Sửa đổi khái niệm doanh nghiệp nhà nước: Cân nhắc thận trọng vấn đề hệ trọng

00:00 12/10/2020

Rất hệ trọng, cần phải cân nhắc rất thận trọng, đó là quan điểm được các đại biểu Quốc hội và chuyên gia xây dựng pháp luật nhấn mạnh khi đề cập việc sửa đổi khái niệm doanh nghiệp nhà nước tại Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

Vấn đề quan trọng

Trình Quốc hội lần đầu tại Kỳ họp thứ 8 (cuối năm 2019), dự kiến thông qua vào Kỳ họp thứ 9 (giữa năm 2020), đã qua nhiều vòng thảo luận, song vấn đề được đặc biệt quan tâm ngay từ khi khởi thảo Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) chính là mở rộng khái niệm doanh nghiệp nhà nước.

Theo Luật Doanh nghiệp hiện hành, “doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ”. Dự thảo luật sửa đổi quy định, doanh nghiệp nhà nước gồm các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết theo quy định tại Luật này.

Lý do mở rộng được Chính phủ giải thích là “nhằm thể chế hóa đầy đủ quan điểm của Đảng tại Nghị quyết số 12-NQ/TW về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước".

Thay đổi trên được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cơ quan thẩm tra Dự án luật nhấn mạnh là vấn đề lớn, quan trọng. Ủy ban cũng nêu rõ, việc quy định về tỷ lệ sở hữu vốn góp hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của Nhà nước tại Dự thảo luật (trên 50%) chưa bảo đảm sự chi phối của Nhà nước với các quyết định quan trọng, chi phối hoạt động của doanh nghiệp, bao gồm việc thông qua nghị quyết của hội đồng thành viên trong công ty TNHH hai thành viên trở lên và nghị quyết của đại hội đồng cổ đông trong công ty cổ phần.

Vì thế, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị xác định tỷ lệ nắm giữ vốn góp hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của Nhà nước phù hợp (tỷ lệ thấp nhất là 75%), bảo đảm được sự chi phối của Nhà nước trong quyết định các vấn đề quan trọng của doanh nghiệp; hài hòa với quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên góp vốn, cổ đông khác, nhằm tạo thuận lợi trong việc thực hiện mục tiêu cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Cần nhất quán

Tổng hợp ý kiến của các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ và hội trường ở Kỳ họp thứ 8 về Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) gồm 18 trang cho 50 vấn đề, thì có gần 3 trang bày tỏ băn khoăn liên quan đến khái niệm mới về doanh nghiệp nhà nước.

“Khái niệm doanh nghiệp nhà nước đã thay đổi liên tục, thể hiện sự lúng túng, không đảm bảo tính nhất quán”, Tổng thư ký Quốc hội, ông Nguyễn Hạnh Phúc phản ánh băn khoăn của đại biểu.

Một số đại biểu cho rằng, quy định doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp có trên 50% vốn góp hoặc cổ phần chi phối là chưa phù hợp, sẽ tác động đến cách thức quản lý của các doanh nghiệp, tạo ra sự khác biệt trong cách thức quản lý với các doanh nghiệp khác.

Có lưu ý, phải thận trọng trong quy định khái niệm doanh nghiệp nhà nước, vì có thể ảnh hưởng đến cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Cân nhắc kỹ

Sau thảo luận lần đầu tại nghị trường, Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) tiếp tục được tham vấn chuyên gia, doanh nghiệp, đại diện một số cơ quan quản lý nhà nước. Cơ quan chủ trì soạn thảo cũng đã làm việc với cơ quan chủ trì thẩm tra để tiếp thu, chỉnh lý.

Qua đây, có quan điểm cho rằng, mục tiêu của Nghị quyết số 12-NQ/TW là nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, quản trị của các doanh nghiệp 100% vốn và doanh nghiệp có cổ phần vốn góp chi phối, chứ không nhằm thay đổi khái niệm về doanh nghiệp nhà nước. Thêm vào đó, đối với mỗi loại doanh nghiệp nhà nước, sẽ cần có phương thức quản lý, giám sát phù hợp, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Thực tế, có doanh nghiệp như Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), hiện Nhà nước nắm giữ lần lượt 95%, 74,8% vốn. Nếu quy định nhà nước nắm giữ tỷ lệ 51%, 65%, thậm chí 75% như một số ý kiến, thì cũng không hợp lý.

Lo ngại nữa cũng được tính đến trong quá trình tiếp thu là việc quy định doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết là doanh nghiệp nhà nước sẽ có tác động lớn, gây xáo trộn trong hệ thống pháp luật hiện nay, nhưng chưa được đánh giá đầy đủ.

Sơ bộ có đến 9 luật hiện hành bị tác động, gồm: Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý tài sản công, Luật Tiếp cận thông tin, Bộ luật Dân sự, Luật Thuỷ lợi, Luật Lâm nghiệp, Luật Xây dựng, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp và Luật Đấu thầu, chưa kể hàng chục nghị định cũng sẽ vướng.

Một vị trong Thường trực Cơ quan thẩm tra cho biết, mở rộng khái niệm doanh nghiệp nhà nước là vấn đề rất hệ trọng, Ban Soạn thảo vẫn giữ quan điểm, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vẫn kiên trì “phản biện” và chắc chắn sẽ còn phải cân nhắc thật kỹ trước khi bấm nút.

Cần làm rõ thêm khái niệm nhà nước trong doanh nghiệp nhà nước

Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch:

Trước khi bàn về thay đổi mức Nhà nước sở hữu vốn điều lệ của doanh nghiệp, cần làm rõ thêm khái niệm nhà nước trong doanh nghiệp nhà nước. Nên thay đổi cách nhìn về nhà nước trong doanh nghiệp nhà nước từ “tính chất nhà nước của doanh nghiệp” sang “nhà nước là cổ đông”, tức là nhà đầu tư. Nếu doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ, thì xem đó như một công ty cổ phần mà chỉ có một cổ đông là Nhà nước. Ở doanh nghiệp này, “ông chủ nhà nước” toàn quyền quyết định mọi hoạt động của doanh nghiệp (quyền của Đại hội đồng cổ đông, HĐQT, Tổng giám đốc…), nên đương nhiên gọi là doanh nghiệp nhà nước. Nếu Nhà nước không sở hữu 100% vốn Điều lệ của công ty, mà chỉ sở hữu 51%, thì theo Điều 144, Luật Doanh nghiệp hiện hành, Nhà nước không thể quyết định mọi việc của doanh nghiệp được, mà một số hoạt động cần đến sở hữu 65% cổ phần mới có thể chi phối được. Do đó, một doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu đến 65% vốn điều lệ có thể xem đó là doanh nghiệp nhà nước. Ở một số nước, với doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán, Nhà nước muốn nắm giữ thì chỉ cần sở hữu 65% cổ phần, còn lại 35% để thị trường đánh giá.Loại doanh nghiệp này là doanh nghiệp nhà nước

 Vì sao Việt Nam cần có doanh nghiệp nhà nước?

Luật sư Nguyễn Minh Đức (Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam)

Trong nền kinh tế, luôn có một số ngành mang tính độc quyền tự nhiên hoặc được Nhà nước trao đặc quyền kinh doanh như truyền tải điện, vận hành hồ chứa thuỷ lợi loại lớn, bảo đảm an toàn bay… Những doanh nghiệp này cần được giám sát chặt để tránh tình trạng lạm dụng vị thế độc quyền hoặc lạm dụng đặc quyền để thu lợi. Với những ngành nghề trên, nếu Nhà nước thấy có thể cho phép tư nhân tham gia, thì xây dựng khuôn khổ pháp lý đầy đủ, minh bạch và cơ chế giám sát tốt. Nếu Nhà nước thấy chưa đủ năng lực để xây dựng khuôn khổ pháp lý và giám sát thực thi, có thể để các doanh nghiệp nhà nước đảm nhận. Lúc này, cần có các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Đây không hẳn là doanh nghiệp, vì không chạy theo lợi nhuận thuần tuý, mà giống đơn vị cung cấp dịch vụ công có thu được tổ chức theo hình thức doanh nghiệp. Theo kinh nghiệm quốc tế, với mỗi doanh nghiệp nhà nước loại này lại có một đạo luật riêng để quản lý. Với các ngành nghề không có độc quyền và không được trao đặc quyền, Nhà nước vẫn có thể bỏ vốn kinh doanh với tư cách một cổ đông bình thường. Những doanh nghiệp loại này chỉ cần được quản lý theo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước là được. Từ những phân tích trên, quy định tại dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) nên chia thành hai loại. Loại thứ nhất Nhà nước nắm 100% vốn, chỉ dành cho những ngành có độc quyền hoặc đặc quyền, và mỗi ngành như vậy lại cần có luật hoặc nghị định riêng quản lý. Quốc hội quyết định danh mục các ngành, lĩnh vực, địa bàn có loại doanh nghiệp 100% vốn này. Loại thứ hai là các doanh nghiệp mà Nhà nước nắm vốn, và quản lý theo theo Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.

Nguyễn Lê