Tính đến ngày 4/10/2024, theo số liệu do Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã đạt 312.067 tỷ đồng. Đáng chú ý, chỉ có 15 đợt phát hành ra công chúng với tổng giá trị 27.054 tỷ đồng, chiếm 8,7% tổng giá trị phát hành, trong khi đó, 294 đợt phát hành riêng lẻ chiếm tới 91,3%, với giá trị 285.012 tỷ đồng.
Cùng với đó, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp được mua lại trước hạn đạt 144.044 tỷ đồng, giảm 21,1% so với cùng kỳ năm trước. Ngân hàng tiếp tục dẫn đầu trong việc mua lại trái phiếu trước hạn, với giá trị chiếm khoảng 72,5% (tương đương 104.444 tỷ đồng).
Áp lực đáo hạn trái phiếu trong quý IV ở mức cao nhất năm 2024. |
Nhìn về tương lai, trong phần còn lại của năm 2024, tổng giá trị trái phiếu đến hạn sẽ đạt 78.878 tỷ đồng, trong đó lĩnh vực bất động sản chiếm 43,5% (khoảng 34.317 tỷ đồng), theo sau là lĩnh vực ngân hàng với khoảng 8.500 tỷ đồng (chiếm 10,8%). Tính từ đầu năm đến nay, tổng giá trị giao dịch trái phiếu phát hành riêng lẻ đã chạm ngưỡng 750.000 tỷ đồng, cho thấy sức ép đáo hạn vẫn ở mức cao.
Chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect cảnh báo, áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 10 và hai tháng cuối năm 2024 vẫn rất lớn, khi trong riêng tháng 10/2024, sẽ có hơn 22.300 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn. Quý IV/2024 được dự đoán là thời điểm có giá trị đáo hạn lớn nhất trong năm, với tổng giá trị trái phiếu đáo hạn chiếm khoảng 42% toàn bộ năm.
Đáng chú ý, áp lực đáo hạn trái phiếu không chỉ dừng lại ở năm 2024 mà còn kéo dài sang năm 2025, với tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn gần 180.000 tỷ đồng, chỉ thấp hơn khoảng 5% so với năm 2024, trong đó tập trung vào nửa cuối năm.
Cùng lúc, hoạt động đàm phán gia hạn thời hạn thanh toán trái phiếu giữa các doanh nghiệp phát hành và các trái chủ diễn ra tích cực. Tính đến cuối tháng 9/2024, đã có hơn 100 tổ chức phát hành đạt được thỏa thuận gia hạn với tổng giá trị lên tới 155.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán Phú Hưng lưu ý rằng, áp lực đáo hạn, đặc biệt từ nhóm bất động sản, vẫn là yếu tố rủi ro lớn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu phục hồi rõ ràng.
Theo phân tích của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, áp lực đáo hạn trái phiếu trong lĩnh vực bất động sản chủ yếu bắt nguồn từ khó khăn về tính pháp lý của các dự án. Thêm vào đó, sự hạn chế trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng càng làm gia tăng khó khăn cho các doanh nghiệp bất động sản, đặc biệt sau khi các luật liên quan đến đất đai và kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ tháng 8/2024.
Trong bối cảnh thị trường bất động sản gặp khó, dòng tiền nhàn rỗi vẫn có xu hướng chờ đợi cơ hội. Khi thị trường bất động sản phục hồi và thanh khoản cải thiện, đây sẽ là yếu tố hỗ trợ doanh nghiệp giảm bớt áp lực từ các khoản nợ trái phiếu đến hạn.
Tuy nhiên, theo Công ty cổ phần Chứng khoán KIS, khó khăn trong việc huy động vốn qua kênh trái phiếu trong 3 năm qua khiến nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản, lâm vào tình trạng không đủ khả năng trả nợ đúng hạn. Điều này buộc các doanh nghiệp phải tìm kiếm nguồn vốn mới để tái phát hành trái phiếu, nhằm đáp ứng nhu cầu thanh toán.
Với tình hình hiện tại, áp lực đáo hạn trái phiếu, đặc biệt đối với nhóm bất động sản, sẽ tiếp tục là bài toán khó trong thời gian tới, và có thể ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư trên thị trường chứng khoán, khi một phần dòng vốn có thể chuyển hướng sang kênh trái phiếu để đáp ứng các nghĩa vụ tài chính đến hạn.