Tất cả làm nên những khoảnh khắc nghẹn lòng trong chương trình “Tri ân người lính – Chăm sóc hôm nay, vững bước tương lai”, nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, tại Hội trường tầng 10 Bệnh viện Sài Gòn ITO Phú Nhuận. Chương trình do Câu lạc bộ (CLB) Trái tim Người lính Phương Nam và Hệ thống bệnh viện Sài Gòn ITO phối hợp tổ chức.
Hồi ức – Hào khí – Hy sinh
Những người lính năm xưa, nhiều vị khách mời là các tướng lĩnh, anh hùng lực lượng vũ trang, cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong (TNXP) và thương, bệnh binh đã lặng người xúc động trong phút mặc niệm trang trọng tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, những người đã ngã xuống cho độc lập dân tộc và sự bình yên hôm nay.
![]() |
Ngồi lặng giữa hội trường, nhiều cựu chiến binh tóc đã bạc trắng vẫn ánh lên niềm tự hào khi nhắc về những năm tháng chiến đấu oanh liệt. |
Ngồi lặng giữa hội trường, nhiều cựu chiến binh tóc đã bạc trắng vẫn ánh lên niềm tự hào khi nhắc về những năm tháng chiến đấu oanh liệt. Họ kể, bằng giọng nói run nhẹ vì tuổi tác nhưng chắc nịch từng câu chữ, như thể ký ức vẫn còn in hằn trong từng mạch máu.
Có người nhớ lại những đêm hành quân băng rừng, lội suối trong bóng tối dày đặc, cả đại đội im phăng phắc vượt qua tai mắt địch, đến mức đàn chó gác ngủ mê chẳng biết có người đi qua. Có trận giáp lá cà giữa đêm, khi vừa chạm vào võng địch là bắt đầu cuộc vật lộn sinh tử.
Họ kể về những nắm cơm vắt dính bùn, nước đục uống thay thuốc, về những cơn sốt rét tím môi, lạnh run giữa rừng Trường Sơn, mắt mờ vì đói và thiếu ngủ. Có người từng gác bút nghiên đi bộ từ quê lên tuyến lửa khi chưa đủ tuổi quân, mang theo lời hứa “Nếu ngã xuống, hãy chôn tôi ở bên đồng đội”. Họ không nói về mình như anh hùng, chỉ gọi đó là "bổn phận", là "niềm tin", bởi “sống là để giữ đất, giữ nước, giữ bình yên cho cháu con”.
Những câu chuyện ấy không cần tô vẽ, bởi chính sự giản dị, chân thành và khốc liệt của nó đã làm lặng đi cả hội trường. Không ai bảo ai, nhiều người đưa tay lau vội hàng nước mắt – những giọt nước mắt tự hào, biết ơn và xúc động, dành cho một thế hệ đã từng “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
![]() |
Cựu chiến binh Nguyễn Công Trung - Chủ tịch Câu lạc bộ Trái tim người lính Phương Nam. |
Cựu chiến binh Nguyễn Công Trung - Chủ tịch Câu lạc bộ Trái tim người lính Phương Nam - chia sẻ bằng giọng nói trầm ấm và cảm động: “Một ánh lửa chia sẻ sẽ là một ánh lửa lan tỏa. Mỗi hành động tri ân hôm nay là cách để nhắc nhớ, tiếp nối khí phách cha ông, thắp sáng đạo lý ‘Uống nước nhớ nguồn’.”
“Chúng tôi - những người cựu chiến binh nhớ về quá khứ, một thời oanh liệt đã cùng nhau triền miên với những lần hành quân băng rừng lội suối trong đêm thâu đen kịt, chỉ cách một thước đã có thể lạc nhau…Cuộc đời người lính chỉ đơn giản một điều là hướng nòng súng về quân thù, chiến đấu vì hoà bình, vì Tổ quốc, vì Nhân dân mà quên cả mạng sống nhỏ nhoi riêng mình…”, ông Trung xúc động nói.
Trong lời tri ân sâu sắc, ông Phạm Thế Đồng - Chủ tịch HĐQT Hệ thống Bệnh viện Sài Gòn ITO - nhấn mạnh: “Người lính với hình ảnh kiên trung, bất khuất, âm thầm bảo vệ bình yên cho đất nước mãi mãi là niềm tự hào và biểu tượng sống của tinh thần yêu nước. Dù thời gian có lùi xa, chiến tranh đã lùi vào quá khứ, nhưng những hy sinh của các ông các bà các anh, các chị – những người lính năm xưa luôn hiện diện trong trái tim của mỗi người dân Việt Nam. Là một đơn vị y tế, chúng tôi hạnh phúc khi có thể góp phần nhỏ bé trong việc chăm sóc sức khỏe cho những người đã hy sinh tuổi xuân cho Tổ quốc.”
![]() |
CLB Trái tim Người lính Phương Nam và Hệ thống Bệnh viện Sài Gòn ITO chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác chăm sóc sức khỏe dài hạn cho các thương, bệnh binh và cựu chiến binh tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận |
Giây phút lặng người nhất của chương trình là phần trao trả hồ sơ chiến tranh của liệt sĩ Trần Văn Riểu -người đã hy sinh khi mới 26 tuổi. Hồ sơ được Đại sứ quán Hoa Kỳ trao lại cho phía Việt Nam, gồm hai cuốn sổ tay ghi chép từ năm 1965 đến 1968 với nội dung về hoạt động chiến đấu, huấn luyện, tiểu sử, danh sách cán bộ đơn vị…
![]() |
Bà Trần Thị Dung - con gái liệt sĩ Trần văn Riểu lên sân khấu nhận lại kỷ vật của cha |
Con gái duy nhất của ông – bà Trần Thị Dung – lên sân khấu nhận lại kỷ vật trong nước mắt:“Gần 60 năm, mẹ con tôi vẫn luôn chờ một ngày nào đó cha trở về. Hôm nay, cha trở về bằng ký ức, bằng từng trang giấy thấm đẫm mồ hôi, máu và lòng yêu nước.”
Cả khán phòng như lặng đi trong khoảnh khắc ấy, khi ký ức chiến tranh không còn là điều xa vời mà hiện hữu trong ánh mắt, trong di vật và trong những câu chuyện còn sống mãi với thời gian.
“Khi nhận lại kỷ vật của cha, cả gia đình tôi vô cùng xúc động và tự hào. Suốt bao năm qua, tôi chưa từng có bất kỳ hình dung rõ ràng nào về người cha của mình – một khuôn mặt, một dáng hình, tất cả đều là khoảng trống. Vậy mà hôm nay, khi được tận tay cầm lấy những kỷ vật ấy, tôi nghẹn ngào không nói nên lời. Tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Đại sứ quán Hoa Kỳ, Ban tổ chức cũng như CLB Trái tim Người lính Phương Nam đã không quản đường xa từ bên kia bán cầu, chuyển tận tay gia đình tôi món quà vô giá này.
![]() |
Một trong những trang ghi chép từ hai cuốn sổ tay của liệt sĩ Trần Văn Riểu được ghi chép từ năm 1965 đến 1968. |
Mẹ tôi, ngay khi nhận được thư báo tin sẽ trao lại nhật ký của cha, đã thao thức suốt nhiều đêm liền. Bà bồn chồn, tự tay chuẩn bị cho tôi từng bộ quần áo, từng món tư trang để ra Hà Nội nhận lại kỷ vật. Suốt những ngày đó, bà không ngừng dặn dò: “Con phải giữ gìn sức khỏe, đi máy bay, đi tàu xe phải cẩn thận đấy.” Cả giấc ngủ cũng chẳng trọn vẹn vì bà mong chờ khoảnh khắc được nhìn thấy ký ức của chồng mình trở về.
Lúc biết tin có quyển nhật ký, mẹ cũng lo lắng hỏi: “Không biết người ta có cho mình quyển gốc để đọc không?” Tôi phải giải thích rằng bản gốc được lưu trữ lại, gia đình chỉ nhận được bản sao. Mẹ còn hỏi: “Có bài thơ nào ông viết về mẹ không? Ông ấy hay làm thơ lắm, thơ gửi vợ ấy...” Nhưng nhiều đoạn bị nhòe, bà không đọc được. Tôi hứa sẽ tìm bản phiên dịch, rồi mai con sẽ mở YouTube cho mẹ nghe…”
Đó là những câu chuyện đứt đoạn mà người con gái của liệt sĩ đã kể lại, những ký ức chưa từng có, hôm nay đã phần nào được lấp đầy bằng tình cảm, bằng nước mắt và bằng cả lòng biết ơn.
![]() |
Bà Trần Thị Dung và con gái đang xem những trang ghi chép - di vật từ người cha liệt sĩ của mình |
Những bức chân dung sống động từ ký ức
Tại buổi lễ, phần trao tặng di ảnh phục dựng do CLB Trái tim Người lính Phương Nam tổ chức đã mang lại những món quà tinh thần sâu sắc. Những bức ảnh đen trắng nhuốm màu thời gian của các anh hùng liệt sĩ nay được phục dựng thành ảnh màu, là hành động trân trọng, tôn vinh những con người đã hy sinh cả cuộc đời cho Tổ quốc.
Di ảnh của Trung tướng Nguyễn Thới Bưng, Thiếu tướng Nguyễn Văn Biền, cụ Nguyễn Văn Kiền được trao tận tay con cháu, như một cách để thế hệ sau gìn giữ, khắc ghi và tự hào về dòng máu anh hùng đang chảy trong mình.
![]() |
Chủ tịch CLB Trái tim Người lính Phương Nam Nguyễn Công Trung (trái) trao bức di ảnh cụ Nguyễn Văn Kiền được phục dựng đến người thân. |
Những trái tim bền gan thép
Không khí chương trình lắng đọng với phần phát biểu của họa sĩ, nhạc sĩ – kỷ lục gia Guinness Việt Nam Nguyễn Văn Việt. Là thương binh từng bị trọng thương ở chiến trường Campuchia, ông vẽ tranh trong tư thế nằm và bán đấu giá hàng trăm ngàn USD để làm thiện nguyện.
Người cựu chiến binh hôm nay đã là một họa sĩ, nhạc sĩ đạt Kỷ Lục gia Guinness Việt Nam được tổ chức tại Ấn Độ và cũng là Nhà tài trợ chính cho Cộng đồng xúc tiến thương mại Việt Nam - Ấn Độ bằng những bức tranh bán đấu giá được hàng trăm ngàn USD. Ông cũng đã góp phần hợp tác đưa ngành nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Ấn Độ, mang sự yêu thương của Việt Nam đến với những người vô gia cư và trẻ em mồ côi trong đợt Covid - 19 ở Ấn Độ và những trẻ em Việt kiều kiều nghèo tại Biển Hồ Campuchia.
Ông nói:“Tôi không coi mình là người tàn phế. Tôi sống cho ra sống, bởi những đồng đội của tôi đã ngã xuống để tôi được sống và tiếp tục cống hiến.”
![]() |
Họa sĩ, nhạc sĩ – kỷ lục gia Guinness Việt Nam Nguyễn Văn Việt (phải) cùng những tác phẩm của anh và CCB Nguyễn Công Trung (trái). |
Một dấu ấn sâu đậm trong chương trình là phần chia sẻ của Anh hùng Lực lượng vũ trang Ngô Tùng Chinh – người từng bị bắt giam tại Khám Chí Hòa khi mới 15 tuổi. Ông kể về hành trình cách mạng bắt đầu từ những năm tháng thiếu niên, sống trong tù địch, kiên cường đấu tranh vì lý tưởng độc lập, tự do. Sau ngày đất nước thống nhất, ông tiếp tục học tập, lấy bằng đại học và công tác tại Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương cho đến khi nghỉ hưu, trọn vẹn một đời cống hiến.
Lặng lẽ nhưng đầy xúc động là câu chuyện của thương binh Trần Văn Hiếu và CCB Nguyễn Công Trung – Chủ tịch CLB Trái tim người lính Phương Nam. Suốt hàng chục năm, họ đã cùng nhau cải táng hơn 300 hài cốt liệt sĩ, đưa đồng đội về với gia đình trên khắp ba miền Bắc – Trung – Nam. Những người lính từng chiến đấu ở Campuchia năm xưa đã nối vòng tay lớn, không phân biệt đơn vị, chỉ cần có chung màu áo và tấm lòng là sẵn sàng góp công, góp của để đưa anh em về đất mẹ.
![]() |
Thương binh Trần Văn Hiếu chia sẻ những câu chuyện xúc động về hành trình đưa đồng đội về với gia đình trên khắp ba miền Bắc – Trung – Nam. |
Riêng ông Hiếu, sau ngày phục viên, đã lập bàn thờ ngay trong nhà để thờ người đồng đội đã hy sinh trong trận đánh khiến ông bị thương. Nghĩa cử nhỏ bé nhưng chất chứa một trời nghĩa tình – minh chứng thiêng liêng cho tình đồng đội sắt son của người lính năm xưa.
![]() |
Giáo sư ,Tiến sĩ Savas Tumis (trái) tại buổi lễ. |
Chương trình càng thêm ý nghĩa với phần phát biểu giao lưu của Giáo sư, Tiến sĩ Savas Tumis. Ông bày tỏ sự ngưỡng mộ sâu sắc trước tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường của con người Việt Nam, đồng thời xúc động cam kết: “Tôi sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ thế hệ trẻ Việt Nam qua giáo dục và khởi nghiệp.”
Lan tỏa yêu thương – kết nối nghĩa tình
Tại chương trình, Hệ thống Bệnh viện Sài Gòn ITO đã trao 100 phiếu khám bệnh miễn phí, trị giá mỗi phiếu 5 triệu đồng đến các thương, bệnh binh như một sự quan tâm thiết thực. Danh sách những người nhận quà trải dài từ các đơn vị F309, E16 đến các cựu TNXP đội Dũng Chí.
Dù chỉ là món quà nhỏ, nhưng chan chứa sự biết ơn sâu sắc. Bên cạnh đó, CLB Trái tim Người lính Phương Nam và Hệ thống Bệnh viện Sài Gòn ITO cũng chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác chăm sóc sức khỏe dài hạn, mang đến cơ hội thăm khám, điều trị các bệnh lý xương khớp cho hàng trăm thương bệnh binh, cựu chiến binh tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.
![]() |
Hệ thống Bệnh viện Sài Gòn ITO đã trao 100 phiếu khám bệnh miễn phí, trị giá mỗi phiếu 5 triệu đồng đến các thương, bệnh binh như một sự quan tâm thiết thực. |
Song song với hoạt động tri ân, Công ty Fujiwa Việt Nam đã công bố tài trợ 100 triệu đồng cho hai công trình “Nghĩa tình đồng đội” tại Quảng Trị, đồng thời trao tặng hàng ngàn chai nước uống kiềm nhằm đồng hành cùng chương trình bằng hành động thiết thực, lan tỏa yêu thương. Bên cạnh đó, Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Bất động sản Thiên Lộc Phát cũng đóng góp 50 triệu đồng cho công trình “Nghĩa tình đồng đội”, tiếp thêm nguồn lực cho hành trình nghĩa tình này.
![]() |
Công ty Fujiwa Việt Nam công bố tài trợ 100 triệu đồng cho hai công trình “Nghĩa tình đồng đội” tại Quảng Trị. |
Chương trình vinh dự nhận được những lẵng hoa chúc mừng từ các lãnh đạo, tướng lĩnh, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân – những người đã có nhiều đóng góp cho đất nước. Trong đó có ông Nguyễn Thành Phong – Nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nguyên Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương, Nguyên Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh; Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ – Nguyên Tham mưu trưởng Quân khu 7, Nguyên Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin Việt Nam; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Trung tướng Triệu Xuân Hòa – Nguyên Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Nguyên Tư lệnh Quân khu 7; Chuẩn Đô đốc Ngô Văn Phát – Nguyên Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân.
Sự hiện diện và gửi gắm của các vị lãnh đạo là nguồn động viên tinh thần lớn lao đối với chương trình, góp phần lan tỏa thông điệp tri ân sâu sắc đến các thế hệ đã hy sinh, cống hiến cho Tổ quốc.
![]() |
Các cựu chiến binh cùng khách mời đại biểu chụp ảnh kỷ niệm tại buổi lễ. |
“Chúng ta sống hôm nay không chỉ để tận hưởng hòa bình, mà còn để nhắc nhở về trách nhiệm giữ gìn, tri ân những hy sinh cao cả của thế hệ đi trước.” – đó là thông điệp lớn nhất mà chương trình “Tri ân người lính – Chăm sóc hôm nay, vững bước tương lai” đã lan tỏa mạnh mẽ đến cộng đồng. Bởi “tri ân” không dừng lại ở một ngày, mà là mạch nguồn đạo lý bất tận. Và “Trái tim người lính” sẽ tiếp tục nhịp đập vững vàng, son sắt, nghĩa tình như chính họ đã từng sống, từng chiến đấu và mãi mãi không bao giờ quên.
Hiện nay, cả nước có 1.146.250 liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc. Trong đó, vẫn còn hơn 200.000 hài cốt liệt sĩ chưa được tìm thấy, nằm rải rác tại Lào, Campuchia và các vùng biển đảo. Bên cạnh đó, có khoảng 9 triệu thương binh, bệnh binh trên toàn quốc đang được Đảng và Nhà nước quan tâm chăm sóc, tri ân bằng nhiều chính sách và hoạt động ý nghĩa. |