![]() |
Toàn cảnh Hội thảo “Thuế đối ứng của Hoa Kỳ & Ứng phó của doanh nghiệp Việt Nam” diễn ra sáng 18/4. |
Tại Hội thảo “Thuế đối ứng của Hoa Kỳ & Ứng phó của doanh nghiệp Việt Nam” diễn ra sáng ngày 18/4, các chuyên gia chỉ ra rằng, trong bối cảnh Hoa Kỳ thông báo tạm hoãn triển khai chính sách thuế đối ứng trong vòng 90 ngày do áp lực từ dư luận quốc tế, doanh nghiệp Việt Nam vẫn không khỏi lo ngại về những tác động tiềm ẩn của chính sách này đến chuỗi cung ứng và hoạt động xuất khẩu.
Chia sẻ tại Hội thảo, ông Phạm Tấn Công – Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, mặc dù chưa được thực thi nhưng chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ đã tạo áp lực đáng kể lên các chính phủ, doanh nghiệp đa quốc gia và đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.
Ông Công nhấn mạnh, nguy cơ bất ổn trong chính sách thương mại toàn cầu đang hiện hữu và ngày càng rõ rệt. Trong hoàn cảnh đó, việc duy trì hoạt động sản xuất – kinh doanh đối với doanh nghiệp xuất khẩu là vô cùng khó khăn và đây là tình huống chưa từng có tiền lệ và rất hiếm khi xảy ra.
![]() |
Ông Phạm Tấn Công – Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ tại Hội thảo. |
Theo đại diện VCCI thông tin, Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm tới 29% tổng kim ngạch xuất khẩu với các mặt hàng chủ lực như gỗ, điện tử, dệt may... Nếu chính sách thuế đối ứng được triển khai, tăng trưởng kinh tế sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, kéo theo sự đứt gãy chuỗi cung ứng, giảm việc làm và gây ra nhiều hệ lụy cho thương mại toàn cầu.
Cũng tại Hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn – Phó Tổng Thư ký VCCI cho rằng, chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ sẽ đặc biệt ảnh hưởng đến các ngành xuất khẩu chủ lực, trong đó nhiều mặt hàng trọng điểm của Việt Nam không nằm trong danh sách miễn trừ, trong khi các đối thủ trong khu vực lại được hưởng thuế suất thấp hơn.
Không chỉ doanh nghiệp trực tiếp xuất khẩu, mà cả hệ sinh thái liên quan như nhà cung ứng nguyên liệu, đơn vị gia công, logistics, tài chính… cũng sẽ bị ảnh hưởng dây chuyền. Chi phí sản xuất tăng, chuỗi cung ứng gián đoạn sẽ là những thách thức lớn cho toàn ngành.
Dù có những khó khăn nhất định, ông Phạm Tấn Công cũng nhìn nhận đây là thời điểm để Việt Nam tái định vị vai trò trong chuỗi cung ứng toàn cầu. “Trong nguy có cơ, các doanh nghiệp cần chủ động chuyển đổi và nâng cao sức chống chịu”, ông Công nói.
Từ thực tiễn trên, Chủ tịch VCCI đề xuất một số khuyến nghị quan trọng:
Thứ nhất, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và chuỗi cung ứng. Việt Nam vẫn phụ thuộc lớn vào thị trường Hoa Kỳ. Do đó, cần tận dụng 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết để mở rộng sang các khu vực ít rủi ro hơn.
Thứ hai, phát triển thị trường nội địa. Thị trường trong nước chính là trụ đỡ vững chắc, đặc biệt khi đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ và nâng cao năng lực sản xuất nội địa.
Thứ ba, thúc đẩy hợp tác song phương với Hoa Kỳ. Việt Nam cần khẳng định vị thế là đối tác đáng tin cậy, đặc biệt trong các lĩnh vực xanh – sạch, thậm chí nên khuyến khích doanh nghiệp đầu tư trực tiếp vào Hoa Kỳ.
Thứ tư, nâng cao năng lực thể chế và cơ sở hạ tầng. Cần cải thiện hệ thống logistics và chất lượng nguồn nhân lực để gia tăng khả năng cạnh tranh, sẵn sàng ứng phó với các biến động toàn cầu.
Trong khi đó, về phía doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn khuyến cáo các doanh nghiệp nên theo dõi sát các động thái chính sách của Hoa Kỳ trong 90 ngày tạm hoãn, đồng thời chủ động phối hợp, đàm phán với đối tác để tranh thủ xuất hàng sớm.
Về lâu dài, ông Tuấn cũng cho rằng doanh nghiệp cần: Tái cơ cấu thị trường xuất khẩu, giảm phụ thuộc vào một thị trường lớn; Tận dụng các FTA thế hệ mới; Cải tiến mô hình sản xuất theo hướng bền vững; Xây dựng chuỗi cung ứng hiệu quả, tăng năng lực cạnh tranh.
![]() |
Ông Đậu Anh Tuấn – Phó Tổng Thư ký VCCI khuyến cáo các doanh nghiệp nên theo dõi sát các động thái chính sách của Hoa Kỳ trong 90 ngày tạm hoãn |
Tại Hội thảo, các chuyên gia cùng chung quan điểm rằng, dù chính sách thuế đối ứng đặt ra không ít thách thức, nhưng đây cũng là cơ hội để Việt Nam tái cơ cấu nền kinh tế, thúc đẩy chuyển dịch sang mô hình phát triển bền vững, giảm phụ thuộc vào một vài thị trường và nâng cao khả năng chống chịu trước các biến động từ bên ngoài.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, các doanh nghiệp nên tận dụng tốt các chính sách hỗ trợ về thuế, phí và tín dụng để tối ưu chi phí, đồng thời nắm bắt xu hướng chuyển đổi kép – xanh hóa và số hóa – nhằm xây dựng chiến lược phát triển phù hợp với các yêu cầu ESG. Ông nhấn mạnh việc đa dạng hóa thị trường, đối tác, chuỗi cung ứng, sản phẩm – dịch vụ và nguồn vốn để thích ứng với chuyển đổi xanh và mô hình kinh doanh tuần hoàn. Ngoài ra, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh toàn diện, từ công nghệ, nhân lực đến quản trị rủi ro và minh bạch xuất xứ hàng hóa. Cuối cùng, ông khuyến khích doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ các FTA thế hệ mới và việc nâng cấp quan hệ Việt Nam với các quốc gia như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, Malaysia, New Zealand và Singapore.
![]() |
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực |
Ngoài ra, ông Lực đề xuất Việt Nam cần kịp thời xử lý kịp thời các vấn đề phía Hoa Kỳ quan tâm, có lộ trình đàm phán hợp lý nhằm đạt mức thuế suất thấp hơn. Ông cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của Tổ công tác trong việc thực thi các cam kết đã được thống nhất, cũng như vai trò của Chính phủ trong việc hỗ trợ doanh nghiệp và ngành hàng bị ảnh hưởng tiêu cực. Bên cạnh đó, cần kích cầu đầu tư – tiêu dùng trong nước để giữ vững mặt trận xuất khẩu và từng bước cơ cấu lại nền kinh tế, gia tăng nội lực, tự chủ, tự cường.
Việc ứng phó hiệu quả với chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ không chỉ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trước mắt mà còn mở ra cơ hội khẳng định vị thế mới của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.