Xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào điện thoại

00:00 12/10/2020

Nếu như không tính mặt hàng điện thoại và linh kiện, xuất khẩu cả nước đạt 117,8 tỷ USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ (cao hơn 1,1% so với mức tăng 7,5% của xuất khẩu khi tính cả mặt hàng điện thoại).

Đây là số liệu được Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nêu ra tại Báo cáo tình hình quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất nhập khẩu trong 7 tháng đầu năm 2019 và kế hoạch trong  5 tháng cuối năm 2019. Cơ quan này đánh giá, xuất khẩu của Việt Nam đang phụ thuộc nhiều vào mặt hàng điện thoại. 

Theo báo cáo trên, tính đến hết tháng 7/2019, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 145,13 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2018. 7 tháng đầu năm 2019, đã có 24 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD. Có tới 33/45 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm 2018.

Mức tăng trưởng này tuy có phần chậm lại so với cùng kỳ năm 2018 (7 tháng năm 2018 tăng 16% so với cùng kỳ năm 2017) nhưng vẫn có thể đạt chỉ tiêu của Quốc hội là tăng trưởng xuất khẩu từ 7%-8% trong năm 2019.

Kết quả xuất khẩu của Việt Nam cũng là tích cực nếu so sánh với kết quả xuất khẩu của nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Kim ngạch xuất khẩu của các nước hầu hết đều giảm hoặc chỉ đạt mức tương đương so với cùng kỳ.

Theo số liệu từ WTO, xuất khẩu của Trung Quốc 6 tháng đầu năm 2019 đạt 1.171,2 tỷ USD, tăng 0,1% so với cùng kỳ; của Brazil đạt 109,8 tỷ USD, giảm 3,5%.

Các nước trong khu vực mới chỉ cập nhật số liệu 4-5 tháng của năm 2019, nhưng nhìn chung đều chịu sự giảm sút của xuất khẩu: Thái Lan 5 tháng đạt 101,6 tỷ USD, giảm 3,1% (Chính phủ Thái Lan đang xin điều chỉnh mục tiêu phấn đấu tăng trưởng xuất khẩu từ 6% xuống mức 0%); Singapore 5 tháng đạt 162 tỷ USD, giảm 3,3%; Malaysia 4 tháng đạt 78,4 tỷ USD, giảm 4,7%; Indonesia 4 tháng đạt 53,7 tỷ USD, giảm 8,7%.

Tuy nhiên, vẫn còn những điểm lưu ý, đó là kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng quá thấp. Xuất khẩu sang Trung Quốc 6 tháng năm 2019 chỉ đạt 16,68 tỷ USD, tăng 0,3% (tương đương mức tăng 42,7 triệu USD).

Xuất khẩu sang Trung Quốc tăng quá thấp một phần đến từ nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc giảm do tình hình kinh tế trong những tháng đầu năm 2019 không khởi sắc. Xung đột thương mại Mỹ-Trung làm nhiều doanh nghiệp Trung Quốc không có đơn hàng mới, phải cắt giảm nhân công, tác động mạnh đến thu nhập và sức tiêu dùng của người dân Trung Quốc. Ngoài ra, đồng nhân dân tệ yếu đi cũng làm hàng hóa nước ngoài đắt lên tương đối.

Xét về mặt hàng, có 2 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc giảm mạnh là điện thoại và gạo: Xuất khẩu điện thoại giảm 549 triệu USD, đóng góp lớn nhất vào sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này.

Xuất khẩu gạo cũng giảm mạnh so với cùng kỳ, cụ thể giảm 329,3 triệu USD. Nguyên nhân là thời gian gần đây, tồn kho gạo mùa vụ cũ của Trung Quốc ngày càng lớn, tăng từ 76 triệu tấn mùa vụ năm 2014/2015 lên 113 triệu tấn mùa vụ 2018/2019, kéo theo tỷ lệ tồn kho/sử dụng tăng từ 54% niên vụ 2014/2015 đến 79% niên vụ 2018/2019. Do vậy, Trung Quốc vừa đẩy mạnh xuất khẩu gạo vụ cũ, vừa giảm mạnh nhập khẩu.

 

Xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu mặt hàng điện thoại (Ảnh: Internet) 

Cùng với thị trường Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU cũng giảm so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu sang thị trường EU 6 tháng đầu năm 2019 đạt 20,5 tỷ USD, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm 2018.

Đặc biệt, Cục Xuất nhập khẩu cho biết, xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu mặt hàng điện thoại. Xuất khẩu dựa nhiều vào mặt hàng điện thoại nên khi xuất khẩu mặt hàng điện thoại và linh kiện tăng không cao đã kéo tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chung chậm lại, cũng như làm kết quả xuất khẩu sang một số thị trường như EU, Trung Quốc giảm mạnh.

Nếu như không tính mặt hàng điện thoại và linh kiện, xuất khẩu cả nước đạt 117,8 tỷ USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ (cao hơn 1,1% so với mức tăng 7,5% của xuất khẩu khi tính cả mặt hàng điện thoại).

Đồng thời, trong 7 tháng đầu năm 2019, có tới 6/9 mặt hàng xuất khẩu chính trong nhóm hàng nông sản, thủy sản có kim ngạch xuất khẩu giảm là thủy sản (ước 4,64 tỷ USD, giảm 1,9%), rau quả (ước 2,32 tỷ USD, giảm 0,3%), hạt điều (ước 1,77 tỷ USD, giảm 11%), gạo (ước 1,71 tỷ USD, giảm 14%), cà phê (ước 1,83 tỷ USD, giảm 18,7%) và sắn (ước 517 triệu USD, giảm 12,7%).

Tính chung nhóm hàng nông sản, thủy sản 7 tháng đầu năm, tác động giảm do giá đã làm giảm kim ngạch xuất khẩu 1,22 tỷ USD, trong khi tác động tăng về lượng xuất khẩu chỉ giúp tăng 288 triệu USD, không đủ bù lại tác động do giá xuất khẩu giảm.

Theo Cục Xuất Nhập khẩu, có nhiều nguyên nhân làm xuất khẩu nông sản, thủy sản giảm như: Tình trạng cung vượt cầu, tồn kho của thế giới ngày càng lớn của một số mặt hàng kéo giá xuất khẩu giảm trong khi lượng cũng không tăng; Chủ nghĩa bảo hộ diễn biến ngày càng rõ ràng, phức tạp hơn. Tác động của cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung tới xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và cả một số thị trường khác; và xuất khẩu vẫn còn khả năng tăng trưởng nhờ thị trường nước ngoài được mở rộng; tuy nhiên nếu không giải quyết được vấn đề về kiểm dịch động, thực vật, kiểm dịch vệ sinh an toàn chất lượng thì xuất khẩu nhóm hàng này cũng khó có đột biến.

Lê Thúy