Sau sự kiện Forbes công bố Việt Nam có 4 tỷ phú đô la: Để người giàu ở Việt Nam không giấu mặt

00:00 12/10/2020

Ở những nước phát triển, người giàu đóng vai trò quan trọng trong việc tăng trưởng GDP, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Họ được xã hội tôn vinh, có vị trí xứng đáng trong xã hội. Tuy nhiên, ở nước ta, người giàu thường ngại bộc lộ, thích ẩn mình.

Ảnh minh họa: Internet

Người giàu ở Việt Nam sẽ tăng nhanh
Cùng với những thành tựu to lớn của đất nước qua hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới và hội nhập, danh sách người giàu ở Việt Nam đang ngày một tăng nhanh. Đó là tín hiệu đáng mừng. Đội ngũ doanh nhân nước ta ngày càng có những đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Trong Báo cáo Tài sản Siêu giàu trên Thế giới vào năm 2014, Ngân hàng Thụy Sĩ (UBS) và Hãng tư vấn tài sản Wealth-X đã ước tính Việt Nam vào thời điểm đó có tới 210 người siêu giàu, với tổng tài sản khoảng 20 tỷ USD, tương đương 12% GDP cả nước. Còn theo Knight Frank, một trong những công ty tư vấn tài sản toàn cầu lớn nhất thế giới, số người siêu giàu ở Việt Nam sẽ lên đến con số 403 vào năm 2025. Đây là tốc độc tăng cao nhất thế giới, hơn cả Ấn Độ và Trung Quốc.

Thành ngữ Việt Nam có câu “giàu tham việc”. Đúng như vậy. 210 người siêu giàu theo con số thống kê trên hầu hết đều phải trải qua nhiều năm tháng lao động gian nan, vất vả. Trong đó, rất nhiều người từ tay trắng họ đã gây dựng lên cơ ngơi đồ sộ. Sự “say” công việc kinh doanh khiến họ luôn tham việc, không kể thời gian, đam mê làm giàu, dồn hết tâm sức cho phát triển “sản nghiệp” của mình. Họ biết chăm lo lợi ích cho người lao động và đội ngũ quản trị, nhờ đó, bảo đảm sự bền vững và công ty của họ không ngừng phát triển. Tuy nhiên, họ lại e ngại việc quảng bá, giới thiệu về bản thân. Đó là tâm lý ẩn mình, giấu mặt trong một thương trường đầy “giông gió” như hiện nay. Nhiều doanh nhân ở nước ta được các phương tiện truyền thông nhắc đến đều có một điểm chung như thế.

Trên sàn chứng khoán Việt Nam hiện nay, ông Hồ Xuân Năng - Công ty cổ phần Vicostone (VCS), được coi là một trong những tỷ phú giấu mặt. Từ năm 2014 đến nay, các cuộc họp Đại hội cổ đông của VCS luôn diễn ra trong không khí vui vẻ, phấn khởi, bởi doanh thu và lợi nhuận của Công ty liên tục tăng trưởng cùng với việc cổ phiếu của VCS tăng lên không ngừng. Theo số liệu công bố chính thức, ông Hồ Xuân Năng chỉ nắm giữ hơn 2 triệu cổ phiếu VCS, tương đương 2,52% vốn điều lệ, còn 80% do Công ty Cổ phần Tập đoàn Phượng Hoàng Xanh A&A  (Phenikaa) sở hữu - số lượng cổ phiếu này do ông Năng làm đại diện sở hữu. Giá trị tài sản này đã đưa ông Năng trở thành người giàu thứ 5 trên sàn chứng khoán Việt Nam vào thời điểm này.

Nhìn lại thứ tự ưu tiên về quyền lợi mà ông Năng đặt ra cho thấy người lao động là đối tượng đầu tiên. Theo đó, do chưa thể phát hành ESOP, VCS đã “bù đắp” bằng việc trả lương cao hơn và chi thưởng cho những cán bộ, nhân viên xứng đáng. Vì vậy, chi phí quản lý của công ty năm 2017 tăng lên. Ông Năng chia sẻ với các cổ đông: “Tôi mong cổ đông thấu hiểu: Trước hết, phải chăm lo đến lợi ích của người lao động mới mong họ hết lòng cống hiến cho công ty, cho cổ đông”. Nhiều cổ đông đã “mong sẽ thấy tên ông trong danh sách tỷ phú đô la của Forbes”. Nhưng ông Năng bộc bạch: “Tôi không bao giờ mong muốn xuất hiện trong danh sách tỷ phú đô la. Tôi chỉ muốn là người bình thường”. Đó cũng là lý do mà ông nhất định từ chối trả lời phỏng vấn báo chí. Ông thể hiện rõ quan điểm của mình: “Quan trọng nhất là làm việc thật tốt, nói ít mà hiệu quả nhiều”.

Tại sao người giàu ở Việt Nam luôn muốn “ẩn mình”?

Ở nước ta, người giàu thường ngại bộc lộ, thích ẩn mình, bởi hai lý do: Tư chất của họ và sự kì thị của xã hội. Về tư chất, đa số người giàu thường có tính khiêm nhường, không thích phô trương. Bên cạnh đó, dư luận xã hội ở Việt Nam chưa có thói quen vinh danh, ca ngợi người giàu mà thường ít thiện cảm, thậm chí có những thái độ đố kỵ, nghi ngại, kì thị về những sự giàu có bất thường của các tỉ phú.

Trong số 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam năm 2016, có tới 8 người giàu lên nhờ kinh doanh lĩnh vực bất động sản. Sự kiện này đã thổi bùng cuộc tranh luận về người giàu ở Việt Nam, trên các diễn đàn mạng xã hội và báo chí. Bất ổn, lỗi chính sách, quan hệ thân hữu... là những lý do được nhiều người nhắc đến, bên cạnh các tiếng nói bảo vệ đóng góp của ngành bất động sản và các tỷ phú bất động sản trong nền kinh tế. Về phương diện chính trị xã hội, một khi xã hội còn nhìn nhận khối tài sản mà giới nhà giàu kiếm được là bất minh và bất chính, tâm lý chống người giàu có lẽ vẫn là đương nhiên.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chia sẻ với báo giới: "Điều tôi quan ngại là trong danh sách những người giàu nhất Việt Nam, bất động sản vẫn là lĩnh vực chiếm tỉ lệ lớn. Chứng tỏ nó là điểm xuất phát của nhiều người giàu và vẫn được xác định là cốt lõi của không ít người giàu...". Bà Lan cho rằng, theo luật pháp của Việt Nam, đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Do đó, khi một số người khai thác lĩnh vực này và giàu lên nhanh chóng dễ gây nên những bức xúc và đặt dấu hỏi về sự giàu có của họ. Tiếng nói quan ngại này được cộng hưởng với nhiều cuộc thảo luận trên các diễn đàn.

Báo cáo công bố năm 2017 của Oxfam trích dẫn số liệu của Ngân hàng Thế giới cho thấy, bất bình đẳng trong thu nhập ở Việt Nam tăng nhanh trong hai thập kỷ qua. Đáng chú ý, số người giàu đang chiếm phần thu nhập quá lớn, khoảng cách về thu nhập giữa nhóm 20% giàu nhất và các nhóm khác đang gia tăng từ năm 2004.

Theo tính toán của Oxfam, tại Việt Nam, vào năm 2014, thu nhập của người giàu nhất trong một ngày cao hơn thu nhập của người nghèo nhất trong 10 năm. Tài sản của người này có thể giúp tất cả người nghèo ở Việt Nam (khoảng 13 triệu) thoát nghèo. Chênh lệch giàu - nghèo từ lâu đã trở thành câu chuyện toàn cầu. Tuy nhiên, câu chuyện về người giàu, người nghèo ở Việt Nam vẫn có những nét rất riêng, phản ánh rõ những đặc thù kinh tế, chính trị, xã hội. Chẳng hạn, ở Mỹ, chính tầng lớp thu nhập thấp đã ủng hộ và bỏ phiếu cho Tổng thống Donald Trump. Điều này, cho thấy tầng lớp đó vẫn tin rằng một ngày nào đó mình có thể thoát nghèo, để trở nên giàu có. Còn nếu ở Việt Nam, chắc chắn sẽ rất khó thuyết phục một người nông dân đang phải chạy ăn từng bữa hay một anh công nhân đang thất nghiệp rằng, một ngày nào đó họ sẽ được hưởng những lợi ích về lâu dài của phát triển. Bởi hiện tại, họ còn đang phải vất vả, cực nhọc, chạy vạy cho cuộc sống hàng ngày. Và khi khoảng cách giàu - nghèo ngày càng nới rộng, tâm lý “kỳ thị” người giàu vẫn là điều khó tránh.

Trên báo chí, nhiều chuyên gia kinh tế chia sẻ suy nghĩ của mình rằng, họ mong muốn Việt Nam ngày càng có thêm nhiều người giàu, nhiều doanh nghiệp mạnh để đóng góp vào sự phát triển thịnh vượng của đất nước. Bởi hiện nay, không ít doanh nhân thành đạt có xu hướng đầu tư tài sản, nhà cửa, lập công ty ở nước ngoài với ý định tạo lập sự nghiệp mới nơi xứ người. Việc có nhiều người Việt Nam đầu tư ra nước ngoài  cũng là dấu hiệu tốt, chứng tỏ doanh nghiệp trong nước đã có khả năng tích lũy, có năng lực đầu tư ra nước ngoài. Điều này giúp doanh nghiệp trong nước có thể học hỏi và nắm bắt được các thông lệ quốc tế, từ đó áp dụng cho việc phát triển trong nước một cách bền vững hơn. Song, cũng có những thương hiệu Việt vừa định vị xong đã nhanh chóng bỏ cuộc, bán lại cho những tập đoàn đa quốc gia. Câu hỏi đáng quan tâm là, làm thế nào để doanh nhân gắn bó hơn với quê hương xứ sở, đeo đuổi đến cùng nghiệp kinh doanh...?

 Để người giàu muốn lộ diện

Việc đặt câu hỏi về nguồn gốc tài sản của tỷ phú, nhất là trong lĩnh vực bất động sản là rất bình thường và không phải chuyện của riêng Việt Nam. Tuy nhiên, tâm lý kỳ thị người giàu là một vấn đề xã hội phức tạp, đa chiều, không thể chỉ giải thích nó bằng yếu tố lịch sử, tư duy giai cấp. Để xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp hùng mạnh, làm động lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững, cần vinh danh cách làm giàu chính đáng, loại bỏ tâm lý “kỳ thị”.

Muốn giải quyết vấn đề này, đòi hỏi sự tham gia của mọi thành phần trong xã hội, kể cả trong chính tầng lớp người giàu. Trước hết, những người giàu cần chứng  minh sự giàu có của mình là do họ đã phải đổ nhiều mồ hôi, công sức, bằng chính tài năng, ý chí, nghị lực… và cả yếu tố may mắn. Được như vậy, họ sẽ trở thành những tấm gương sáng, truyền cảm hứng để xã hội noi theo, có động lực, ý chí, niềm tin thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Đồng thời, xã hội cũng sẽ vinh danh họ. Ngược lại, nếu những người giàu lên nhanh chóng nhờ vào những mối quan hệ, lợi dụng những kẽ hổng của cơ chế để luồn lách, làm giàu bất chính sẽ không thuyết phục được dư luận.

Bên cạnh đó, người giàu cũng cần xây dựng văn hóa doanh nhân phù hợp với đòi hỏi của thời đại mang tính nhân văn và xu hướng xanh. Thông qua văn hóa doanh nhân, có thể thuyết phục, làm thay đổi quan niệm và dư luận xã hội vốn không mấy thiện cảm về người giàu.

Mặt khác, Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh việc cải thiện môi trường, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh, trong đó, việc loại bỏ những qui định pháp lý gây phiền phức để thị trường vận hành trơn tru là một trọng tâm đã đang được Nhà nước ta nỗ lực thực hiện những năm gần đây, nhất là từ khi Chính phủ kiến tạo, chính phủ hành động được đề ra. Đây cũng là yếu tố đóng vai trò quan trọng để những người giàu đóng góp ngày càng nhiều hơn cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Hiện nay, ở nước ta có một bộ phận thuộc tầng lớp trung lưu đang làm giàu từ bất động sản, chứng khoán, tiền ảo, chiếm tỷ lệ khá cao và ngày càng tăng nhanh ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… làm cho khoảng cách chênh lệch giữa người giàu và người nghèo, giữa đô thị và vùng nông thôn ngày càng lớn. Điều này sẽ dẫn đến sự mất cân đối trong nền kinh tế nếu nhìn dưới góc độ kinh tế sản xuất, thương mại. Đây là vấn đề đáng lo ngại, bởi bộ phận này lại không gắn kết với sản xuất, về lâu dài sẽ tạo ra những bất ổn trong nền kinh tế. Vì vậy, cần có cơ chế khuyến khích làm giàu toàn diện và đồng đều ở tất các các vùng miền, ở mọi lĩnh vực, sản xuất, thương mại, dịch vụ…

Thêm nữa, phải xây dựng nhãn quan đúng đắn, khuyến khích, tôn vinh những người làm giàu tự thân chính đáng, gắn với những đóng góp của họ đối với sự phát triển của cộng đồng, xã hội. Lên án, tẩy chay cách làm giàu bất chính, nhờ vào các mối quan hệ, gắn với các nhóm lợi ích cục bộ, bản vị.

Khi các mục tiêu này đã đạt được ở một mức độ nào đó, tâm lý kỳ thị người giàu trong xã hội sẽ không tồn tại, khi đó, người giàu tự hào vì sự giàu có cùng với những đóng góp của mình vào sự phát triển của cộng đồng, của đất nước, chắc chắn họ sẽ muốn lộ diện để giúp ích cho xã hội nhiều hơn. Lúc đó, sẽ có nhiều thương hiệu của tỷ phú Việt Nam được vinh danh trên bảng vàng các doanh nhân thế giới.

Văn Tân