![]() |
Phó Thủ tướng Hà Lập Phong – Người dẫn đầu đoàn đàm phán thương mại Trung Quốc là ai? |
Trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Donald Trump, phái đoàn Mỹ từng làm việc với ông Lưu Hạc – một cố vấn kinh tế thân cận với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, từng tốt nghiệp Đại học Harvard và nói tiếng Anh lưu loát. Nhưng ở vòng đàm phán mới lần này, người tiếp quản vai trò trưởng đoàn Trung Quốc là Phó Thủ tướng Hà Lập Phong (He Lifeng) – một nhân vật thân tín lâu năm của Chủ tịch Tập Cận Bình, được kỳ vọng sẽ thể hiện lập trường cứng rắn hơn trong bối cảnh chiến tranh thương mại leo thang.
Theo giới quan sát, Phó Thủ tướng Trung Quốc sẽ không dễ dàng nhượng bộ. Ông Andrew Gilholm, Trưởng bộ phận phân tích Trung Quốc tại Control Risks, nhận định: “Ông ấy có thể là một đối tác khó đối với phía Mỹ. Bắc Kinh sẵn sàng chịu đựng áp lực chính trị lâu hơn Nhà Trắng”.
Theo đó, ông Hà Lập Phong, 70 tuổi, là người đồng hành với Chủ tịch Tập Cận Bình từ thời còn công tác tại Phúc Kiến, và được bổ nhiệm làm Phó Thủ tướng vào tháng 3/2023, khi ông Tập Cận Bình bước vào nhiệm kỳ thứ ba. Với mối quan hệ trực tiếp với Chủ tịch Trung Quốc, Phó Thủ tướng Hà Lập Phong được cho là có đủ thẩm quyền để truyền đạt đúng thông điệp chính sách trong các cuộc đàm phán với Hoa Kỳ.
Khác với ông Lưu Hạc, người từng ủng hộ cải cách thị trường, nói tiếng Anh và gần gũi với tư duy phương Tây, ông Hà Lập Phong mang phong cách điển hình của một nhà kỹ trị Trung Quốc: kín tiếng, quyết đoán, thân thiện vừa phải nhưng tự tin vào sức mạnh quốc gia. Theo những người từng gặp, Phó Thủ tướng Hà gần như không nói tiếng Anh, và thể hiện quan điểm ủng hộ mạnh mẽ với hệ thống doanh nghiệp nhà nước – trụ cột của mô hình kinh tế do Chủ tịch Tập Cận Bình dẫn dắt.
![]() |
Ông Lưu Hạc (trái) bắt tay với Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) vào năm 2020. |
Tuy vậy, trong năm qua, ông Hà đã tăng cường tiếp xúc với các lãnh đạo doanh nghiệp quốc tế. Ông đã gặp gỡ các CEO của các tập đoàn toàn cầu như John Waldron (Goldman Sachs), Albert Bourla (Pfizer), Tim Cook (Apple) và Jensen Huang (Nvidia). Trong các buổi gặp, thái độ của ông dần trở nên “mềm mỏng hơn”, đặc biệt khi kêu gọi các tập đoàn Mỹ gây ảnh hưởng ngược trở lại với chính quyền Washington.
“Việc ông Hà từng làm việc trong hệ thống lập kế hoạch quốc gia, đặc biệt tại Ủy ban Cải cách & Phát triển Quốc gia (NDRC), cho thấy ông không xa lạ gì với các vấn đề thương mại và kinh tế vĩ mô”, chuyên gia Minxin Pei nhận định.
Ông Hà Lập Phong từng giữ chức Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch của NDRC – cơ quan quyền lực chuyên định hướng phát triển dài hạn của Trung Quốc – và là người giám sát những năm đầu triển khai sáng kiến Vành đai – Con đường. Từ cuối năm 2023, ông cũng được giao phụ trách các nhóm công tác cấp cao về giám sát hệ thống tài chính và điều phối chính sách thương mại quốc tế.
Trong phái đoàn lần này, Phó Thủ tướng Hà Lập Phong sẽ được hỗ trợ bởi Thứ trưởng Tài chính Liêu Mẫn – cựu thành viên đội đàm phán của ông Lưu Hạc – và ông Lý Thành Cương, một cựu luật sư học ở châu Âu, hiện là đại diện Trung Quốc tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Cả hai đều nói tiếng Anh thành thạo và có kinh nghiệm sâu rộng về hệ thống luật thương mại quốc tế.
Tuy nhiên, giới phân tích cảnh báo kỳ vọng vào một đột phá là không cao. “Kết quả cuối cùng sẽ vẫn nằm trong tay lãnh đạo cấp cao, không phải ở ông Hà hay ông Bessent”, ông Andrew Gilholm nhận xét.
Theo nhận định của Giang Cao (Gao Jian), chuyên gia chính sách đối ngoại tại Trung tâm An ninh và Chiến lược Quốc tế, Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh xem Bộ trưởng Scott Bessent của Mỹ là một “chuyên gia ôn hòa, có lập trường cân bằng”, trái ngược với một số mang tư tưởng “diều hâu cực đoan” trong chính quyền Washington. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng cho rằng phái đoàn của ông Hà Lập Phong có vẻ chỉ được trao quyền tiến hành tiếp xúc ban đầu, chứ chưa đủ thẩm quyền để bước vào một cuộc đàm phán toàn diện thực sự.
Ngoài ra, Tổng thống Donald Trump đã gợi ý về khả năng giảm thuế từ 145% xuống 80%, nhưng phía Trung Quốc vẫn thể hiện thái độ cứng rắn. “Chính sách thỏa hiệp không thể đổi lấy hòa bình, cũng không giành được sự tôn trọng”, một chuyên gia đối ngoại ở Thượng Hải trích dẫn quan điểm nội bộ của Bắc Kinh.