Theo hồ sơ thẩm định dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) do Bộ Tư pháp công bố, Bộ Nội vụ – đơn vị chủ trì soạn thảo cho rằng, việc tổ chức tuyển dụng cần được điều chỉnh phù hợp với quy mô và đặc thù của từng cơ quan.
Cụ thể, với các cơ quan có chỉ tiêu tuyển dụng ít, nên phân cấp để cơ quan tự tổ chức tuyển dụng nhằm gắn kết với nhu cầu sử dụng thực tế. Ngược lại, đối với các cơ quan có nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn, nên xem xét thuê các tổ chức tuyển dụng độc lập để bảo đảm tính chuyên nghiệp, minh bạch và tiết kiệm chi phí.
Bộ Nội vụ cũng đề xuất bổ sung hình thức tuyển dụng nội bộ, tạo điều kiện cho những người có kinh nghiệm làm việc trong khu vực công hoặc đang làm việc theo chế độ hợp đồng được ưu tiên xét tuyển. Đây được xem là giải pháp nhằm tạo động lực phấn đấu, thăng tiến trong hệ thống công vụ.
![]() |
Bộ Nội vụ đề xuất thuê đơn vị độc lập tổ chức tuyển dụng công chức để bảo đảm tính chuyên nghiệp, minh bạch và tiết kiệm chi phí. |
Ưu tiên xét tuyển, giảm thi cử không cần thiết
Về hình thức thi tuyển, Bộ Nội vụ kiến nghị nên ưu tiên phương thức xét tuyển thay vì thi tuyển đại trà. Theo kinh nghiệm quốc tế, nhiều nước không tổ chức thi kiến thức chung, mà tập trung vào phỏng vấn, kiểm tra chuyên môn theo yêu cầu từng vị trí cụ thể.
Ngoài ra, Bộ cũng nhận định không nên áp dụng đại trà yêu cầu về ngoại ngữ đối với tất cả vị trí tuyển dụng. Thay vào đó, công chức có thể cam kết sử dụng ngoại ngữ trong quá trình làm việc; việc không đáp ứng sẽ ảnh hưởng đến đánh giá công việc.
Phần kiến thức chung sẽ được bồi dưỡng trong giai đoạn tập sự, dưới sự hướng dẫn của cán bộ có kinh nghiệm.
Danh sách trúng tuyển theo thứ tự ưu tiên
Tham khảo mô hình của Úc, Nhật Bản, Thái Lan, Bộ Nội vụ đề xuất Việt Nam cân nhắc áp dụng danh sách trúng tuyển theo thứ tự ưu tiên – lựa chọn 5 thí sinh có điểm cao nhất cho mỗi vị trí. Danh sách này có thể sử dụng trong trường hợp người đứng đầu không đủ điều kiện nhận việc, hoặc dùng bổ sung cho các vị trí tương đương trong cùng cơ quan. Cách làm này giúp tối ưu kết quả tuyển dụng, đồng thời tiết kiệm chi phí và thời gian tổ chức.
Hiện nay, công chức Việt Nam phải trải qua 12 tháng tập sự. Bộ Nội vụ dẫn chứng kinh nghiệm từ Nhật Bản, Thái Lan, nơi chỉ quy định thời gian từ 3–6 tháng. Vì vậy, cơ quan soạn thảo đề xuất rút ngắn thời gian tập sự, giúp công chức sớm được bổ nhiệm chính thức và đi vào quy trình quản lý, sử dụng.