Giải ngân vốn đầu tư công: Cần vượt qua định kiến “vào tay tư nhân”

00:00 12/10/2020

Giải ngân vốn đầu tư công là chủ trương quan trọng, đó là tăng trưởng, là việc làm, là công trình, dự án; chậm giải ngân ngày nào, nền kinh tế thiệt hại ngày đó. Câu hỏi đặt ra, vậy doanh nghiệp tư nhân có thể cùng tham gia vào "cỗ xe tam mã" này không?

 Ảnh minh họa

Nếu nhìn nguồn vốn đầu tư công chiếm khoảng 10,7% tổng giá trị GDP, càng thấy hệ lụy chậm giải ngân vốn đầu tư công khác nào "nút thắt cổ chai đối với nền kinh tế", để lại rất nhiều hậu quả mà ở thời điểm hậu COVID-19, đây là điều khó chấp nhận được khi nhiệm vụ thúc đẩy sản xuất, kích thích tăng trưởng kinh tế như là mệnh lệnh sống còn. Vì thế, lần thứ ba tính từ tháng 9/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục nhắc các địa phương vẫn trì trệ giải ngân vốn đầu tư công, thậm chí ông còn thẳng thắn yêu cầu “anh nào không giải ngân được thì điều chuyển sang đơn vị khác!”. Không thể tái diễn mãi tình trạng không thể nói mà không làm, không thể có tiền mà không tiêu được. 

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, cho rằng: Trong nhiều năm, việc đầu tư công cũng như giải ngân đầu tư công đều có những vấn đề, những điều chưa được như chúng ta mong muốn, cả về tốc độ và hiệu quả. Giải ngân đầu tư công, 2 năm qua rất chậm. Có nhiều lí do như pháp lý, những câu chuyện liên quan đến giải phóng mặt bằng, sự phối hợp các bộ ban ngành, phối hợp với nhà tài trợ….Nhưng có 1 lí do nổi lên là việc sợ trách nhiệm. Nói nôm na là nếu làm đúng theo luật, đúng theo khung khổ pháp lý, đúng theo quy trình thì rất khó khăn. Muốn giải ngân phải có sáng tạo, có cái phải vượt lên, nhưng nhỡ đâu không hiệu quả thì ai chịu?

 TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh

Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng bày tỏ quan điểm rằng: "Nếu doanh nghiệp tư nhân nào làm tốt, đóng góp thiết thực cho đất nước phát triển, đặc biệt những doanh nghiệp công nghệ, nên thưởng huân chương bậc cao cho những doanh nghiệp ấy". Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định:"Chúng ta không hề phân biệt giữa kinh tế tư nhân và nhà nước, chúng ta bình đẳng các thành phần kinh tế".

Sau khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố số vốn đầu tư công được giải ngân đến cuối tháng 8/2020 chỉ mới đạt khoảng 47% kế hoạch, hàng chục bộ ngành và địa phương "xin" trả lại nhiều ngàn tỉ đồng với lý do "không có nhu cầu". TS Trần Đình Thiên - thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng:"Đã đến lúc cần trao cơ hội cho các doanh nghiệp tư nhân tham gia các dự án đầu tư công, bởi nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn có đủ thực lực hoàn thành tốt các dự án".

Việc kêu gọi trao cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư công, có lẽ không chỉ vì việc giải ngân sẽ nhanh gọn hơn, dự án sớm được đưa vào hoạt động, mà hiệu quả đầu tư của dòng vốn tư nhân cũng như những đóng góp của kinh tế tư nhân với sự phát triển chung của nền kinh tế Việt Nam đã được chứng minh trong thực tế. Từ con số 0 tròn trĩnh, khối doanh nghiệp tư nhân, trong đó có những doanh nghiệp nhà nước, đã cổ phần hóa với sự tham gia của vốn tư nhân, nỗ lực vươn lên và đóng góp đến 40% tổng GDP của quốc gia.

 Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong

Theo ông Thành, một nước đang phát triển thì cần rất nhiều vốn, và tỉ lệ đầu tư không phải là nhỏ, khoảng 33-34% tổng GDP. Bài toán tiếp cận vốn tư nhân có nhiều câu chuyện. Có vấn đề tiếp cận vốn tín dụng, vấn đề tiếp cận vốn đầu tư công, ngân sách, trái phiếu chính phủ hoặc là ODA, vấn đề phát triển của thị trường tài chính. Những năm gần đây việc huy động vốn qua thị trường chứng khoán, trái phiếu cổ phiếu tốt hơn, nhưng chắc chắn là nền kinh tế Việt Nam vẫn là nền kinh tế dựa vào ngân hàng nhiều. 

“Nói riêng về vốn Nhà nước thì không hẳn là nghịch lý, mà trên thực tế nhiều năm trước, vốn đầu tư công chủ yếu dành cho doanh nghiệp nhà nước, nhưng những năm gần đây đã mở ra cho khu vực tư nhân qua việc đấu thầu, PPP - đối tác công tư, tiếp cận vốn ODA đã có. Nhưng cùng với đó, quá trình hoàn thiện các khung khổ pháp lý, cách thức thực thi, cho đến nay vẫn chưa được như kì vọng. Tôi cho rằng lí do là những doanh nghiệp tư nhân đủ điều kiện nói chung là ít. Có những hạn chế về vốn, năng lực, nguồn lực...”, ông Thành nhận xét.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định: Nghịch lý lớn đang xảy ra trên bình diện quốc gia, trong khi khu vực kinh tế tư nhân luôn khát vốn đầu tư; nhiều doanh nghiệp chạy đôn chạy đáo tìm cách có được vốn (kể cả với lãi suất cao) để triển khai dự án đầu tư mới hoặc mở rộng, thì ở khu vực công, các dòng vốn ngân sách, thực chất cũng là dòng vốn quý giá xã hội, cứ đủng đỉnh và vô tư chậm tiến độ và được biện minh với mọi lý do đa dạng và bất khả kháng…?! Dù thế nào thì nguyên nhân chủ quan vẫn là quan trọng nhất làm chậm tiến độ giải ngân. Những nguyên nhân chủ quan cần được nhận diện và xử lý nghiêm khắc, đặc biệt là sự chậm trễ trong chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng và trong hoàn tất thủ tục để rút vốn từ Kho bạc. Các đơn vị và cá nhân có biểu hiện vô cảm, nhũng nhiễu, cản trở và tắc trách, tính toán kế hoạch đầu tư công chưa sát thực tế từng bộ, ngành địa phương; đồng thời, chậm trễ trong đốc thúc, thẩm định và tổng hợp các dự án, trong khi các đơn vị và cá nhân có trách nhiệm lập ra các dự án với chất lượng thấp, cốt chỉ để xếp hàng xin vốn, chạy theo chủ nghĩa thành tích hoặc tiếng gọi của lợi ích nhóm, hay tư duy nhiệm kỳ (trong phiên chất vấn và giám sát chuyên đề từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức ngày 15-8-2019 đối với 15 bộ trưởng, trưởng ngành về tình hình thực hiện các nghị quyết, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV, có đại biểu Quốc hội đã đưa ra con số cả nước có gần 1.800 dự án đầu tư công vi phạm thủ tục đầu tư, gây thất thoát lãng phí nguồn lực Nhà nước). Đồng thời, đâu đó còn có hiện tượng đùn đẩy, né tránh và trì hoãn đưa ra các quyết định cần thiết liên quan trong thẩm quyền, vì sợ trách nhiệm hoặc chưa nhận đủ lợi ích cá nhân…

 Ảnh minh họa

“Cả về pháp lý và đạo lý, sự vô cảm và các yếu kém trong quản lý đầu tư của các bộ, ngành địa phương trong thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ liên quan đến giải ngân đầu tư công là vấn đề nghiêm trọng phải được xoá bỏ nhanh và triệt để…”, ông Phong đề nghị.

Theo các chuyên gia, để tháo gỡ nút thắt của sự trì trệ cần rà soát, làm rõ nguyên nhân và kiểm điểm rõ trách nhiệm, xử lý kỷ luật tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm, cản trở, gây chậm trễ trong triển khai thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.

Bộ Kế hoạch & Đầu tư chịu trách nhiệm điều chuyển theo thẩm quyền, hoặc tổng hợp báo cáo Thủ tướng về những dự án không có khả năng giải ngân và thu hồi số vốn không có khả năng giao kế hoạch năm; Bộ Tài chính rà soát, báo cáo Thủ tướng về các vướng mắc trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước và công tác đàm phán hiệp định từ khi Luật Quản lý nợ công năm 2017 có hiệu lực; nguyên nhân và giải pháp khắc phục. Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có trách nhiệm lập danh mục dự án trọng điểm, phân công lãnh đạo theo dõi quyết liệt; đẩy nhanh tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng, đấu thầu và hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục thanh toán. Các đơn vị này được quyền xử lý nghiêm và kịp thời các nhà thầu vi phạm tiến độ, chất lượng xây dựng công trình, vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký kết. Mặt khác, Chính phủ cần rà soát lại danh mục các dự án, chọn ra những dự án cấp bách để tập trung nguồn vốn và chỉ đạo tổ chức thực hiện trước. Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội tại các địa phương cần phát huy vai trò giám sát của mình đối với các dự án đã nằm trong kế hoạch đầu tư công được phê duyệt, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng…

Đặc biệt, để thúc đẩy công tác đầu tư công trong các tháng còn lại của năm 2020, hiện Thủ tướng Chính phủ đã được Quốc hội giao thẩm quyền điều chuyển vốn từ bộ, ngành, địa phương giải ngân thấp sang bộ, ngành, địa phương làm tốt hơn, mục đích là đốc thúc giải ngân và sử dụng vốn hiệu quả. Từ tháng 8/2020, việc điều chuyển vốn của những bộ, ngành, địa phương giải ngân chậm sang bộ, ngành, địa phương làm tốt hơn. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải giải ngân hết 100% vốn đầu tư công năm 2020 theo kế hoạch để góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế…

Cũng theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong: Đẩy nhanh giải ngân đầu tư công những dự án đủ điều kiện và có chất lượng cao là trực tiếp góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ triển khai hiệu quả các chính sách tài khóa, tiền tệ, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và các hiệp định đã ký kết. Với kỳ vọng đón "đại bàng", những doanh nghiệp lớn trên thế giới đến Việt Nam đầu tư làm ăn, ngoài chuyện "lót ổ" bằng hạ tầng hoàn chỉnh, thủ tục đơn giản, nhân lực có trình độ... theo tôi, đã đến lúc mỗi chúng ta phải vượt qua định kiến "vào tay tư nhân".

 Trí An