Cải cách cơ chế tiền lương thu hút và giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao

16:47 12/09/2022

Nhằm tạo động lực và tránh tình trạng chảy máu chất xám, doanh nghiệp và cơ quan chức năng cần sớm đưa ra cơ chế phù hợp và kịp thời để thu hút và giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao. Cải cách tiền lương không chỉ để giữ chân người lao động, thúc đẩy người lao động làm việc tốt hơn mà góp phần tăng năng suất lao động…

Theo ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, hiện nay doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 98% trong khoảng 800.000 doanh nghiệp, thu hút khoảng 60% lao động. Cùng với việc phục hồi kinh tế, mối quan hệ cung – cầu lao động trên thị trường cũng có nhiều thay đổi. Thị trường Việt Nam đã và đang có sự chuyển mình mạnh mẽ trong hoàn cảnh bị tác động bởi đại dịch COVID-19 và sự trỗi dậy của cách mạng công nghiệp 4.0, thách thức lớn hơn hết là thiếu hụt lao động chất lượng cao và sự thay đổi nhanh chóng để tiếp cận công nghệ của nguồn nhân lực.

Các thay đổi nói trên khiến cho việc khớp nối cung cầu trên thị trường lao động ngày càng khó hơn, nhất là ở những vị trí, yêu cầu kỹ năng cao. Vì vậy nhu cầu tìm nguồn lao động đặc biệt là lao động chất lượng cao của các doanh nghiệp đang rất lớn và cần được đáp ứng. Do đó, cơ quan quản lý cần xem xét nghiên cứu để có chế độ tiền lương phù hợp với lao động tay nghề cao, tư duy đột phá để giữ chân họ.

Ảnh minh họa.

Dẫn báo cáo PCI năm 2021 do VCCI thực hiện, khi doanh nghiệp có kế hoạch tuyển dụng thay thế hoặc mở rộng, nhóm lao động mà các doanh nghiệp có thể dễ dàng tuyển dụng hơn cả là công nhân, lao động phổ thông (62%). Tiếp đến là nhóm kế toán (42%), cán bộ kỹ thuật (25%) và quản lý, giám sát (20%). Nhóm lao động có mức độ khó nhất khi tuyển dụng là giám đốc điều hành (15%).

Khảo sát trên cho thấy, cơ cấu lao động phổ thông và nguồn lao động trình độ cao có sự chênh lệch lớn, đây là thách thức lớn của doanh nghiệp, vấn đề lớn hơn cả là làm sao vừa có thể chiêu mộ, thu hút được nguồn lao động chất lượng cao cũng như tuyển dụng và đào tạo lao động phổ thông để phổ cập cũng như đáp ứng đúng yêu cầu của môi trường làm việc nói riêng và sự thích nghi với nền công nghệ số nói chung.

Thách thức ấy chính là nút thắt của doanh nghiệp Việt Nam trong phục hồi và phát triển, cũng như là nguy cơ Việt Nam sẽ để mất cơ hội thu hút dòng đầu tư FDI dịch chuyển sau đại dịch COVID-19 và các biến động của chính trị quốc tế. Hiện nay, Việt Nam vẫn đang ở trong giai đoạn dân số "vàng" nhưng chất lượng lao động lại chưa phải là "vàng".

Như vậy, việc cải thiện nguồn nhân lực là yếu tố hàng đầu, Nhà nước cũng cần xem xét có những quy định hướng dẫn về đào tạo nội bộ trong doanh nghiệp, có cơ chế hợp tác giữa nhà trường, cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp trong việc xây dựng và thẩm định chương trình đào tạo tại doanh nghiệp cũng như ban hành cơ chế công nhận về mặt văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận cho người lao động được đào tạo tại doanh nghiệp. Điều này vừa tạo điều kiện cho phát triển thị trường lao động linh hoạt vừa khuyến khích người lao động liên tục học tập trau dồi kỹ năng để đạt được những vị trí và cơ hội nghề nghiệp tốt hơn. Đồng thời khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện và đầu tư thỏa đáng vào việc đào tạo kỹ năng cho người lao động một cách căn cơ, toàn diện.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Nguyễn Văn Thân cũng đồng quan điểm cho rằng, hiện tại, Luật Giáo dục nghề nghiệp chỉ quy định các ưu đãi cho doanh nghiệp có thành lập trung tâm/trường/cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc doanh nghiệp và các cơ sở này phải hoạt động như một đơn vị đào tạo chuyên nghiệp. Tuy nhiên, để sát với thực tế, cần xem xét, nghiên cứu giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa nếu họ chứng minh được có đào tạo và đào tạo lại nghề cho người lao động.

Cải cách tiền lương không chỉ để giữ chân người lao động, thúc đẩy người lao động làm việc tốt hơn, góp phần tăng năng suất lao động… Vấn đề quan trọng là làm chuyển biến nhận thức và người ta cảm thấy được bù đắp một cách xứng đáng, để từ đó cống hiến tốt hơn, gắn bó lâu dài hơn. Cải cách tiền lương chính là một trong những động lực tăng năng suất lao động… Qua đó để củng cố bộ máy, thải dần lực lượng lao động không đủ năng lực, trình độ, không đáp ứng yêu cầu ra khỏi dây chuyền.

Ngọc Phi (tổng hợp)