Công đoàn Việt Nam thời kỳ hội nhập

00:00 12/10/2020

Đề án cải cách tiền lương và bảo hiểm xã hội là một trong số những nội dung được xem xét tại Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII). Những vấn đề được bàn và kết luận tại Hội nghị này sẽ gắn liền với việc đổi mới tổ chức công đoàn cùng với công cuộc hoàn thiện thể chế kinh tế hiện nay, trong đó có việc sửa đổi Bộ luật Lao động. Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP) cùng với EU - Việt Nam FTA, được gọi là những FTA thế hệ mới, điểm đáng chú ý của CPTTP là nhấn mạnh đến quyền lao động.

Tổ chức Công đoàn là chỗ dựa cho người lao động

Thách thức của hội nhập đối với tổ chức Công đoàn Việt Nam

Để bảo vệ tính bền vững của các FTA thế hệ mới đòi hỏi tất cả các nước tham gia phải thông qua và duy trì các quyền được nêu trong Tuyên bố năm 1998 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) theo pháp luật, thể chế và thông lệ của họ. Các FTA thế hệ mới yêu cầu các quốc gia tham gia phải điều chỉnh luật pháp quốc gia cho phù hợp với tám công ước của ILO.

Trong bối cảnh đó, buộc phải làm rõ nội dung tổ chức công đoàn hiện nay đã làm tốt vai trò đại điện cho người lao động (NLĐ) chưa và những vấn đề gì cần đặt ra để giải quyết ? Bởi lẽ, vấn đề đặt ra hiện nay là làm thế nào để đại điện NLĐ và đại điện người sử dụng lao động (NSDLĐ) thực hiện tốt cơ chế ba bên nhằm bảo đảm quan hệ lao động (QHLĐ) được công bằng và tích cực.

Theo quan điểm của ILO, cơ chế ba bên có nghĩa là, nhà nước, NSDLĐ và NLĐ ở bất kể hệ thống các mối QHLĐ nào, đều là những nhóm độc lập, mỗi nhóm thực hiện những chức năng riêng. Đây chính là sự chuyển đổi thành các mối quan hệ xã hội theo các nguyên tắc dân chủ chính trị: tự do, đa số, sự tham gia của mỗi cá nhân vào những quyết định có liên quan tới họ, theo cơ chế hợp tác và chia sẻ trách nhiệm thông qua các cơ quan, tổ chức đại diện chính thức của mỗi bên, để cùng nhau giải quyết những vấn đề phát sinh trong lĩnh vực lao động - xã hội. Vì, một nền kinh tế thịnh vượng và vì một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, nhà nước, NSDLĐ và NLĐ được gọi là các “đối tác xã hội” của cơ chế ba bên, trong đó mỗi đối tác đều có những vai trò nhất định.

Tổ chức Công đoàn Việt Nam ra đời vào nửa đầu thế XX (1929), tồn tại và phát triển gắn liền với công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hiện tại, vị trí Công đoàn Việt Nam được thể hiện trên cơ sở pháp lý, quy định trong các văn bản pháp luật. Khoản 1 Điều 1 Luật Công đoàn Việt Nam năm 1990 quy định: “Công đoàn là thành viên trong hệ thống chính trị xã hội Việt Nam”. Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, các doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài và doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài ngày một nhiều, đòi hỏi Công đoàn phải đổi mới nội dung và phương pháp hoạt động cho phù hợp, phải tập hợp được nhiều đoàn viên, bám sát cơ sở để giữ vững vị trí, phát huy vai trò tích cực của mình.

Công đoàn có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của đất nước, là chỗ dựa cho NLĐ trong mọi thời kỳ với vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ. Lực lượng công nhân, lao động trên cả nước đã đóng góp hơn 65% tổng sản phẩm xã hội và hơn 70% ngân sách trên mọi lĩnh vực của nền kinh tế.

Về mặt hình thức, Công đoàn Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ, không ngừng đổi mới về tổ chức hệ thống, thu hút, tập hợp ngày càng đông đảo số lượng công nhân, viên chức và NLĐ. Những chủ trương đúng đắn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam luôn nhận được sự ủng hộ tích cực của đông đảo đoàn viên, NLĐ trong cả nước. Hiện Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” của Tổng Liên đoàn Lao động đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo Đề án, tổ chức Công đoàn sẽ xây dựng hơn 50.000 căn hộ, 50 nhà trẻ, 50 siêu thị, 50 điểm chăm sóc y tế, 50 trung tâm văn hóa, cơ sở vật chất về thể dục - thể thao, 50 phòng tư vấn pháp luật... Đây là những hành động thể hiện sự quan tâm, tham gia giải quyết thiết thực các nhu cầu cấp thiết, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động tạo sự gắn kết chặt chẽ hơn với đoàn viên và người lao động.

Tuy nhiên, nhìn nhận một cách nghiêm túc và toàn diện, có thể thấy, vai trò của công đoàn hiện nay có phần mờ nhạt, hoạt động không hiệu quả, chưa thực hiện hết chức năng của tổ chức đại điện cho NLĐ. Mô hình tổ chức công đoàn hiện nay còn có nhiều bất cập, một bộ phận cán bộ công đoàn còn nặng tư tưởng bao cấp, hành chính hóa, làm phong trào thuần túy, chậm thích ứng với tình hình mới. Mặt khác, việc sửa đổi các luật có liên quan đang đặt ra một cách tích cực hơn nhằm bảo đảm quan hệ lao động được công bằng và tích cực hơn. Nhất là, khi CPTPP cho phép được thành lập tổ chức đại diện khác của NLĐ,cùng với việc thực hiện liên kết các tổ chức này trong bảo vệ quyền lợi NLĐ. Do đó, tất yếu công đoàn Việt Nam phải đổi mới về tổ chức và hoạt động để phù hợp với hoàn cảnh mới. CPTPP là một hiệp định tự do tiêu chuẩn cao, trong các vấn đề về lao động công đoàn có một vấn đề đáng chú ý, đó là việc được phép thành lập tổ chức đại diện khác của NLĐ bên cạnh Công đoàn Việt Nam, cũng như việc thực hiện quyền liên kết của các tổ chức này trong thời gian nhất định. Theo đó, trong thời gian 5 - 7 năm sau khi CPTPP có hiệu lực, thách thức lớn đặt ra đối với tổ chức công đoàn là ở cấp cơ sở sẽ xuất hiện tổ chức đại diện khác của người lao động hay còn gọi là nghiệp đoàn. Công đoàn Việt Nam khi đó không còn là tổ chức duy nhất đại diện cho người lao động, vấn đề cạnh tranh và thu hút mới đoàn viên công đoàn tất yếu sẽ xảy ra. Việc phát triển đoàn viên và công đoàn cơ sở sẽ gặp khó khăn. Nguồn lực đảm bảo cho hoạt động công đoàn nhất là nguồn lực tài chính sẽ bị chia sẻ và giảm sút. Môi trường hoạt động công đoàn cũng sẽ có thay đổi lớn do quan hệ lao động sẽ có những diễn biến phức tạp.

Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang tổ chức hoạt động ngoài trời cho các Công đoàn cơ sở

Nỗ lực đổi mới, hoạt động hiệu quả là yêu cầu và nhiệm vụ cấp thiết

Trước những thách thức như vậy, Công đoàn Việt Nam cần tích cực, khẩn trương đổi mới phương thức hoạt động, cụ thể và thiết thực để thể hiện rõ vai trò đại diện quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho NLĐ.

Trước hết,Công đoàn Việt Nam tập trung vào các nhiệm vụ chính là tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho cán bộ công đoàn và đoàn viên về cơ hội và thách thức khi chúng ta tham gia ký kết CPTPP. Đồng thời, tích cực đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, tổ chức và hoạt động của công đoàn các cấp theo hướng phải quyết liệt, kịp thời, khoa học, có trọng tâm, trọng điểm, hướng mạnh vào các nhiệm vụ cốt lõi của tổ chức công đoàn, như chăm lo lợi ích, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của NLĐ. Nghĩa là, bằng các hoạt động thực tiễn của mình, công đoàn phải thuyết phục và chứng minh được sự ưu việt về quyền và lợi ích giữa người tham gia tổ chức công đoàn với người không tham gia.

Vấn đề cấp thiết đặt ra là, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phải khẩn trương xây dựng tập trung cho việc gấp rút chuẩn bị cho việc sửa đổi Điều lệ Công đoàn để trình Đại hội đại biểu Công đoàn Việt Nam lần thứ XII, nhằm đổi mới toàn diện tổ chức công đoàn, đáp ứng yêu cầu yêu cầu hội nhập nói chung, hội nhập của tổ chức công đoàn nói riêng. Theo đó, Công đoàn Việt Nam phải xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn thực sự có bản lĩnh, tâm huyết, năng động, sáng tạo và chuyên nghiệp, gắn bó sâu sát với cơ sở, có năng lực tư vấn, thuyết phục, đối thoại, thương lượng và bảo vệ NLĐ, nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn cơ sở thông qua việc xác định rõ nhiệm vụ ở mỗi cấp.

Văn Tân