Bài liên quan |
Bất động sản “bất động”, ngành vật liệu xây dựng gặp khó |
Ngành vật liệu xây dựng Việt Nam từng có giai đoạn phát triển rực rỡ từ năm 2014 đến 2021, ghi dấu ấn trên thị trường quốc tế với các sản phẩm chủ lực như xi măng, gạch ốp lát, thiết bị vệ sinh, kính xây dựng. Tuy nhiên, kể từ năm 2022, ngành này đã phải đối mặt với nhiều khó khăn lớn trong sản xuất và tiêu thụ. Những thách thức bao gồm sự cạnh tranh không lành mạnh từ các sản phẩm kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái và hàng nhập lậu, khiến thị trường rơi vào tình trạng rối loạn và đe dọa nghiêm trọng đến các nhà sản xuất uy tín trong nước.
PGS.TS. Lương Đức Long, Tổng Thư ký Hội Xi măng Việt Nam cho biết, ngành xi măng tuy có lịch sử phát triển lâu dài và đóng vai trò quan trọng trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cũng không tránh khỏi khủng hoảng. Sản xuất và tiêu thụ xi măng giảm mạnh trong năm 2023 và tiếp tục sụt giảm trong 9 tháng đầu năm 2024. Dù đã có dấu hiệu cải thiện vào tháng 10/2024, nhưng tổng thể, hai năm qua là giai đoạn rất khó khăn. Một trong những nguyên nhân chính là sự thiếu kiểm soát chặt chẽ về chất lượng sản phẩm. Các nhà sản xuất không đủ điều kiện nhưng vẫn tung ra thị trường những sản phẩm có nhãn mác gần giống với các thương hiệu uy tín, đặc biệt tại khu vực phía Nam. Điều này không chỉ gây khó khăn cho người tiêu dùng và nhà thầu mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của các doanh nghiệp xi măng lớn, làm gia tăng sự cạnh tranh không lành mạnh và gây thiệt hại toàn ngành.
PGS.TS. Lương Đức Long, Tổng Thư ký Hội Xi măng Việt Nam |
Tình trạng tương tự cũng xảy ra với ngành kính xây dựng, đây là nhận định của ông Nguyễn Trần Tuấn Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội Kính và Thủy tinh Việt Nam. Ông nhấn mạnh rằng bên cạnh sự trì trệ của thị trường bất động sản và tác động từ kinh tế thế giới, các sản phẩm kính nhập khẩu không rõ nguồn gốc, chất lượng kém cũng đang tràn lan tại Việt Nam. Nếu không có các biện pháp kiểm soát chặt chẽ, nguy cơ xảy ra sự cố nghiêm trọng như các vụ kính vỡ do cơn bão Yagi có thể tái diễn, gây nguy hiểm cho con người và công trình. Trong khi đó, nhiều dây chuyền sản xuất kính trong nước đã phải tạm ngưng hoạt động hơn 6 tháng từ năm 2023 đến giữa năm 2024. Tương tự, các nhà máy gạch ốp lát và sứ vệ sinh chỉ hoạt động cầm chừng ở mức 50-70% công suất, khiến sản lượng và doanh thu giảm sâu, đe dọa công ăn việc làm và sự ổn định kinh tế xã hội.
Khó khăn càng chồng chất khi các sản phẩm nhập khẩu giá rẻ được ưu ái trong các thủ tục kỹ thuật và kiểm định, trong khi các doanh nghiệp trong nước lại phải tốn kém thời gian và chi phí để đáp ứng các yêu cầu tương tự. Ông Vũ Quốc Hùng, Tổng thư ký Hội đồng Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam chia sẻ, hiệp hội đã nhiều lần kiến nghị Chính phủ thiết lập hàng rào kỹ thuật và áp dụng kiểm tra chất lượng từ đầu nguồn đối với sản phẩm nhập khẩu. Ngày 02/7/2024, Hiệp hội đã gửi công văn đề nghị Bộ Xây dựng ban hành các quy định chứng nhận chất lượng bắt buộc đối với gạch ốp lát và thiết bị vệ sinh nhập khẩu, nhằm tạo sự cạnh tranh công bằng và đảm bảo chất lượng cho các công trình trong nước.
Ông Lê Trung Thành, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng |
Các chuyên gia cũng cảnh báo rằng vật liệu xây dựng chiếm tới 60-70% chi phí công trình. Nếu vật liệu không đảm bảo chất lượng, chi phí sửa chữa có thể tăng lên 50% giá trị vật liệu ban đầu, gây tổn thất lớn. Đối với các công trình có giá trị hàng trăm tỷ đồng, điều này sẽ trở thành gánh nặng khổng lồ. Ông Lê Trung Thành, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng, nhấn mạnh rằng việc kiểm soát chất lượng không chỉ bảo vệ các doanh nghiệp mà còn đảm bảo sự an toàn và bền vững cho các công trình xây dựng trong nước.
Những khó khăn trên đặt ra yêu cầu cấp bách về cải cách cơ chế quản lý và kiểm soát chất lượng trong ngành vật liệu xây dựng. Việc thiết lập hàng rào kỹ thuật, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh là những giải pháp cần được ưu tiên để ngành này có thể phục hồi và phát triển bền vững.