![]() |
Bà Nguyễn Việt Hà – Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội (AmCham Hanoi) |
Tại Hội thảo “Thuế đối ứng của Hoa Kỳ và ứng phó của doanh nghiệp Việt Nam”, bà Nguyễn Việt Hà – Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội (AmCham Hanoi) – đã chia sẻ nhiều góc nhìn đáng chú ý, đồng thời kiến nghị các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trước nguy cơ bị áp thuế từ phía Hoa Kỳ.
Theo bà Hà, sắc thuế đối ứng mà Hoa Kỳ áp dụng không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp Việt Nam mà còn gây tác động tiêu cực đến cả doanh nghiệp Mỹ. Trước thực trạng này, AmCham đã có những kiến nghị chính thức với Bộ Thương mại cũng như Chính phủ Hoa Kỳ, đề nghị xem xét lại chính sách thương mại hiện hành đối với Việt Nam.
“Chúng tôi cũng rất mừng là trong thời gian vừa qua, dù rất ngắn, Chính phủ Việt Nam đã có những giải pháp bước đầu nhằm xử lý vấn đề này một cách kịp thời và chủ động,” bà Hà nhận định.
Bà Hà cho rằng để ứng phó hiệu quả với những diễn biến hiện tại, cần tập trung vào hai hướng chính: thúc đẩy mạnh mẽ các cuộc đàm phán với phía Hoa Kỳ và đồng thời tăng cường chính sách hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp trong nước.
Liên quan đến các nỗ lực đàm phán, đại diện AmCham đánh giá cao hai giải pháp mà Chính phủ Việt Nam đang triển khai. Trước hết là việc thu hẹp thặng dư thương mại với Hoa Kỳ. Bên cạnh đó là hướng tăng cường nhập khẩu nhiều hơn từ Hoa Kỳ. Hai hướng này có vai trò bổ trợ cho nhau vì rất khó có thể thu hẹp được khoảng cách thặng dư thương mại hiện tại đang ở mức hơn 100 tỷ USD.
Tại Hội thảo, đại diện Amcham cũng chỉ ra rằng, về kiểm soát xuất xứ hàng hóa, phía Hoa Kỳ quan ngại chủ yếu việc hiện tại Việt Nam đang sử dụng rất nhiều vật liệu từ nước khác để sử dụng và xuất khẩu sang Mỹ. Những nước này có thể lợi dụng việc thuế suất của họ đang cao và thuế suất của Việt Nam thấp để có thể chuyển hàng hóa của họ qua Việt Nam đến các nước trung gian để đẩy sang Hoa Kỳ. Bà Hà cũng nhấn mạnh rằng các doanh nghiệp trong nước cần chủ động hơn trong việc đa dạng hóa nguồn nguyên liệu nhập khẩu để tránh phụ thuộc vào một quốc gia duy nhất – điều có thể khiến hàng hóa Việt Nam bị nghi ngờ về xuất xứ.
Một thách thức lớn nhất, theo bà Hà, là cần phải tháo gỡ các rào cản kỹ thuật – đặc biệt là những quy định liên quan đến thuế quan và phi thuế quan.
Theo bà Nguyễn Việt Hà, các rào cản phi thuế quan hiện đang là điểm nghẽn lớn trong quá trình đàm phán thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Đây cũng là nội dung được Amcham đặc biệt lưu ý trong báo cáo mới nhất, với nhận định rằng đây là phần kéo dài và phức tạp nhất trong toàn bộ quá trình đánh giá thương mại song phương.
Một trong những vấn đề đáng quan tâm là chính sách thuế sau nhập khẩu. Dù Việt Nam có thể giảm thuế nhập khẩu để thúc đẩy thương mại, nhưng nếu đồng thời tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) hoặc thuế tiêu thụ đặc biệt, thì những nỗ lực trong đàm phán có nguy cơ không mang lại hiệu quả thực chất. Bà Hà nhấn mạnh: “Chúng tôi cho rằng hiện tại chưa phải là thời điểm phù hợp để tăng thuế hoặc mở rộng danh mục hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.”.
Bên cạnh đó, bà Hà cũng đề xuất Chính phủ tiếp tục duy trì chính sách giảm thuế VAT trong thời gian tới, đồng thời cần xem xét mở rộng trở lại phạm vi áp dụng thuế suất 0% đối với các dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu. Một ví dụ điển hình được bà nhắc đến là dịch vụ tìm kiếm nguồn hàng – một yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường Hoa Kỳ, nhưng hiện chưa được hưởng ưu đãi thuế suất như trước đây.
Không chỉ dừng lại ở chính sách thuế, bà Hà còn nêu ra những rào cản khác liên quan đến khả năng gia nhập thị trường. Theo bà, nhiều lĩnh vực như vận tải, kho bãi vẫn đang bị hạn chế đầu tư, kể cả đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). “Chính phủ nên rà soát và đánh giá lại các chính sách hiện hành để xem xét khả năng nới lỏng, từ đó tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp nước ngoài tiếp cận thị trường Việt Nam,” bà Hà đề xuất.
Ngoài ra, các thủ tục cấp phép và yêu cầu về giấy chứng nhận cũng đang gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực nhập khẩu thiết bị công nghệ cao. Nhiều mặt hàng tuy đã được sử dụng và công nhận rộng rãi ở các quốc gia trên thế giới, nhưng khi vào Việt Nam lại bị chậm trễ do yêu cầu kỹ thuật phức tạp và hạn chế về năng lực đánh giá của các phòng thí nghiệm trong nước. “Đây là một trong những vướng mắc kỹ thuật lớn mà Việt Nam cần sớm tháo gỡ để tạo môi trường thương mại cởi mở, hiệu quả hơn,” bà Hà nhấn mạnh.
Với thực trạng ấy, bà Nguyễn Việt Hà nhấn mạnh rằng việc tháo gỡ các rào cản kỹ thuật và thuế quan không chỉ phục vụ mục tiêu đàm phán với Hoa Kỳ mà còn là yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp trong nước mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh.