Xu hướng áp dụng ESG - Đòn bẩy cho sự chuyển đổi của doanh nghiệp

16:02 15/10/2021

Nhìn từ thế giới, xu hướng chuyển đổi hoạt động kinh doanh dựa trên tiêu chí ESG đang được các nước hướng tới và đây có thể là lời giải cho doanh nghiệp Việt Nam trong mục tiêu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

ESG là một đòn bẩy cho sự chuyển đổi cùng với các đòn bẩy khác như số hóa và quốc tế hóa. Nguồn: Internet

ESG là một đòn bẩy cho sự chuyển đổi cùng với các đòn bẩy khác như số hóa và quốc tế hóa. Nguồn: Internet.

Trong những năm gần đây, chúng ta đã thấy một phong trào toàn cầu hướng tới đầu tư tập trung vào ESG (Environmental, Social and Corporate Govermance - Môi trường, Xã hội và Quản trị doanh nghiệp) diễn ra mạnh mẽ. Nhận thức đã tiếp tục lan rộng, với nhiều doanh nghiệp đã nhận ra rằng việc tích hợp các chỉ tiêu ESG trong hoạt động kinh doanh là điều cần thiết để đảm bảo tăng trưởng dài hạn.

Nắm bắt tiềm năng của chuyển đổi ESG

Đầu tư có trách nhiệm với xã hội, hay còn gọi là đầu tư ESG đang là một xu hướng bùng nổ trong thời gian gần đây. Theo khái niệm ESG, nó thường bao gồm nhiều yếu tố, chẳng hạn như tác động của một công ty đến môi trường, bao gồm tác động đến biến đổi khí hậu và hiệu quả năng lượng; hoặc tác động của công ty đối với xã hội, bao gồm sự hài lòng của khách hàng đối với công ty, bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư; về quản trị doanh nghiệp, nó phụ thuộc vào quản trị rủi ro, chính sách với người lao động và đạo đức kinh doanh trong công ty. Các nghiên cứu đã chỉ ra các doanh nghiệp quan tâm đến ESG thường tạo ra kết quả vượt trội so với đối thủ cạnh tranh trong dài hạn. Một số ưu thế khi thực hiện tốt ESG có thể kể đến: phát triển bền vững, giảm chi phí vốn, giảm thiểu rủi ro kinh doanh, tăng cường vị thế cổ đông, cơ hội tiếp cận nguồn vốn dài hạn, nâng cao hiệu quả hoạt động và danh tiếng doanh nghiệp…

Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký VCCI, Tổng thư ký kiêm Phó Chủ tịch điều hành Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam. Ảnh: Enternews.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký VCCI, Tổng thư ký kiêm Phó Chủ tịch điều hành Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam. Ảnh: Enternews.

Trả lời với phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập, ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký VCCI, Tổng thư ký kiêm Phó Chủ tịch điều hành Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam nhận định: “Kinh doanh theo phương thức truyền thống, tức là tối đa hóa lợi nhuận bằng mọi cách đã không còn là sự lựa chọn tối ưu nữa, gần đây khi nói đến vai trò của một doanh nghiệp, người ta không chỉ nhấn mạnh đến việc tạo ra lợi nhuận, giá trị về mặt kinh tế, mà người ta còn nhấn mạnh về vai trò của doanh nghiệp trong vấn đề về tạo công ăn việc làm, xây dựng mô hình kinh doanh mới, tạo ra nhiều phương thức kinh doanh sáng tạo hơn nữa  và trách nhiệm đối với vấn đề về xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội cũng như bảo vệ môi trường”.

Các nhà đầu tư ngày nay trở nên ưa chuộng xu hướng đầu tư dựa trên đánh giá các tiêu chí ESG, đặc biệt là khi nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với đại dịch COVID-19, từ đây đã thúc đẩy làn sóng mới về quá trình chuyển  đổi của doanh nghiệp: Chuyển đổi ESG.

Cũng giống như chuyển đổi kỹ thuật số, chuyển đổi ESG có tiềm năng giúp cải tiến cách thức tổ chức lập kế hoạch, triển khai hoạt động tại doanh nghiệp cũng như tiến đến một chiến lược kinh doanh lâu dài và bền vững. Đối với lĩnh vực kỹ thuật số, đôi khi chính bởi sự đắn đo của một số doanh nghiệp khiến họ bị những đối thủ tham vọng hơn vượt qua – những người nắm bắt cơ hội nhanh hơn trong việc áp dụng kỹ thuật số vào hoạt động kinh doanh. Kỹ thuật số không chỉ cho phép mọi công việc của một doanh nghiệp được diễn ra nhanh hơn mà còn có thể thay đổi những gì mà doanh nghiệp đang làm. Điều này cũng đúng với ESG, việc chú trọng vào ESG sẽ giúp doanh nghiệp trở nên thu hút và phát triển mạnh mẽ hơn.

Hiện nay, việc chuyển đổi kỹ thuật số vẫn đang trong quá trình thực hiện với hầu hết các công ty, chính vì vậy việc chuyển đổi sang một quy trình chuyển đổi khác nữa như ESG có vẻ sẽ khó khăn. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định, việc trì hoãn chuyển đổi ESG sẽ tạo ra rủi ro đối với một doanh nghiệp,  làm cho doanh nghiệp đó quanh quẩn với những mô hình kinh doanh cũ mà không thể tạo ra những đột phá hoặc giá trị lâu dài. Ngoài ra, điều này cũng khiến các chủ doanh nghiệp không thể quản lý được những rủi ro và cảm thấy lạc lõng trong cuộc đua cạnh tranh trên thị trường.

Các chuyên gia đều thừa nhận rằng ESG là một đòn bẩy cho sự chuyển đổi cùng với các đòn bẩy khác như số hóa và quốc tế hóa. Ngày càng nhiều doanh nghiệp điều chỉnh chiến lược đầu tư để thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu gắn với trách nhiệm xã hội.  

Ông Vinh đánh giá: “Một doanh nghiệp bền vững hiện nay phải là một doanh nghiệp làm ăn có lãi, tạo ra nhiều lợi nhuận kinh tế, chia ra nhiều cổ tức cho các cổ đông nhưng đồng thời phải tạo ra những giá trị về mặt xã hội, những mô hình kinh doanh mới, tạo ra nhiều công ăn việc làm và phải hướng tới việc bảo vệ môi trường”.

Xu hướng áp dụng chỉ tiêu ESG tại các quốc gia

Thực tế trên thế giới, các chính sách và hoạt động ESG là một trong những nhân tố quan trọng tạo nên giá trị lâu dài của doanh nghiệp. Đây cũng là lý do chính khiến ESG nhanh chóng trở thành xu hướng, nhất là khi có những nghiên cứu chỉ ra rằng, quản trị công ty tốt có liên quan tới kết quả hoạt động tốt.

Theo Morningstar, Hà Lan là quốc gia dẫn đầu về ESG. Trong khi đó, Pháp đã vượt qua Thụy Điển và Phần Lan để giành vị trí thứ hai trên bảng xếp hạng. Điều này chủ yếu là do các công ty lớn như hãng hàng xa xỉ LVMH và nhà cung cấp thiết bị điện Schneider Electric, cả hai đều được xếp vào nhóm hoạt động tốt trong việc thực hiện chỉ tiêu ESG. Phần Lan đứng thứ ba nhờ các công ty như Nokia, công ty dẫn đầu trong ngành phần cứng công nghệ toàn cầu.

ác công ty công nghệ lớn là đã có những tham vọng để thúc đẩy mục tiêu phát triển bền vững
Các công ty công nghệ lớn là đã có những tham vọng để thúc đẩy mục tiêu phát triển bền vững.

Mỹ đứng thứ 13, các công ty công nghệ lớn là đã có những tham vọng để thúc đẩy mục tiêu phát triển bền vững. Amazon đã cam kết trở thành công ty trung hòa carbon vào năm 2040, Microsoft cam kết “âm carbon” (lượng khí thải giảm được nhiều hơn lượng khí thải phát ra) vào năm 2030, trong khi Google đã mua đủ năng lượng gió và năng lượng mặt trời để cung cấp năng lượng cho 500 triệu ngôi nhà ở châu Âu. Riêng các quỹ ESG chiếm khoảng 1/4 lượng tiền chảy vào tất cả các quỹ tương hỗ, trái phiếu và cổ phiếu của Mỹ, đây là bước nhảy vọt lớn so với chỉ 1% vào năm 2014. Cũng trong năm 2020, tại Mỹ ghi nhận gần 400 quỹ đầu tư ESG, tăng 30%, đồng thời gấp 4 lần trong một thập kỷ. Nhà đầu tư tỏ ra hào hứng với khái niệm đầu tư ESG. Giờ đây, những lo ngại về sự phát triển bền vững có thể được giải quyết thông qua các khoản đầu tư có chọn lọc. Viện Tài chính Quốc tế dự báo tốc độ gia tăng tài sản tại các quỹ ESG sẽ nhanh hơn trong năm 2021, nhất là khi Tổng thống đắc cử của Mỹ Joe Biden thực hiện chương trình nghị sự bảo vệ môi trường.

Số lượng quỹ đầu tư ESG tại Mỹ tăng gấp 4 lần trong 1 thập kỷ. Ảnh: Morningstar
Số lượng quỹ đầu tư ESG tại Mỹ tăng gấp 4 lần trong 1 thập kỷ. Ảnh: Morningstar.

Ngày nay, nhiều công ty châu Á vẫn còn  tụt hậu so với các khu vực khác trên thế giới về công bố ESG. Các doanh nghiệp châu Á nhìn chung cũng có xu hướng có xếp hạng áp dụng ESG thấp hơn so với các doanh nghiệp ở châu Âu và Bắc Mỹ. Điều này phản ánh mức độ tăng trưởng kinh tế vẫn chiếm ưu thế trong các chương trình nghị sự quốc gia khác nhau ở khu vực này.

Trong bối cảnh kỳ vọng của người tiêu dùng ngày càng tăng và chính phủ kêu gọi các doanh nghiệp tập trung vào các vấn đề bền vững, một số chính phủ đã tiến hành tích hợp tính bền vững trong chương trình nghị sự quốc gia của họ. Ví dụ, Kế hoạch Xanh 2030 của Singapore  được công bố vào tháng 2 năm nay bao gồm các sáng kiến ​​ nhằm khuyến khích khử cacbon trong lĩnh vực hàng hải, hàng không, năng lượng và hóa chất, và các bước thúc đẩy tài chính xanh cũng như thúc đẩy phát triển bền vững.

Hay lần đầu tiên kể từ năm 1986, Trung Quốc đã bỏ qua mục tiêu về tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong kế hoạch 5 năm mới nhất của họ, bao gồm từ 2021 đến 2025, thay vào đó đặt ra các mục tiêu khí hậu dài hạn hơn và đưa ra ý tưởng về giới hạn lượng phát thải carbon. .

Trong khi đó, tại Nhật Bản, một chiến lược tăng trưởng xanh để đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2050 bao gồm các kế hoạch thúc đẩy năng lượng tái tạo, loại bỏ ô tô chạy bằng xăng và giảm chi phí pin. Các nỗ lực nhằm khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp áp dụng các thực hành bền vững cũng đang được từng bước tiến hành.

ESG - Lời giải cho doanh nghiệp Việt Nam hướng tới phát triển bền vững

Ở Việt Nam, các doanh nghiệp gần đây cũng đã hướng quan tâm nhiều hơn đến ESG, bởi đó chính là xu hướng và thông lệ tốt trên thế giới. Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) thậm chí đã bắt đầu truyền thông rộng rãi khái niệm này từ cách đây 10 năm. Tundra Frontier, quỹ chuyên đầu tư vào các thị trường cận biên cũng tập trung vào đầu tư ESG ngay từ khi thành lập. Mới đây nhất, Quỹ AFC Vietnam Fund thông tin sẽ bắt đầu áp dụng tám tiêu chí ESG để đánh giá cơ hội đầu tư vào doanh nghiệp kể từ năm 2021. Dragon Capital đã cải tiến chính sách ESG và phát triển khung đánh giá ESG mới dành cho các công ty niêm yết.

Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) cũng đã đưa ra chỉ số phát triển bền vững Việt Nam (Substainability Index - VNSI) vào tháng 7/2017 nhằm chọn ra 20 doanh nghiệp có thực hành ESG tốt nhất.

Cách đây vài năm, các quỹ đầu tư đã rút khỏi một doanh nghiệp tiếng tăm vì vi phạm về bảo vệ môi trường khi phá rừng. Hay gần đây hơn là xôn xao việc một số doanh nghiệp tận dụng dịch Covid-19 để nâng giá hàng hóa cũng có thể mang lại cái nhìn thiếu thiện cảm cho xã hội và ảnh hưởng đến quan hệ cộng đồng. Thực tế là giá cổ phiếu của doanh nghiệp này sau đó đã giảm sàn vì bị bán tháo sau những thông tin tiêu cực trên.

Trong bối cảnh đại dịch hiện nay, việc có nhiều doanh nghiệp hoạt động theo tiêu chuẩn ESG, trong đó đề cao sự chia sẻ càng thật sự cần thiết. Dù kinh doanh vì lợi nhuận là mục tiêu xuyên suốt vì những áp lực từ cổ đông, nhưng rõ ràng doanh nghiệp cũng phải xem trọng mối quan hệ với khách hàng và những đóng góp cho xã hội, nhất là trong những thời điểm như hiện nay.

ESG có ý nghĩa quan trọng đối với một doanh nghiệp trong hành trình kinh doanh lâu dài. Ảnh: Internet
ESG có ý nghĩa quan trọng đối với một doanh nghiệp trong hành trình kinh doanh lâu dài. Ảnh: Internet.

Đánh giá chung thì đầu tư ESG tuy không phải mới nhưng chưa thực sự phổ biến tại Việt Nam. Bởi các doanh nghiệp Việt phần lớn vẫn đang chú trọng đến việc tăng trưởng mà chưa có sự tập trung đầu tư đúng mức về nguồn lực để tích hợp các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị công ty vào trong hoạt động sản xuất và kinh doanh. 

Đánh giá về xu hướng chuyển đổi ESG tại Việt Nam, ông Vinh cho rằng: “ESG là một trong những nội hàm phát triển bền vững, đó là những vấn đề về môi trường, về xã hội, về quản trị.  Ba vấn đè này phải thẩm thấu vào chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp Việt. Ngày nay, ESG trở thành chủ đề rất được quan tâm trên thế giới. Thế nhưng, những doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, họ chưa nhận thức được tầm quan trọng của ESG”.

Nhìn từ thế giới, xu hướng chuyển đổi hoạt động kinh doanh dựa trên tiêu chí ESG đang được các nước hướng tới và đây có thể là lời giải cho doanh nghiệp Việt Nam trong mục tiêu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế

“Nếu các doanh nghiệp muốn hội nhập quốc tế, muốn chiễm lĩnh thị phần trong nước cũng những nước ngoài thì họ cần phải xử lý vấn đề về ESG rất tốt, hay nói tóm lại là phải thẩm thấu những vấn đề về môi trường, những vấn đề về xã hội và những vấn đề về quản trị vào trong doanh nghiệp của mình, điều này có thể không mới với những công ty lớn, với những công ty đa quốc gia nhưng nó lại mới với những doanh nghiệp nhỏ và vừa, thậm chí là siêu nhỏ tại Việt Nam”

Thực tế rằng,  khi các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện chuyển đổi ESG thì họ sẽ có thể đáp ứng được những mong mỏi, những kỳ vọng của các nhà đầu tư và những cổ đông của công ty.  Các doanh nghiệp đã bắt đầu nhận thức về vấn đề này, nhưng dường như họ mới chỉ dừng lại ở nhận thức mà chưa đưa các nội hàm của ESG vào hoạt động cụ thể của mình.

Nhận định về điều này, ông Vinh chia sẻ: “Những doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam hiện chưa hiểu  được đầy đủ tầm trọng cũng như cơ hội và lợi ích mà ESG mang lại. Và khi doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể nhận thức được rồi, thì mức độ triển khai, thực hành thành công và hiệu quả các nội hàm của ESG cũng chưa chắc là cao. Bởi các doanh nghiệp nhỏ và vừa của mình thường  chưa chú trọng hoàn toàn, hoặc nếu có chú trọng thì cũng không có đủ nguồn lực và chưa có kinh nghiệm để triển khai”.

Trong bối cảnh chính phủ các nước dang đẩy mạnh các mục tiêu hướng đến sự phát triển bền vững cho cả doanh nghiệp và nền kinh tế thông qua các tiêu chí ESG, tại Việt Nam, theo ông Vinh, hiện nay vẫn chưa có chính sách nào xoáy sâu vào ESG cả, thế nhưng trong bộ luật về môi trường, đặc biệt là luật môi trường về sửa đổi,  rồi những luật có liên quan thì có chú trọng yêu cầu các doanh nghiệp phải tuân thủ những vấn đề về xã hội, những vấn đề về môi trường và những vấn đề về quản trị doanh nghiệp.

Tuy vậy, nếu để tập hợp tất cả các bộ luật nào đó vào trong một văn bản hay trong một quy chế, quy định hay nghị định về ESG  thì hiện nay chưa có. Nhưng nói như thế không có nghĩa là ở Việt Nam không có những khuôn khổ pháp lý cho tiêu chuẩn ESG này.

“Trong bộ luật môi trường sửa đổi thì cũng đã nêu về vai trò của doanh nghiệp, vấn đề về bảo vệ môi trường, rồi vấn đề về kinh tế tuần hoàn,  những vấn đề trong luật khác nữa thì cũng nêu rất rõ, như Luật doanh nghiệp thì cũng nêu lên những vấn đề về quản trị, rồi trong những bộ Luật khác liên quan đến vấn đề về xã hội, về lao động thì đều nêu rất rõ thế nhưng về phía doanh nghiệp cần phải thông minh và nhanh nhẹn bằng việc là mình lấy tất cả những điều có liên quan để triển khai những các vấn đề về ESG này”, ông Vinh nhận định.

Trong tương lai, động lực thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam giải quyết các vấn đề và cơ hội ESG có thể sẽ tiếp tục phát triển, được thúc đẩy bởi nhân viên, nhà cung cấp, khách hàng, các nhà đầu tư và cổ đông, chính phủ và các nhà hoạch định chính sách.

 “ESG có ý nghĩa quan trọng đối với một doanh nghiệp trong hành trình kinh doanh lâu dài. Mục tiêu khi mình thành lập doanh nghiệp không chỉ là lợi nhuận, mà còn là những vấn đề tạo ra giá trị cho xã hội. Đấy là quan điểm, vai trò đương đại của doanh nghiệp và nó khác với những cái quan điểm ngày xưa rằng cứ doanh nghiệp là phải làm ra lợi nhuận bằng mọi giá”, ông Vinh chia sẻ.

Bảo Trinh