Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Tần suất bị điều tra tăng
Theo số liệu từ phía Bộ Công Thương, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 4 bị áp dụng các biện pháp PVTM nhiều trên thế giới. Thậm chí, trong thời gian tới, số vụ điều tra PVTM được dự báo tiếp tục gia tăng. Một số mặt hàng của Việt Nam có lợi thế xuất khẩu như nhôm, thép, thủy sản, gỗ dán, vật liệu xây dựng... đều đang có dính dáng đến các vụ kiện, điều tra PVTM.
Tính đến hết tháng 9/2020, đã có gần 200 vụ điều tra PVTM liên quan tới hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, với kim ngạch lên đến 12 tỷ USD. Nếu như cả năm 2019 ghi nhận 16 vụ việc khởi xướng mới thì 9 tháng năm 2020 số vụ việc tăng gấp đôi. Hàng hóa bị điều tra gồm cả những mặt hàng lợi thế của Việt Nam như: Sắt thép, sợi, thủy sản, gỗ dán… Có 62% số vụ việc xuất phát từ các nước: Hoa Kỳ, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Canada, Australia và Liên minh châu Âu. Các nước ASEAN gần đây cũng tăng cường điều tra PVTM với tổng số 38 vụ việc (chiếm tỷ lệ 20%)... Đến nay, Việt Nam đã kháng kiện thành công 65 vụ việc, góp phần bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp.
Việt Nam đang là quốc gia đứng thứ 4 bị áp dụng các biện pháp PVTM nhiều trên thế giới. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Đặc biệt, gỗ dán là một trong những nhóm mặt hàng thời gian gần đây vướng vào không ít vụ kiện PVTM. Bày tỏ nhiều lo ngại về vấn đề này, ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, 9 tháng năm 2020, toàn ngành có nhiều biến động, tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất, chế biến và trị giá XK gỗ và lâm sản. Bên cạnh ảnh hưởng nổi cộm của dịch Covid-19, vấn đề đáng chú ý chính là ảnh hưởng do các vụ việc cạnh tranh thương mại gây ra. Đơn cử, một vụ việc đáng chú là ngày 26/5/2020, Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc đã quyết định áp thuế CBPG tạm thời đối với ván dán nhập khẩu (NK) từ Việt Nam từ 9,18% đến 10,65%. Thời hạn áp dụng mức thuế từ ngày 29/5/2020 đến 28/9/2020.
Hiện nay, phía Hàn Quốc đã kết thúc điều tra thực tế tại các DN và sẽ công bố quyết định chính thức vào thời gian tới. Ngoài ra, ngày 6/9/2020 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã quyết định khởi xướng điều tra áp dụng chống lẩn tránh thuế CBPG, chống trợ cấp sản phẩm đối với mặt hàng ván dán (mã HS 4412) XK từ Việt Nam do có nghi ngờ mặt hàng này có xuất xứ từ Trung Quốc.
Việt Nam hiện đã tham gia 14 Hiệp định thương mại tự do (FTA), 13 Hiệp định đã có hiệu lực. Đây là một con số chứng tỏ mức độ hội nhập sâu rộng của nền kinh tế Việt Nam, mang lại nhiều lợi thế cho hàng hóa Việt Nam. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI), nhiều cơ hội nhưng thách thức không nhỏ.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Bà Trang phân tích, thách thức trước hết chính là cạnh tranh trên thị trường nội địa. Rà soát cho thấy, các nguồn cung hàng hoá vào Việt Nam cũng đồng thời là những nước bị kiện PVTM nhiều nhất trên thế giới. Ví dụ như Trung Quốc, nguồn NK lớn nhất vào Việt Nam đã bị kiện hơn 1.550 vụ trong 25 năm (từ năm 1995). Rõ ràng rủi ro mà DN Việt Nam đang phải chịu trước nguồn hàng hoá NK nước ngoài rất lớn. Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang gặp khó khăn như hiện nay, xu hướng bảo hộ thương mại toàn thế giới tăng lên, Việt Nam càng có nhiều lý do để lo ngại. Nhất là những nguồn hàng dư thừa, tồn đọng sẽ chuyển sang Việt Nam theo nhiều cách.
“Rủi ro từ hội nhập đã bắt đầu được cảm nhận khá rõ ràng. Hàng hoá nhập vào Việt Nam cạnh tranh không lành mạnh, họ bán phá giá để cạnh tranh, lâu dài gây thiệt hại cho người tiêu dùng và nền kinh tế. Để đối phó, Tổ chức thương mại thế giới đã ghi nhận những công cụ giúp nền sản xuất nội địa chống lại những điều này, do đó, nhu cầu cần công cụ để bảo vệ nền sản xuất trong nước là rất cao”, bà Trang nói.
Doanh nghiệp cần chủ động ứng phó để không "dính bẫy"
Theo kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam năm 2019 cho thấy, có 11% DN không biết gì về PVTM; 36% có nghe nhưng không biết sâu; 36% DN đã từng tìm hiểu sơ sơ; 17% DN đã tìm hiểu kỹ về PVTM. Do vậy, trong bối cảnh xu hướng bảo hộ tiếp tục gia tăng cùng với sự chủ động từ cơ quan quản lý nhà nước, Cục Phòng vệ thương mại cho rằng, DN Việt Nam cũng cần chủ động trong việc tìm hiểu và chuẩn bị cho các tranh chấp về thương mại.
Muốn giảm thiểu nguy cơ đối mặt các vụ điều tra PVTM, doanh nghiệp cần chủ động trang bị kiến thức về pháp luật PVTM. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ông Lê Triệu Dũng - Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Công Thương cho biết, PVTM đang ngày càng trở nên phổ biến, các biện pháp hợp pháp được Tổ chức thương mại thế giới cho phép, nhằm đảm bảo sự cạnh tranh công bằng đối với hàng sản xuất trong nước và hàng hóa NK. PVTM là “phao cứu trợ” doanh nghiệp đi ra biển lớn, hội nhập quốc tế. Chính vì vậy, các nền kinh tế hội nhập, tự do nhất cũng là nước có nền kinh tế sử dụng PVTM nhiều nhất. Có thể nói, đây là công cụ phổ biến, yếu tố quan trọng trong môi trường kinh doanh thực tế. Các DN cần nghiên cứu, sử dụng để bảo vệ lợi ích trên chính thị trường nội địa trước hoạt động cạnh tranh không lành mạnh của hàng hóa nhập khẩu.
Còn theo bà Phạm Châu Giang- Phó Cục trưởng Cục PVTM, Bộ Công Thương, tác động của các biện pháp PVTM, hiệu quả mang tính tích cực là tăng thu cho ngân sách, theo thống kê, tăng thu ngân sách hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Ngoài ra còn bảo vệ lợi ích các ngành sản xuất trong nước, đóng góp 6% tổng GDP năm 2019, giúp nhiều DN sản xuất vượt qua khó khăn, khủng hoảng, giảm nguy cơ hàng hóa Việt Nam bị điều tra lẩn tránh biện pháp PVTM như chống bán phá giá. Trong khoảng 5 năm gần đây, pháp luật đã đi vào cuộc sống, cơ quan nhà nước cũng tích lũy được năng lực và kinh nghiệm về PVTM. Tuy nhiên, cũng có những hạn chế, năng lực của cơ quan PVTM cần nâng cao và hoàn thiện hơn. Bên cạnh đó, còn nhiều DN chưa có khái niệm về vấn đề này và thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Đồng quan điểm ông Lương Kim Thành- Trưởng phòng Xử lý Phòng vệ thương mại nước ngoài, Cục Phòng vệ thương mại cho biết, để giúp các DN Việt Nam chuẩn bị các phương án, nhằm tránh tối đa việc bị các quốc gia khác sử dụng các biện pháp PVTM, hàng quý Cục PVTM đã cập nhật danh sách các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra PVTM, điều tra lẩn tránh thuế và được đăng tải trên website của Cục. Muốn giảm thiểu nguy cơ đối mặt các vụ điều tra PVTM, DN cần chủ động trang bị kiến thức về pháp luật PVTM, quy định PVTM trong các FTA mà Việt Nam và đối tác cùng tham gia để nắm rõ quyền và nghĩ vụ của mình. Bên cạnh đó, DN cũng cần xây dựng hệ thống quản trị tiên tiến, hiện đại, thực hiện lưu trữ hồ sơ, chứng từ đầy đủ, rõ ràng. Ngoài ra, DN cũng cần xây dựng bộ phận pháp chế, nghiên cứu các quy định về thương mại, PVTM quốc tế hoặc cân nhắc tư vấn từ luật sư am hiểu pháp luật quốc tế khi cần thiết.
Như vậy, việc tham gia nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA), bên cạnh ưu đãi về mặt thuế quan giúp thúc đẩy mạnh mẽ XK hàng hóa, các ngành hàng, DN Việt Nam ngày càng phải đối diện nhiều hơn với các vụ kiện PVTM. Điều này đòi hỏi chính các DN phải nâng cao tính chủ động, song hành cùng cơ quan quản lý nhà nước ứng phó hiệu quả PVTM.
Khuyến nghị của Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương đối với doanh nghiệp nhằm chủ động, tích cực tham gia xử lý vụ việc phòng vệ thương mại:
- Xây dựng chiến lược đa dạng hóa sản phẩm và đa phương hóa thị trường xuất khẩu để phân tán rủi ro, tránh tập trung xuất khẩu với khối lượng lớn vào một thị trường vì điều này có thể tạo ra cơ sở cho các nước khởi kiện hay áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại;
- Nâng cao nhận thức về nguy cơ bị khiếu kiện tại các thị trường xuất khẩu và cơ chế điều tra, áp dụng của từng loại biện pháp, nhóm thị trường và loại mặt hàng thường bị kiện; - Có kế hoạch chủ động phòng ngừa và xử lý vụ kiện phòng vệ thương mại khi xây dựng chiến lược xuất khẩu;
- Phối hợp, liên kết với các doanh nghiệp có cùng mặt hàng xuất khẩu để có chương trình, kế hoạch đối phó chung đối với các vụ kiện;
- Thuê chuyên gia tư vấn và luật sư trong những tình huống cần thiết;
- Giữ liên hệ chặt chẽ và kịp thời thông tin đến các cơ quan quản lý nhà nước về thương mại để các cơ quan này bảo vệ quyền lợi tốt hơn cho doanh nghiệp.
Thu Giang