Kế hoạch thanh tra, “trọng tâm” là gì?
Trọng tâm gồm “14 lĩnh vực” được định hướng thanh tra trong năm 2025. Ngoài việc “Thanh tra công tác quản lý nhà nước…” ra, thì lĩnh vực thanh tra có lẽ kiến doanh nghiệp quan tâm nhất gồm: “Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai”. Đặc biệt là “Thanh tra việc triển khai các dự án nhà ở xã hội, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quỹ đất phát triển nhà ở xã hội đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị”…
Thanh tra Chính phủ vừa ban hành định hướng Chương trình thanh tra năm 2025 (Ảnh: minh hoạ) |
Trong những năm qua, vấn đề dự án nhà ở xã hội luôn là đề tài hết sức “nóng hổi” của dư luận. Việc triển khai các dự án nhà ở xã hội (NƠXH) trong các dự án nhà ở thương mại cũng tạo ra không ít sự bất cập và “nhập nhèm”. Thậm chí một số nơi xuất hiện các trường hợp mang dấu hiệu trục lợi chính sách khi không thuộc diện chính sách ưu đãi…
Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn ngành thanh tra đã triển khai 3.910 cuộc thanh tra hành chính và 58.025 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra phát hiện vi phạm về kinh tế hơn 92.783 tỉ đồng, 292,5 ha đất. Trong đó: (Kiến nghị thu hồi hơn 59.431 tỉ đồng và 24,9 ha đất; đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 33.351 tỉ đồng, hơn 252 ha đất. Ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 2.089 tỉ đồng)…vv…
Đối với lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản đã tiến hành 481 cuộc thanh tra, kết thúc và ban hành kết luận 278 cuộc. Qua thanh tra 780 đơn vị, phát hiện vi phạm với số tiền 181 tỉ đồng và 0,1 ha đất; kiến nghị thu hồi hơn 104 tỉ đồng và 0,1 ha đất; kiến nghị xử lý khác 76,4 tỉ đồng…
Trong thời gian tới, Thanh tra Chính phủ sẽ tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt định hướng chương trình thanh tra năm 2025, trong đó có nội dung thanh tra việc triển khai các dự án NƠXH, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quỹ đất phát triển NƠXH trong các dự án nhà ở thương mại.
Những điều doanh nghiệp cần biết
Thanh tra là “phương thức bảo đảm trật tự, kỷ cương trong quản lý, góp phần tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa”. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, một số “ít ỏi” đơn vị thanh tra chuyên ngành đã lợi dụng chức vụ quyền hạn để gây khó doanh nghiệp để trục lợi. Điển hình như: “Vụ một số cán bộ Thanh tra Bộ Xây dựng trong quá trình thanh tra đã lợi dụng chức vụ quyền hạn gây khó doanh nghiệp để trục lợi ở Vĩnh Phúc”.
Luật Thanh tra năm 2022 (Ảnh: minh hoạ) |
Để giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về các hành vi nghiêm cấm trong hoạt động thanh tra, Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập xin được trình bày cụ thể như sau: “Theo Điều 8 Luật Thanh tra 2022 quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thanh tra” gồm:
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn thanh tra để thực hiện hành vi trái pháp luật, sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; lạm quyền trong quá trình tiến hành thanh tra.
- Thanh tra không đúng thẩm quyền, không đúng với nội dung quyết định thanh tra, kế hoạch tiến hành thanh tra đã được phê duyệt.
- Cố ý không ra quyết định thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật mà theo quy định của pháp luật phải tiến hành thanh tra; bao che cho đối tượng thanh tra; cố ý kết luận sai sự thật; kết luận, quyết định, xử lý trái pháp luật; không kiến nghị khởi tố và chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện qua thanh tra đến cơ quan điều tra để xem xét, quyết định việc khởi tố vụ án hình sự theo quy định của pháp luật.
- Đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ trong hoạt động thanh tra.
- Tiết lộ thông tin, tài liệu liên quan đến cuộc thanh tra khi kết luận thanh tra chưa được công khai.
- Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động thanh tra; tác động làm sai lệch kết quả thanh tra, kết luận, kiến nghị thanh tra.
- Không cung cấp thông tin, tài liệu hoặc cung cấp không kịp thời, không đầy đủ, không trung thực, thiếu chính xác; chiếm đoạt, tiêu hủy tài liệu, vật chứng liên quan đến nội dung thanh tra.
- Chống đối, cản trở, mua chuộc, đe dọa, trả thù, trù dập người tiến hành thanh tra, người thực hiện giám sát, người thực hiện thẩm định, người cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan thực hiện chức năng thanh tra; gây khó khăn cho hoạt động thanh tra.
- Hành vi khác bị nghiêm cấm theo quy định của luật.