Sửa đổi Luật Doanh nghiệp: Đánh giá kỹ tác động

00:00 12/10/2020

Dự thảo Luật DN (sửa đổi) điều chỉnh khái niệm DN Nhà nước (DNNN) không chỉ ngay lập tức làm tăng số lượng DNNN trong thống kê mà sẽ có tác động lớn đối với khu vực thực thi và các văn bản pháp lý liên quan.

Doanh nghiệp lo bị giám sát

Theo quy định hiện hành, DNNN là do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Dự thảo mới nhất Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật DN đề xuất, DNNN là DN trong đó Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết trở lên. Nỗi lo của nhiều DN được xác định là DNNN theo khái niệm mới sẽ phải chịu sự điều chỉnh của nhiều luật.

Đơn cử, với khái niệm mới này, toàn bộ các dự án phát triển mà DNNN triển khai sẽ phải tuân thủ Luật Đấu thầu. Hay như Luật Xây dựng sẽ điều chỉnh về thẩm quyền quyết định đầu tư đối với dự án sử dụng vốn đầu tư phát triển của DNNN; Luật NSNN gồm những khoản phí thu từ các hoạt động dịch vụ do DNNN thực hiện nộp ngân sách theo quy định của pháp luật, ngoài ra còn rất nhiều các văn bản dưới luật khác…

Công nhân điện lực Hà Nội sửa chữa một trạm biến áp trên địa bàn quận Cầu Giấy. Ảnh: Chiến Công
 

Trưởng ban Quản lý đầu tư vốn (Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN) Cao Đạt Khoa cho rằng, thứ nhất, nếu không làm rõ, quản trị, công tác điều hành DNNN sẽ kém đi. Thứ hai là không thu hút nguồn vốn đầu tư xây dựng.

Ngoài ra tác động đến tiến trình cải cách DNNN cũng phải tính tới. “Yêu cầu DNNN phải cổ phần hoá để hoạt động hiệu quả, phải bán vốn. Tuy nhiên phải thận trọng, nếu thay đổi sẽ có rất nhiều DN trở thành DNNN”- ông Khoa nói. Đại diện Tổng Công ty Lương thực miền Bắc Phan Vũ Anh đặt thêm vấn đề về quyền lợi của các cổ đông trong các DN có trên 51% vốn Nhà nước nếu bị chịu chung quy định về quản lý như DN 100% vốn Nhà nước.

"Những lấn cấn, chưa rõ ràng trong khái niệm DNNN đang làm khó cho cả mục tiêu quản lý DNNN, cũng như nâng cao hiệu quả quản trị cho khu vực này. Cần đánh giá tác động có thể có nếu khái niệm DNNN được thay đổi, kể cả đối với các hiệp định tự do thương mại. Đồng thời khi Luật DN sửa đổi, những đề nghị sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan, nhất là các văn bản cho đối tượng là DNNN cũng đang được lên kế hoạch." - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước Lê Song Lai

Đánh giá tác động toàn diện

Ông Phan Đức Hiếu - thành viên Ban soạn thảo cho biết, ban soạn thảo đề xuất sửa đổi khái niệm DNNN, trước hết là theo yêu cầu tại Nghị quyết 12-NQ/TW về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN (Nghị quyết 12), nhưng mục tiêu quan trọng nhất là phải làm rõ DN nào được gọi là DNNN, để từ đó có mô hình quản lý, quản trị phù hợp.

Ngoài ra, việc thay đổi khái niệm DNNN cũng phù hợp với các điều ước quốc tế. Theo Điều 17.1, Hiệp định CP TPP: “DNNN là một DN chủ yếu tham gia vào hoạt động thương mại, trong đó một bên (Nhà nước): trực tiếp sở hữu hơn 50% vốn cổ phần; kiểm soát trên 50% quyền biểu quyết không thông qua lợi ích chủ sở hữu; hoặc giữ quyền chỉ định đa số thành viên Ban quản trị hoặc bất kỳ bộ máy quản lý tương đương khác”.

“Về mặt pháp lý, với khái niệm này sẽ dễ xác định được loại DN được gọi là DNNN, phân định rõ cổ đông Nhà nước và cổ đông khác. Khái niệm này cũng phù hợp với một số nghị định của Chính phủ về quản lý cán bộ, lao động, tiền lương tại các công ty do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ” - ông Hiếu phân tích.

Song cũng theo ông Hiếu, sẽ không có việc quản lý, giám sát DN có vốn Nhà nước chi phối giống như DN 100% vốn Nhà nước. Thay vào đó, mỗi loại sẽ có phương thức phù hợp. Cụ thể: Nếu Nhà nước góp trên 65% vốn điều lệ thì sẽ có quyền chi phối tuyệt đối; quyết định tất cả các vấn đề của DN. Nếu góp vốn ở mức trên 50% thì có quyền chi phối chủ động, cũng như quyết định phần lớn các vấn đề quan trọng của DN…

“Thực tế phải cân nhắc là nếu tỷ lệ quá cao, sẽ tạo tâm lý không an tâm với nhà đầu tư tư nhân khi tham gia đầu tư vào DNNN; nhưng nếu quá thấp sẽ có thể ảnh hưởng đến yêu cầu giám sát khu vực này, nhất là trong những ngành, lĩnh vực cần có sự tham gia của Nhà nước” - ông Hiếu thẳng thắn.

 
Trâm Anh