Cần nâng cao chất lượng luật pháp

00:00 12/10/2020

Ngay sau Kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung triển khai ngay đó là việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội các tháng cuối năm 2016 và năm 2017 đã được Quốc hội thông qua.

Việc triển khai hiệu quả nội dung này là nền tảng, bản lề cho công tác xây dựng luật, pháp lệnh - một trong những nội dung công tác quan trọng của Quốc hội khóa XIV. Nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương, đại diện lãnh đạo các cơ quan trình dự án, cơ quan soạn thảo, cơ quan chịu trách nhiệm thẩm tra cùng các cơ quan, tổ chức hữu quan đều đánh giá rằng việc tổ chức thực hiện tốt các quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 sẽ là điểm mấu chốt giúp thực hiện hiệu quả Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội không chỉ trong cuối năm 2016, năm 2017 mà còn trong các năm tiếp theo của nhiệm kỳ Quốc hội XIV. Triển khai nghiêm túc Luật 2015 Bên cạnh những kết quả to lớn đã đạt được của công tác tác lập pháp, các đại biểu Quốc hội khóa XIII đã nghiêm túc nhìn nhận, chỉ ra những mặt còn tồn tại của công tác này. Những hạn chế được nêu ra đó là Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh phải điều chỉnh nhiều lần; vai trò, trách nhiệm của các cơ quan hữu quan trong nhiều trường hợp chưa được đề cao và phát huy tối đa; công tác phối hợp giữa các cơ quan chưa chặt chẽ, hiệu quả; quy định trong một số đạo luật chưa phản ánh sát thực yêu cầu cuộc sống; văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật ban hành chậm; chậm gửi hồ sơ, tài liệu liên quan đến các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội; một số dự án không bảo đảm tiến độ, chất lượng... biaxay-dung-luat-phap Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác lập pháp, Quốc hội đã có nhiều đổi mới trong hoạt động lập pháp, trong đó mới đây nhất Quốc hội thông qua Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Luật 2015) có hiệu lực từ 1/7/2016, trong đó có nhiều sửa đổi, bổ sung quan trọng so với các quy định trước đây. Theo đánh giá của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định, các nội dung của Luật 2015 cần được quán triệt đầy đủ và triển khai thực hiện nghiêm túc để đảm bảo nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả của công tác xây dựng pháp luật. Chủ nhiệm Nguyễn Khắc Định đề nghị các cơ quan chủ trì soạn thảo cần khẩn trương thành lập Ban soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh mới được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 và 2017. Trong việc chuẩn bị các dự án luật, pháp lệnh cần quan tâm xác định rõ các chính sách, đánh giá tác động cụ thể của từng chính sách; dự kiến nguồn lực, điều kiện bảo đảm cho việc thi hành sau khi dự án được thông qua, bảo đảm dự án trình được cuẩn bị kỹ cả về nội dung và kỹ thuật văn bản, khắc phục tình trạng luật, pháp lệnh quy định chung chung, để lại nhiều nội dung quan trọng cho văn bản dưới luật quy định. Các cơ quan phải có kế hoạch bảo đảm thực hiện đúng quy trình, tiến độ và chất lượng chuẩn bị dự án, dự thảo; thực hiện đúng các quy định của pháp luật về thời hạn gửi dự án, dự thảo đến Bộ Tư pháp, Chính phủ, cơ quan thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội, đồng thời phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội trong suốt quá trình xây dựng dự án luật, pháp lệnh. Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ tham gia ngay từ đầu với cơ quan trình, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra để nâng cao hiệu quả của công tác thẩm tra; phối hợp thực hiện tốt hơn nhiệm vụ giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết trước khi trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua. Cơ quan tham gia thẩm tra đề cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong hoạt động tham gia thẩm tra; tăng cường tính chủ động trong việc thu thập, nghiên cứu thông tin, tư liệu liên quan đến dự án, thể hiện rõ chính kiến đối với các nội dung của dự án luật.    Tăng cường kỷ luật lập pháp Tán thành với giải pháp mà Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu ra, như đánh giá đó là những giải pháp lâu dài, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Ủy ban Tài chính, Ngân sách) cho rằng phải có những giải pháp mang tính đột phá. Theo đại biểu đột phát nhất để thực hiện tốt Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh là phải "tăng cường kỷ luật lập pháp, trong đó phải thực hiện cho nghiêm Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật". Đề cập tới trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu các cơ quan Chính phủ trong việc chỉ đạo việc xây dựng các dự thảo luật, đại biểu Lê Thanh Vân nêu "mỗi bộ trưởng, trưởng ngành phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác xây dựng pháp luật của mình để tăng cường kỷ luật lập pháp". Nhấn mạnh "Chính phủ phải giúp Quốc hội ban hành các luật và tự mình ban hành các nghị định để thực hiện; nhiệm vụ ban hành thể chế phải là trọng tâm trong trách nhiệm của Chính phủ và các bộ trưởng", đại biểu Lê Thanh Vân đề xuất Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên giao cho Ủy ban Pháp luật theo dõi, đánh giá trách nhiệm đôn đốc xây dựng các dự thảo và đề xuất các hình thức chế tài mỗi kỳ họp cuối năm của Quốc hội, đánh giá về hoạt động của các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Chính phủ trước Quốc hội, có như vậy mới đề cao trách nhiệm được và mới chuyển động được"- đại biểu nói. Cùng quan điểm việc triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trong các kỳ họp tới của Quốc hội cần phải thực hiện thật nghiêm Luật 2015, đại biểu Trần Thị Dung (Ủy ban Pháp luật) đề nghị cần kiên quyết thực hiện khoản 2 Điều 11 của Luật 2015 "Dự thảo văn bản quy định chi tiết phải được chuẩn bị và trình đồng thời với dự án luật, pháp lệnh và phải được ban hành để có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của văn bản hoặc điều, khoản, điểm được quy định chi tiết". Đánh giá đây là vấn đề rất khó nhưng đại biểu Trần Thị Dung khẳng định cần nghiêm túc thực hiện quy định này ngay từ bây giờ. Đồng thời Điều 64 của Luật 2015: Hồ sơ và thời hạn gửi hồ sơ dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết để thẩm tra, cũng phải được thực hiện triệt để, đặc biệt tại khoản 2 Điều 64 đã quy định rất chi tiết "Đối với dự án, dự thảo trình Ủy ban thường vụ Quốc hội thì chậm nhất là 20 ngày trước ngày bắt đầu phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội, cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án, dự thảo phải gửi hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều này đến cơ quan chủ trì thẩm tra, Ủy ban pháp luật, Ủy ban về các vấn đề xã hội và cơ quan khác tham gia thẩm tra để tiến hành thẩm tra. Đối với dự án, dự thảo trình Quốc hội thì chậm nhất là 30 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội, cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án, dự thảo phải gửi hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều này đến cơ quan chủ trì thẩm tra, Ủy ban pháp luật, Ủy ban về các vấn đề xã hội và cơ quan khác tham gia thẩm tra để tiến hành thẩm tra.". Việc tuân thủ nghiêm túc, triệt để các nội dung đã được cụ thể hóa tại Luật 2015, sẽ là cơ sở để hoàn thành Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2016, 2017 và những năm tiếp theo.  Quỳnh Hoa