![]() |
Thuế quan thúc đẩy doanh nghiệp Trung Quốc đẩy mạnh tự chủ công nghệ. |
Các doanh nghiệp Trung Quốc đang tăng tốc loại bỏ linh kiện và nguyên liệu nhập khẩu khỏi chuỗi cung ứng của mình, trong bối cảnh căng thẳng thương mại với Mỹ khiến xu hướng “tách rời” giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới ngày càng rõ nét.
Chỉ vài tuần sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế trừng phạt mới với hàng hóa Trung Quốc, hơn 20 công ty niêm yết tại Thượng Hải và Thâm Quyến đã công bố với nhà đầu tư rằng họ đang tăng cường nội địa hóa nguồn cung, hoặc dự kiến được hưởng lợi từ việc các đối tác chuyển sang mua hàng trong nước.
Các công bố này được tờ Financial Times xem xét từ báo cáo tài chính của các công ty trong ngành bán dẫn, hóa chất và thiết bị y tế. Điều này là minh chứng cho tác động lâu dài của cuộc chiến thuế quan có thể làm thay đổi vĩnh viễn cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tự chủ công nghệ và sản xuất từ lâu đã là ưu tiên chiến lược của Bắc Kinh, thể hiện qua chính sách "Made in China 2025", và chiến lược "lưu thông kép" của Chủ tịch Tập Cận Bình – vừa củng cố thị trường trong nước, vừa duy trì liên kết chọn lọc với thế giới.
Hiện nay, các chính sách này càng được đẩy mạnh bởi áp lực từ thuế quan Mỹ (lên tới 145%) và các biện pháp trả đũa của Bắc Kinh (thuế lên đến 125%).
Bà Camille Boullenois, chuyên gia tại Rhodium Group, cho biết: “Họ đang thực sự cảm nhận được sự cấp bách. Thuế quan của Mỹ sẽ là động lực buộc Trung Quốc đẩy nhanh quá trình tự lực về công nghệ”.
Ngoài ra, một số nguồn tin thân cận với giới hoạch định chính sách Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh coi căng thẳng hiện tại là bằng chứng cho thấy chiến lược tự cường là đúng đắn, và tin rằng nền kinh tế nước này đủ sức chống chọi mà không cần phụ thuộc vào công nghệ từ Mỹ hoặc phương Tây.
Nhiều công ty Trung Quốc đang không chỉ ngừng nhập khẩu, mà còn chủ động thay thế hoàn toàn các nhà cung cấp nước ngoài. Hãng chế tạo robot công nghiệp Estun Automation cho biết đang chiếm lĩnh dần khách hàng vốn thuộc về các thương hiệu ngoại, đồng thời cải tiến chuỗi cung ứng nhằm “tăng tỷ lệ thay thế nguyên liệu nội địa”.
“Cắt giảm phụ thuộc vào nhập khẩu không chỉ vì cuộc chiến thương mại. Tình hình kinh tế toàn cầu vốn đã đầy bất ổn. Chúng tôi cần chủ động thay đổi”, một quản lý của Estun chia sẻ.
Bên cạnh đó, tập đoàn sản xuất thiết bị cứu hộ quốc doanh China Harzone cũng cho biết đang nâng tỷ lệ sử dụng linh kiện nội địa, đồng thời phát triển mô hình “lưu thông kép” nhắm vào thị trường Đông Nam Á, châu Phi và Nam Mỹ.
Ngay cả trong những ngành có tính toàn cầu cao như bán dẫn, xu hướng chuyển dịch này cũng đang rõ rệt. Công ty vật liệu silicon Thinkon Semiconductor (Liêu Ninh) tuyên bố sẽ dừng nhập các hóa chất từ Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu để giảm rủi ro chuỗi cung ứng.
Ở mảng cơ khí, công ty SUND Technological (Hồ Nam) cho biết đã nhận nhiều yêu cầu từ khách hàng muốn thay thế vòng bi nhập khẩu từ Mỹ bằng hàng sản xuất trong nước.
“Tất cả đang nói đến ‘thay thế nội địa’. Quá trình này có thể không diễn ra trong ngày một ngày hai, nhưng sẽ là xu hướng không thể đảo ngược”, đại diện doanh nghiệp SUND nhận định.
Dù nội địa hóa có thể giúp Trung Quốc tăng cường độc lập sản xuất, một số chuyên gia cảnh báo rằng chính sách “Made in China 2025” cũng đã từng gây mất cân đối đầu tư, và thổi bùng căng thẳng thương mại với đối tác nước ngoài – đặc biệt là Mỹ và châu Âu.
![]() |
![]() |
![]() |