Xuất khẩu nông sản: Bài toán gia tăng giá trị

00:00 12/10/2020

Dù xuất khẩu nhóm hàng nông sản liên tục gặt hái được nhiều kết quả khả quan trong thời gian qua; tuy nhiên, vẫn còn tồn tại chưa tháo gỡ được, nhất là vấn đề chất lượng, thương hiệu và giá trị gia tăng.

Chế biến sâu để tăng giá trị xuất khẩu nông sản

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) giá trị xuất khẩu nhóm hàng nông sản trong 9 tháng 2018 đạt 15,1 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, do sản phẩm chủ yếu xuất thô nên giá trị gia tăng chưa cao; vẫn tồn tại tình trạng khó tiêu thụ, dư nguồn cung do quy trình sản xuất còn nhỏ lẻ. Vấn đề truy xuất nguồn gốc và đặc biệt là ứng dụng công nghệ trong sản xuất, truy xuất, xác thực nguồn gốc, đáp ứng các rào cản kỹ thuật của thị trường nội địa và cả xuất khẩu còn nhiều hạn chế...

Ông Phạm Thái Bình - Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An - cho rằng, điểm yếu lớn nhất hiện nay của ngành lúa gạo là vùng nguyên liệu. Mặc dù từ chủ trương của Chính phủ, quy hoạch của Bộ NN&PTNT cho tới hướng liên kết của nhiều doanh nghiệp (DN) đều đang đi đúng hướng song hiệu quả vẫn chưa cao. Nguyên nhân là do các DN còn thiếu vốn để đầu tư sản xuất, nguyên liệu còn người nông dân vẫn chưa thực sự tin tưởng vào liên kết này, đôi khi còn phá vỡ hợp đồng để bán cho thương lái với giá cao. “Để có thể xuất khẩu được 130 ngàn tấn gạo/năm cần 260 ngàn tấn lúa (tương đương với diện tích khoảng 25.000 ha lúa canh tác) nhưng Trung An mới chỉ quy hoạch được 7.000 ha, số còn lại buộc phải thu mua từ các hộ nông dân trong vùng, dẫn tới những lo lắng về chất lượng không đồng nhất” – ông Bình chỉ rõ.

Tại Hội nghị Thúc đẩy DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì vào cuối tháng 7/2018 tại tỉnh Lâm Đồng, Thủ tướng đã đặt hàng cho ngành nông nghiệp trong 10 năm tới phải đứng vào top 15 các nước phát triển nhất thế giới, trong đó lĩnh vực chế biến nông sản đứng vào top 10 thế giới. Nông nghiệp Việt Nam là một trung tâm chế biến sâu của nông nghiệp thế giới, là một trung tâm logistics của thương mại nông sản toàn cầu.

Đây quả là mục tiêu không mấy dễ dàng. Nhiều chuyên gia và DN cho rằng, cần phải có sự liên kết giữa người nông dân và DN. Các DN có thể tìm hiểu nhu cầu thị trường sau đó đặt hàng người nông dân sản xuất. Mối liên kết phải đảm bảo hai bên cùng có lợi, DN không được bỏ rơi người nông dân, không giành việc của họ, giúp họ làm giàu và tăng thêm thu nhập. Hơn hết, Việt Nam cần phải có nhiều hơn nữa các nhà máy chế biến nông sản với công nghệ hiện đại để tăng giá trị cho mặt hàng này.

Chứng minh cho điều đó, ông Phạm Ngô Quốc Thắng - Tổng giám Lavifood (Long An) - cho biết, công ty đã đầu tư nhà máy 1.500 tỷ đồng bằng công nghệ của Ý, Đức và hiện sản xuất không đủ hàng để xuất khẩu. Còn Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Vinamit Nguyễn Lâm Viên cho hay, sau thời gian thử nghiệm thành công, Vinamit sắp tung ra thị trường sản phẩm cà phê tươi và nước mía ép đông khô. Các sản phẩm được sản xuất bằng công nghệ sấy đông khô (frezze dried) hoàn toàn giúp giữ và kéo dài 100% chất lượng sản phẩm ở thời điểm ngon nhất, có thể lưu trữ ở điều kiện bình thường trong thời gian dài.

Theo các chuyên gia, khó khăn lớn nhất trong phát triển chuỗi giá trị nông sản là khó lựa chọn, tìm kiếm được DN đầu tàu, dám đồng hành cùng nông dân, đặc biệt là nông dân nghèo, sản xuất nhỏ, vùng sâu, vùng xa.

Ngọc Thảo- Thùy Dương