Cộng cà phê là thương hiệu Việt khá mạnh.
DN ngoại hụt hơi
Đầu năm 2013, Starbucks vào Việt Nam, cuộc chiến trong kinh doanh chuỗi cũng thật sự bùng nổ, dù các chuỗi tên tuổi như Trung Nguyên, Highlands phát triển rầm rộ trước đó.
Sau 6 năm gia nhập Việt Nam, hiện số lượng cửa hàng Starbucks chỉ dừng lại ở mức 38. Trong khi đó, tại thị phần Thái Lan, ông lớn này có hơn 330 điểm kinh doanh, Indonesia 320 và Malaysia hơn 190. Như vậy, so với các nước trong khu vực, Starbucks đang bị “chững” lại khi tiếp cận người tiêu dùng Việt.
Nhắm vào khách hàng trẻ tuổi với phong cách phương Tây, Highlands Coffee cũng là thương hiệu cà phê đáng chú ý ở thị trường Việt Nam. Thương hiệu được thành lập năm 2002 bởi một người Mỹ gốc Việt. Năm 2012, Highlands Coffee được mua lại bởi một tập đoàn nhà hàng tại Philippines, là Jollibee Foods. Chỉ sau vài năm, thương hiệu này đã có hơn 200 cửa hàng, chủ yếu nằm trong các trung tâm mua sắm.
Nhiều thương hiệu ngoại như NYDC, Gloria Jean’s Coffees thuộc sở hữu của Australia và Caffe Bene có trụ sở tại Hàn Quốc, cũng đã và đang thu hẹp, thậm chí đóng cửa doanh nghiệp.
Highlands Coffee cũng là thương hiệu cà phê đáng chú ý ở thị trường Việt Nam. Hiện, Highlands Coffee có hơn 200 cửa hàng, chủ yếu nằm trong các trung tâm mua sắm.
Caffe Bene từng đặt kế hoạch mở khoảng 300 cửa hàng trong vòng 5 năm. Nhưng chỉ chưa đầy một năm, con số dự kiến đó giảm xuống còn 100, và đến nay thì con số thực tế khá thấp. Đáng chú ý, khác hẳn giai đoạn đầu, Caffe Bene không còn nằm ở những vị trí đắc địa ở khu vực trung tâm mà di chuyển ra xa, “trà trộn” vào khu ẩm thực các trung tâm thương mại hoặc tìm đến những khu vực có nhiều người Hàn sinh sống.
Muốn phát triển, chuỗi cửa hàng phải tạo cho mình bản sắc đặc thù pha lẫn với nhiều yếu tố bản địa để thu hút khách hàng. Như Starbucks, để mở được khoảng 50 cửa hàng sau nhiều năm tham gia thị trường, mỗi quán Starbucks đều có một phong cách riêng, nơi thì nhắm tới phục vụ gia đình; nơi dành cho giới doanh nhân, công chức; nơi thì hướng tới phong cách trẻ trung...
Điều đáng chú ý nữa là, một số chuỗi cà phê ngoại, vốn được nhiều người tiêu dùng ở đất nước họ biết đến là thương hiệu dành cho khách phổ thông, nhưng khi vào Việt Nam, hầu hết đều nhắm đến phân khúc khách hàng có thu nhập cao, giới doanh nhân... nên giá ly cà phê cũng cao hơn gấp 2-3 lần so với các quán cà phê trong nước. Trong khi nhóm khách hàng này ở thị trường trong nước không nhiều, và họ khá khó tính, muốn được phục vụ hơn là phải tự phục vụ.
Thị phần nội gia tăng
Hiện, The Coffee House là thương hiệu cà phê Việt phát triển nhanh nhất, đã có hơn 100 cửa hàng và “ghi điểm” bằng thiết kế quán trẻ trung, ấn tượng, phù hợp với giới trẻ với giá thức uống ở mức tầm trung... Nhà sáng lập và CEO The Coffee House Nguyễn Hải Ninh cho biết, công ty có ý định mở 700 cửa hàng trên khắp Việt Nam trong 5 năm tới, với trung bình mỗi tháng có 10 điểm kinh doanh mới ra đời.
Ngoài ra, Cộng cà phê cũng là thương hiệu Việt khá mạnh. Chuỗi cửa hàng này thu hút khách bởi phong cách trang trí độc đáo. Từ khi ra mắt năm 2007 đến nay, Cộng cà phê đã có hơn 50 cửa hàng. Chuỗi này dự kiến tiếp tục mở rộng 1-2 cửa hàng mỗi tháng đến năm 2020. Không chỉ phát triển trong nước, Cộng cà phê đã có một cửa hàng tại Seoul (Hàn Quốc) vào tháng trước và đang lên kế hoạch cho 2 điểm kinh doanh khác ở nước này.
Ngoài những tên tuổi lâu đời, các chuỗi ra mắt trong 10 năm qua như Thức, Urban Coffee Station hay Phúc Long cũng đang có tăng trưởng doanh thu khoảng 7%/năm.
Thị trường gần đây còn xuất hiện những chuỗi cà phê mới do các doanh nghiệp thuần xuất khẩu mở. Ông Phan Minh Thông, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phúc Sinh, cho biết, tham gia thị trường nội địa, chuỗi quán cà phê K Coffee của Phúc Sinh kinh doanh các sản phẩm đã từng xuất đi những thị trường khó tính như châu Âu cùng nhiều loại bánh ngọt và mặn. Mục tiêu năm nay của công ty là mở khoảng 30 cửa hàng và hiện đang thực hiện nhượng quyền cho các nhà kinh doanh.
Tương tự, sau một thời gian xuất khẩu, giữa năm ngoái, Công ty TNI (King Coffee) cũng tham gia thị trường trong nước với cửa hàng đầu tiên đặt ở tỉnh Gia Lai. Những quán King Coffee tiếp theo đó lần lượt được mở tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Trong khi đó, Công ty Thực phẩm dinh dưỡng NutiFood vừa ký thỏa thuận hợp tác với huyền thoại golf Greg Norman, Đại sứ Du lịch Việt Nam, để thành lập liên doanh mở chuỗi cà phê ở Việt Nam và nước ngoài nhằm giới thiệu sản phẩm cà phê Greg Norman NutiCafe. Quán đầu tiên sẽ mở tại trung tâm TP. Hồ Chí Minh hướng tới mọi đối tượng người dùng.
Nói về lý do gia nhập “cuộc chơi” kinh doanh quán cà phê, các doanh nghiệp cho rằng, thị trường còn nhiều tiềm năng khi cà phê bẩn, không đảm bảo an toàn vệ sinh đang xuất hiện tràn lan. Tuy nhiên, ông Thông cho rằng, kinh doanh ở thị trường nội địa không hề dễ khi mà khẩu vị cà phê của người tiêu dùng khó thay đổi. Dù vậy, ông vẫn tin rằng, sau 5 năm tham gia thị trường, chuỗi cà phê K-Coffee có thể hoàn vốn.
Lãi ít vẫn hấp dẫn
Theo số liệu của Công ty CP Nghiên cứu ngành và Tư vấn Việt Nam (VIRAC), năm 2018, Highlands Coffee dẫn đầu về số lượng cửa hàng tại Việt Nam với 240 cửa hàng, doanh thu 1.628 tỷ đồng. The Coffee House xếp thứ 2 với 140 cửa hàng, doanh thu gần 669 tỷ đồng; Starbucks với 45 cửa hàng, doanh thu hơn 593 tỷ đồng, xếp thứ 3. Chuỗi Phúc Long vốn nổi tiếng với các loại thức uống dạng trà nhưng gần đây lại mạnh mảng cà phê, tổng doanh thu đạt 473 tỷ đồng, tăng 39% so với năm 2017.
VIRAC thống kê, các chuỗi cà phê lớn tại Việt Nam trong năm 2018 đều tăng trưởng doanh thu. Mặc dù vậy, có đến 5/10 công ty sở hữu các chuỗi đang trong tình trạng thua lỗ. Trong khi các chuỗi Highlands Coffee, The Coffee House, Starbucks Việt Nam, Phúc Long có lãi, dù không nhiều (Highlands Coffee lãi 99 tỷ đồng sau thuế, The Coffee House lãi ròng gần 2 tỷ đồng, Starbucks 27 tỷ đồng, Phúc Long 3,6 tỷ đồng…) thì The Coffee Bean & Tea Leaf lỗ đến 29 tỷ đồng. Trung Nguyên lỗ gần 24 tỷ đồng, một phần do chi phí vận hành chuỗi tăng.
Lý giải hiện tượng này, chuyên gia tư vấn thương hiệu Võ Văn Quang cho rằng, thị trường cà phê Việt Nam đang trong giai đoạn cạnh tranh mở điểm bán, các chuỗi phải tăng chi phí để mở rộng thị phần nên lợi nhuận hạn chế. Thị trường cà phê Việt Nam vô cùng hấp dẫn, thu hút nhiều thương hiệu ngoại mới.
Người Việt Nam tiêu thụ 1,38kg cà phê/năm
Theo báo cáo Ngành Nông nghiệp Việt Nam quý III/2017 của BMI Research, trong giai đoạn 2005-2015, lượng tiêu thụ cà phê của Việt Nam tăng từ 0,43 kg/người/năm, lên 1,38 kg/người/năm.
Đây là mức tăng cao nhất trong số các quốc gia xuất khẩu cà phê trên thế giới, dự báo lên 2,6kg/người/năm vào 2021.