Ngày 27/7, Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam (VALOMA) tổ chức Đại hội lần thứ II, nhiệm kỳ 2025 - 2030.
Phát biểu tại sự kiện, ông Phạm Trung Giang - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức phi chính phủ (Bộ Nội vụ) cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu, ngành logistics đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, nguồn nhân lực logistics hiện vẫn còn là một “nút thắt” về cả số lượng và chất lượng. Sự ra đời và phát triển của Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam từ năm 2021 đến nay là một minh chứng rõ ràng cho tinh thần chủ động, kết nối và trách nhiệm xã hội của các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp và chuyên gia trong lĩnh vực này.
Với vai trò là tổ chức xã hội - nghề nghiệp mang tính liên kết cao giữa nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp, Hiệp hội đã tích cực tham gia xây dựng, phản biện chính sách phát triển nhân lực; chuẩn hóa chương trình đào tạo ngành logistics. Qua đó, góp phần thúc đẩy hợp tác công - tư trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thực tiễn sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong nhiệm kỳ tới, ông Phạm Trung Giang mong Hiệp hội sẽ tiếp tục phát huy vai trò là tổ chức tiên phong trong kết nối, điều phối và dẫn dắt sự phát triển nhân lực ngành logistics. Tham gia phản biện, tư vấn chính sách về giáo dục nghề nghiệp, chuẩn nghề nghiệp và phát triển kỹ năng nghề quốc gia. Mở rộng hợp tác quốc tế để tiếp cận các mô hình đào tạo hiện đại, tiêu chuẩn quốc tế và chương trình trao đổi chuyên gia.
![]() |
Đại hội lần thứ II, nhiệm kỳ 2025-2029 của Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam (VALOMA). |
Theo TS. Đặng Văn Huấn - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Báo cáo đào tạo logistics Việt Nam 2024 đã nêu rõ hoạt động đào tạo nhân lực logistics tại Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn cả ở các khía cạnh chính. Đó là chương trình, giảng viên, học liệu, kết nối doanh nghiệp và cơ chế chính sách quản lý.
Nhiều chương trình chưa cập nhật kịp thời với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ trong ngành logistics. Các yêu cầu về ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) đang ngày càng được nhấn mạnh trong các doanh nghiệp logistics có yếu tố nước ngoài.
Bên cạnh đó, sự thiếu linh hoạt trong thiết kế môn học tích hợp, chưa chú trọng các kỹ năng phân tích dữ liệu, quản lý hệ thống số, cũng làm giảm năng lực thích ứng của người học với thị trường việc làm. Phần lớn giảng viên đang giảng dạy logistics hiện nay đến từ các ngành gần như kinh tế, thương mại, vận tải chưa có nền tảng đào tạo chuyên sâu về logistics từ đầu. Nhiều giảng viên có năng lực lý thuyết tốt nhưng thiếu trải nghiệm thực tiễn, dẫn đến khoảng cách trong việc truyền tải kiến thức ứng dụng.
Về học liệu và công nghệ, nguồn học liệu mở hiện vẫn thiếu hụt cả về số lượng lẫn chất lượng. Các tài liệu giảng dạy còn thiên về lý thuyết, thiếu các tình huống thực tế tại Việt Nam và chưa tích hợp tốt với các mô hình mô phỏng logistics.
Công cụ phần mềm chuyên ngành tuy đã xuất hiện trong một số chương trình tiên tiến, nhưng chưa được triển khai phổ biến và sử dụng thường xuyên trong quá trình học tập và đánh giá năng lực thực hành của sinh viên.
Về kết nối với doanh nghiệp - vốn là yếu tố cốt lõi trong đào tạo logistics, song đa phần cơ sở đào tạo chưa xây dựng được cơ chế phối hợp dài hạn với doanh nghiệp. Việc đưa sinh viên đi thực tập ở một số cơ sở đào tạo vẫn mang tính chất tự phát, chưa có tiêu chuẩn đánh giá cụ thể.
Đồng thời, nhiều doanh nghiệp ngại tiếp nhận sinh viên thực tập vì không nhìn thấy lợi ích cụ thể, chưa có chính sách hỗ trợ và e ngại về thời gian, nhân lực hướng dẫn.
Hệ thống quản lý đào tạo logistics chưa có tính liên kết ngành; chưa có một tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia thống nhất, cũng như thiếu hệ thống đánh giá đầu ra chung cho ngành. Điều này dẫn tới khó khăn cho việc tạo ra mặt bằng năng lực chung cho người học khi bước vào thị trường lao động.
Để nâng cao chất lượng và số lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển ngành logistics của Việt Nam trong thời gian tới, ông Huấn đề nghị cần tiếp tục phát huy vai trò của Hiệp hội trong phát triển nguồn nhân lực logistics. Trong đó, cần hỗ trợ công tác nâng cao năng lực của giảng viên của các cơ sở đào tạo; hỗ trợ các trường về xây dựng, rà soát hoàn thiện chương trình đào tạo, công tác giáo trình, học liệu; tư vấn chính sách cho các cơ quan quản lý nhà nước về đào tạo, sử dụng nhân lực ngành logistics.
Các cơ sở đào tạo cần chủ động cập nhật chương trình đào tạo theo chu kỳ 2 năm/lần, có tham khảo ý kiến chuyên gia, doanh nghiệp và cựu sinh viên. Chú trọng cập nhật các xu hướng mới như e-logistics, logistics số, trí tuệ nhân tạo (AI) trong chuỗi cung ứng, quản trị ESG và kinh tế tuần hoàn; tăng cường đầu tư phần mềm mô phỏng, dữ liệu ngành và bài toán thực tế sẽ giúp người học dễ tiếp cận thực tiễn hơn.
Đồng thời, mô hình “doanh nghiệp đồng hành - giảng viên song hành - sinh viên chủ động” cần được nhân rộng trong toàn bộ chu trình đào tạo, từ thiết kế học phần đến đánh giá đầu ra của các chương trình đào tạo.
Đại hội lần thứ II của VALOMA đã lựa chọn và bầu Ban Chấp hành Hiệp hội nhiệm kỳ II gồm 23 nhân sự, Ban Thường vụ gồm 8 nhân sự, Ban Kiểm tra gồm 5 nhân sự có đủ tiêu chuẩn về phẩm chất, năng lực, trình độ và đạo đức. Đây là những hạt nhân quan trọng để lãnh đạo thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội đã đề ra, phục vụ chiến lược phát triển nhân lực logistics, góp phần đưa logistics trở thành ngành dịch vụ nền tảng, giá trị cao.
PGS. TS. Nguyễn Thanh Chương - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Giao thông vận tải được bầu làm Chủ tịch VALOMA nhiệm kỳ 2025 - 2029.