![]() |
“Tiến triển đáng kể” sau cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung. |
Sau hai ngày đàm phán căng thẳng tại Thụy Sĩ, cả hai phía Mỹ và Trung Quốc đều tuyên bố đã đạt được “tiến triển đáng kể”, đánh dấu bước đi đầu tiên nhằm tháo ngòi cuộc chiến thuế quan kéo dài giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong gọi kết quả lần này là “một bước khởi đầu quan trọng”. Hai bên đồng ý thiết lập một cơ chế đàm phán mới do Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và ông Hà đồng chủ trì, với mục tiêu tiếp tục giảm căng thẳng và hướng tới các thỏa thuận cụ thể hơn.
Mặc dù chưa có biện pháp giảm thuế nào được công bố ngay lập tức, ông Bessent cho biết phía Mỹ sẽ công bố chi tiết vào thứ Hai (12/5), trong khi Trung Quốc hứa sẽ phát đi tuyên bố chung chính thức.
“Như người Trung Quốc vẫn nói, nếu món ăn ngon thì thời điểm thưởng thức cũng không còn quan trọng”, Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Lý Thành Cương (Li Chenggang) chia sẻ với báo giới.
Ngoài ra, cả hai phái đoàn đều thể hiện thiện chí hợp tác. Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer nhận định: “Việc nhanh chóng đạt được thỏa thuận ban đầu cho thấy khoảng cách thực tế giữa hai bên có thể không quá lớn như nhiều người nghĩ”.
![]() |
Đoàn đàm phán Trung Quốc sau cuộc gặp hôm thứ Bảy (10/5) tại Geneva, Thụy Sĩ. |
Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang chưa từng có. Tổng thống Donald Trump đã nâng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc lên mức kỷ lục 145%, với lý do liên quan đến vai trò của Bắc Kinh trong chuỗi cung ứng fentanyl, thặng dư thương mại quá lớn, và các biện pháp trả đũa từ Trung Quốc. Phía Bắc Kinh cũng đáp trả bằng mức thuế 125% đối với hàng Mỹ.
Sau nhiều tháng giằng co không nhượng bộ, hai bên rốt cuộc phải thừa nhận cần hạ nhiệt. Áp lực từ cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các nhà bán lẻ Mỹ lo ngại về tình trạng thiếu hụt hàng hóa diện rộng, đã góp phần đẩy nhanh tiến trình đàm phán.
Tuy nhiên, không phải mọi tín hiệu đều thuận lợi. Ngay trước phiên đàm phán, ông Trump viết trên mạng xã hội Truth Social rằng mức thuế “80% với Trung Quốc nghe có vẻ hợp lý”, đồng thời khẳng định quyết định cuối cùng sẽ do Bộ trưởng Bessent đề xuất. Sau ngày đầu tiên, ông lại tiếp tục đăng: “Đã có tiến triển lớn. Đàm phán diễn ra trong tinh thần thân thiện nhưng cương quyết”.
Đáng chú ý, Tổng thống Donald Trump nói với báo giới rằng ông có thể sẽ nói chuyện với người đồng cấp Trung Quốc sau cuộc họp ở Thụy Sĩ, tùy thuộc vào lời cố vẫn của Bộ trưởng Scott Bessent.
Phía Trung Quốc cũng chuẩn bị kỹ lưỡng trước đàm phán, với Phó Thủ tướng Hà Lập Phong dẫn đầu, cùng các nhân sự chủ chốt có tiếng nói lớn trong hoạch định chính sách thương mại và đầu tư quốc tế. Tuy nhiên, dữ liệu gần đây cho thấy kinh tế Trung Quốc vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức nội tại.
Đây là lần đầu tiên Mỹ và Trung Quốc nối lại đàm phán thương mại cấp cao kể từ khi Tổng thống Trump phát động hàng loạt thuế đối ứng trong “Ngày Giải phóng” vào tháng 4/2025. Trước đó, hai nước từng ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn một vào tháng 1/2020, với cam kết từ Bắc Kinh về việc mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ Mỹ. Tuy nhiên, phía Mỹ cáo buộc Trung Quốc không thực hiện đúng cam kết, đặc biệt trong nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden.
Hiện tại, dù chưa có thay đổi cụ thể về thuế, việc nối lại đối thoại trực tiếp được đánh giá là bước ngoặt quan trọng, nhất là khi dư địa cho đàm phán trong năm 2025 đang ngày càng thu hẹp do áp lực chính trị và bầu cử tại Mỹ.