Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Đây là vinh dự cho ngành, cho những người sản xuất, kinh doanh và dịch vụ tham gia vào chuỗi của ngành cà phê. Điều này cũng khẳng định vai trò và vị trí của ngành cà phê đối với nền kinh tế nói chung và nông nghiệp nói riêng.
Đứng trước những thách thức to lớn như vườn cà phê già năng suất thấp lên đến 120.000 ha do phần lớn cà phê trồng từ những năm 1990 đã hết chu kỳ khai thác, biến đổi khí hậu tác động đến sản lượng và chất lượng cà phê, cạnh tranh gay gắt với các cây trồng khác như bơ, sầu riêng, chanh leo… Bên cạnh đó, đất nước ta hội nhập sâu, mở cửa cho các doanh nghiệp nước ngoài. Cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài cùng lĩnh vực cũng gay gắt hơn. Ngay từ năm 2013, Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa) đã chủ động xây dựng Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh và xác định thời kỳ phát triển mới theo chu kỳ 20 – 25 năm của cây cà phê với hai mục tiêu. Một là, giữ vững vị trí nước sản xuất và xuất khẩu cà phê nhân lớn thứ 2 thế giới. Hai là, nâng cao giaá trõ gia tùng lïn 6 tỷ USD vaâo năm 2030. Với phương châm 8 chữ “Năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng”, Đề án phù hợp với chủ trương chuyển đổi cơ cấu và đã được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương ủng hộ. Qua 4 năm thực hiện, chương trình đã đem lại những bước tiến mới cho ngành cà phê.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra chương trình tái canh giai đoạn 1 từ năm 2014 là 120.000 ha. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bố trí nguồn vốn vay 12.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi. Địa phương tái canh tốt nhất là tỉnh Lâm Đồng - sản lượng cà phê đã bằng Đắk Lắk, tuy diện tích ít hơn. Tính chung cả nước đến nay tái canh được trên 90% diện tích, Vicofa đã hỗ trợ miễn phí giống cà phê mới năng suất cao chất lượng tốt cho nông dân tái canh gần 8 tỷ đồng.
Bên cạnh việc tái canh, Vicofa cùng với Cục Trồng trọt, Viện WASI xây dựng và ban hành quy trình xen canh mỗi ha cây cà phê được phép xen canh 90 cây bơ hoặc sầu riêng…, nhằm tăng giá trị thu nhập 1 ha đất và không làm mất đi vườn cà phê.
Khâu chế biến được quan tâm nhiều nhất. Đây cũng là khâu quyết định nâng cao giá trị và giá trị gia tăng của hạt cà phê và chất lượng cà phê của Việt Nam đã được cải thiện rõ rệt, được các tổ chức đánh giá cao. Có thể đơn cử một vài thành tích: Tại cuộc thi cà phê rang xay quốc tế lần thứ nhất ở Paris do Tổ chức Cà phê quốc tế và Hiệp hội Cải tiến chất lượng nông sản tổ chức, cà phê Việt Nam đã giành được 1 huy chương Bạc đối với Aroma Coffee Product và 1 huy chương Đồng đối với Intensive Coffee Product. Trong cuộc thi thử nếm tại Hội nghị cà phê châu Á, sản phẩm Arabica của Việt Nam xếp thứ 2 với số điểm 84,63 - trên cả cà phê Vân Nam và Indonesia.
Doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài đã đầu tư nhiều nhà máy chế biến cà phê nhân với công suất trên 1,35 tấn/năm. Chế biến cà phê hòa tan, rang xay nhỏ tăng đột biến. Ngoài các doanh nghiệp FDI như cà phê Ngon, Olam mở rộng công suất tăng lên gấp 2 gấp 3 so với thiết kế ban đầu có thêm các nhà máy mới như Tín Nghĩa công suất 5000 tấn/năm vừa khánh thành, Tata 6.000 tấn/năm, An Thái trên 2.000 tấn/năm dự kiến đầu năm 2019 đi vào hoạt động.
Nét đột phá nổi bật nữa là khâu xuất khẩu. Từ 2 năm trở lại đây, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đã đàm phán tích cực, mở cửa thị trường cho sản phẩm cà phê chế biến rang xay và hòa tan, thuế nhập khẩu từ 15 – 20% giảm xuống còn 0 – 5% nên các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực chế biến hơn trước. Năm 2018, xuất khẩu cà phê hòa tan và rang xay dự kiến chiếm trên 7% số lượng và trên 13% tổng trị giá kim ngạch, xuất khêíu àaåt 3,5 tỷ USD chûa kïí 300 triệu xuất khẩu tiểu ngạch với Trung Quốc, Campuchia, Lào. Số doanh nghiệp xuất khẩu mới thông qua thương mại điện tử cũng tăng đột biến. Trước kia, năm cao nhất có 200 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu. Theo thống kê của hải quan, đến tháng 7/2018 đã có gần 500 doanh nghiệp xuất khẩu.
Thị trường trong nước mở rộng nhiều thương hiệu tham gia thị trường, nhiều cơ quan truyền thông có các hình thức quảng bá thành tên tuổi như cà phê Sáng, cà phê F, cà phê Internet. Hiện nay cả nước có khoảng 26.000 cửa hàng lớn nhỏ bán cà phê. Những thương hiệu và chuỗi cửa hàng nổi tiếng như Trung Nguyên, Mê Trang, cà phê Việt, Vinacafe, cà phê Cộng, Coffee House, cà phê cân bằng với cả ngàn tên quán cà phê khác nhau. Lượng tiêu thụ cà phê trong nước đã tăng lên trên 10%. Phấn đấu trong 10- 15 năm tới tăng lên 20 – 25%.
Tại “Ngày cà phê Việt Nam” lần thứ 2 tổ chức ở Đắk Nông đầu tháng 12/2018 với sự tham gia của nhiều chuyên gia cà phê hàng đầu, ông Jose Sette - Tổng giám đốc Tổ chức cà phê thế giới - đã thán phục thốt lên: Hạt cà phê nhỏ bé đã kết nối trên 250 triệu người sản xuất và kinh doanh cà phê, Việt Nam góp phần quan trọng đã chiếm 20% thị phần (market share) của thế giới.
Lương Văn Tự