![]() |
Xuất khẩu Trung Quốc sang Mỹ tăng tốc, doanh nghiệp “bàng hoàng nhưng phấn khởi”. |
Sau nhiều tuần tê liệt bởi chính sách thuế đối ứng của Tổng thống Donald Trump, cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu tại Trung Quốc đón nhận thông tin cắt giảm thuế quan từ Mỹ với tâm trạng vừa ngỡ ngàng vừa phấn khởi. Ông Jacob Rothman, đồng sáng lập Velong Enterprises, công ty sản xuất đồ gia dụng cho các chuỗi bán lẻ lớn tại Mỹ như Walmart, mô tả quyết định này là “một khoảng thở quý giá, dù chỉ là tạm thời”.
Theo nội dung thỏa thuận đạt được tại Geneva cuối tuần qua giữa Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong, mức thuế bổ sung đối với hàng hóa Trung Quốc sẽ giảm từ 145% xuống còn 30% trong vòng 90 ngày. Đối với các mặt hàng như đồ dùng nhà bếp, ngành hàng kinh doanh của Velong Enterprises, mức thuế thực tế hiện khoảng 40%, vừa đủ để “duy trì khả năng sống sót”, ông Rothman nói.
Hiệp hội Thương mại điện tử xuyên biên giới Thâm Quyến dự báo lượng hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ sẽ “tăng đáng kể” trong những tuần tới. Nhiều doanh nghiệp đang nhanh chóng chuyển hàng nhằm tận dụng tối đa giai đoạn miễn giảm thuế này.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo rằng sự cải thiện chỉ mang tính tạm thời. “Thỏa thuận này chỉ mua thêm thời gian để hai bên điều chỉnh”, chuyên gia Heron Lim từ Moody’s Analytics nhận định. Các doanh nghiệp vẫn tiếp tục đẩy mạnh kế hoạch đa dạng hóa sản xuất sang các thị trường ngoài Trung Quốc nhằm giảm thiểu rủi ro địa chính trị.
![]() |
Phó thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong (giữa bên trái) và Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Scott Bessent (giữa bên phải) gặp nhau tại Geneva. |
Với thời gian hiệu lực của thỏa thuận chỉ kéo dài ba tháng, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang “chạy đua với thời gian” để kịp xuất hàng sang Mỹ, trước nguy cơ mức thuế cao quay trở lại nếu đàm phán đổ vỡ.
Ông Zhu, quản lý tại công ty logistics Greenroad International, cho biết nhu cầu vận chuyển sang Mỹ “sẽ bùng nổ trong ngắn hạn”. Nhiều công ty logistics tại Thâm Quyến cũng cho biết họ đang bị quá tải đơn hàng, đặc biệt từ các khách hàng Mỹ chuẩn bị cho mùa lễ Tạ ơn và Giáng sinh.
Tại một hiệp hội thương mại ở Phật Sơn, ông Ken Huo chia sẻ rằng một số doanh nghiệp thậm chí đã nhận được chỉ thị từ ban giám đốc ngay sau khi có thông báo từ Geneva: “Gửi hết tất cả hàng tồn kho sang Mỹ lập tức”.
Tuy nhiên, tâm lý thận trọng vẫn bao trùm. Bà Wang Xiaosha – giám đốc công ty sản xuất tranh trang trí tại Phúc Kiến, cho biết doanh nghiệp của bà “không dám” nhận đơn hàng mới từ Mỹ cho đến khi có thỏa thuận ổn định hơn. Vì phần lớn sản phẩm mang tính mùa vụ, nên khách hàng Mỹ thường chốt đơn tại Hội chợ Canton – vốn đã kết thúc trước khi có quyết định giảm thuế, dẫn đến nhiều đơn hàng bị bỏ lỡ.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại Jiangsu XStrap – doanh nghiệp sản xuất phụ kiện xe hơi cho Walmart. “Chúng tôi có thể giải phóng một số hàng tồn đọng, nhưng thuế vẫn là thách thức lớn”, đại diện công ty cho biết.
Tại công ty vận chuyển Super Popular Logistics, lượng đơn hàng từ Mỹ đã giảm 50% trong tháng 4. “Họ mới chỉ ngồi lại với nhau cuối tuần qua… nên tình hình đang phục hồi từ từ”, đại diện công ty chia sẻ.
Đối với các nhà sản xuất lâu năm như Velong, tương lai vẫn còn nhiều ẩn số. CEO Rothman cho biết chiến tranh thương mại đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng và lịch vận chuyển của khách hàng. Dù lệnh giảm thuế giúp giảm áp lực tức thời, nhưng kế hoạch mở rộng sản xuất tại Campuchia và Ấn Độ vẫn được duy trì.
“Thỏa thuận này có thể làm chậm quá trình di cư sản xuất, nhưng không chấm dứt nó. Chúng tôi có khoảng 4-5 tháng để xuất hàng cho mùa tới. Nếu đàm phán tiến triển, có thể các nhà máy tại Trung Quốc – nơi chúng tôi đã đầu tư suốt 20 năm – vẫn có cơ hội được giữ lại”, ông Rothman nói.