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng sống.
Điều kiện để được hưởng ưu đãi: Doanh nghiệp cần sản xuất sản phẩm tái chế từ ít nhất một trong 5 loại rác: nhựa, thủy tinh, giấy, kim loại, cao su. Tỷ lệ nguyên liệu tái chế trong sản phẩm phải đạt từ 5% đến 22%. Quy trình sản xuất phải sử dụng công nghệ hiện đại theo danh mục được phê duyệt.Ngoài ra, hàng năm, các đơn vị tái chế cần thực hiện các chương trình khuyến mãi, giảm giá, tích điểm... để khuyến khích người tiêu dùng sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường.