TS. Nguyễn Tú Anh - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương: Công cụ phát triển niềm tin tốt hơn là xây dựng bảo hiểm rủi ro

23:30 15/09/2022

Theo TS. Nguyễn Tú Anh, điều quan trọng là khi chúng ta tham gia phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp thì thị trường phải có niềm tin. “Luật chơi” ở đây là nếu người ta làm sai thì phải trả giá. Bất kỳ thị trường nào cũng đều phải xây dựng hệ thống niềm tin.

 

Việt Nam,
TS. Nguyễn Tú Anh - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương

Tại tọa đàm với chủ đề “Mục tiêu phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Niềm tin và trách nhiệm” TS. Nguyễn Tú Anh - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương cho biết:  Thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam là một “mảnh ghép” phát triển hơi chậm so với các thị trường vốn khác. Trong giai đoạn 2017 - 2021, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng 24% và đến năm 2021 là 56%. Điều này cho thấy nhu cầu thị trường là vô cùng lớn, thể hiện nhu cầu lớn của cả người phát hành và người mua trái phiếu đều rất lớn.

TS. Nguyễn Tú Anh nhận định, điều quan trọng là khi chúng ta tham gia thị trường phải có niềm tin. “Luật chơi” ở đây là nếu người ta làm sai thì phải trả giá. Bất kỳ thị trường nào cũng đều phải xây dựng hệ thống niềm tin.

“Thông thường, chúng ta có hai cách tiếp cận về niềm tin. Cách cổ điển là chúng ta xây dựng luật chặt chẽ, kiểm soát thật chặt để lọc bớt rủi ro. Cách làm như thế đúng là ít rủi ro, nhưng lại tiêu diệt thuộc tính đương nhiên của thị trường là có rủi ro. Do đó, chúng ta có cách tiếp cận mới là phải xây dựng niềm tin, xây dựng các công cụ xử lý rủi ro”, TS. Nguyễn Tú Anh chia sẻ.

TS. Nguyễn Tú Anh cũng đồng thời khẳng định việc “phát triển niềm tin” tốt hơn là xây dựng “bảo hiểm rủi ro”. Theo đó, khi xây dựng những định chế đảm bảo rằng “rủi ro ít thì trả họ trả phí ít, rủi ro nhiều thì trả phí nhiều”… thị trường sẽ tự vận hành một cách mượt mà hơn, bền vững hơn.

Theo TS. Nguyễn Tú Anh, tại Mỹ từ lâu quốc gia này đã có quy định tách ngân hàng thương mại và ngân hàng đầu tư. Song tại Việt Nam hiện nay nhiều ngân hàng đang thực hiện chức năng môi giới đầu tư và có lợi nhuận rất lớn.

Điều này không có pháp luật nào cấm, nhưng có một thực tế là những doanh nghiệp nào càng rủi ro càng cần đơn vị đứng ra bảo lãnh.

“Chúng ta chưa có những quy định tách bạch giữa ngân hàng đầu tư và ngân hàng thương mại nên cần có những quy định pháp luật rõ ràng về vấn đề này”, ông đề xuất và nhấn mạnh thêm “tôi không nói là cần siết quá chặt lại nhưng cần có những quy định rõ ràng, thế giới đã tách bạch rồi Việt Nam cũng nên học hỏi”.

Ông Tú Anh cũng cho rằng, để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cần làm rõ vai trò, trách nhiệm của các bên tham gia. Đối với doanh nghiệp, cần phải có trách nhiệm với người cho vay, với chính công ty mình mình, và lớn hơn là trách nhiệm với thị trường tài chính.

Đối với nhà đầu tư, cần ứng xử ra sao để không bị thiệt hại. Nếu trực tiếp mua trái phiếu thì nhà đầu tư phải tìm hiểu kỹ về tổ chức phát hành. Nhà đầu tư không đủ năng lực thì nên sử dụng tư vấn hoặc đầu tư vào các quỹ trái phiếu để đảm bảo an toàn. 

Quý Thu