![]() |
TS. Bạch Tân Sinh – Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo |
Đã 4 tháng kể từ khi Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được ban hành, một luồng sinh khí mới đã lan tỏa mạnh mẽ trong hệ sinh thái nghiên cứu và đổi mới của Việt Nam nói chung cũng như doanh nghiệp Việt nói riêng. Nghị quyết không chỉ xác định khoa học và công nghệ là nền tảng, động lực then chốt cho phát triển kinh tế – xã hội mà còn thể hiện tầm nhìn chiến lược dài hạn trong việc kiến tạo tương lai đất nước bằng tri thức và công nghệ.
Nghị quyết 57 cũng đã đặt ra yêu cầu cấp thiết phải tháo gỡ những “nút thắt” về thể chế, tài chính, cơ chế đầu tư và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao. Đặc biệt, với cam kết dành ít nhất 2% GDP cho hoạt động nghiên cứu và phát triển được xem là bước ngoặt mang tính đột phá, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để huy động các nguồn lực đầu tư một cách hiệu quả cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo? Trao đổi với Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập, TS. Bạch Tân Sinh – Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – đã chỉ ra hướng tiếp cận mới để Việt Nam xây dựng chiến lược phát triển khoa học công nghệ hiệu quả trong giai đoạn nhiều biến động hiện nay.
PV: Một điểm đột phá của Nghị quyết 57 hiện nay là cam kết tăng đầu tư cho R&D lên 2% GDP vào năm 2030. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, mức chi cho khoa học công nghệ từ ngân sách còn thấp và gặp nhiều rào cản. Theo ông, đâu là thách thức lớn nhất trong việc huy động nguồn lực cho R&D tại Việt Nam?
TS. Bạch Tân Sinh : Nghị quyết 57 đã tăng mức chi cho hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Tuy nhiên, việc chi vào nội dung nào là vấn đề rất cần được xem xét cẩn trọng. Bởi với nguồn ngân sách không quá dồi dào, nếu chúng ta không có phương pháp xác định rõ các lĩnh vực ưu tiên thì việc đầu tư, tài trợ sẽ khó mang lại hiệu quả.
Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với những biến động khó lường, việc xây dựng một chiến lược đầu tư dài hạn cho khoa học, công nghệ là điều hết sức cần thiết. Trước đây, chúng ta thường áp dụng cách làm truyền thống là sử dụng phương pháp dự báo khoa học – công nghệ để xác định các lĩnh vực ưu tiên, sau đó mới tiến hành đầu tư. Tuy nhiên, phương pháp này hiện không còn phù hợp trong bối cảnh mới, khi mà khoa học – công nghệ luôn thay đổi nhanh chóng và khó đoán định.
Với nhiều yếu tố bất định như hiện nay, chúng ta cần thay đổi tầm nhìn chiến lược, cụ thể là áp dụng cách tiếp cận strategic foresight – tức tầm nhìn chiến lược dài hạn. Cách tiếp cận này sẽ giúp Việt Nam xây dựng được những kịch bản phát triển phù hợp với xu thế và năng lực thực tiễn. Trên cơ sở các kịch bản đó, chúng ta có thể xác định cách phân bổ nguồn lực đầu tư, đặc biệt là nguồn lực tài chính, một cách hợp lý và hiệu quả hơn, tập trung vào đúng các nội dung ưu tiên.
Đây chính là điều mà tôi cho rằng chúng ta cần thay đổi trong cách lập kế hoạch phát triển, đầu tư và tài trợ cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Cụ thể, cần chuyển từ phương pháp dự báo để phân mục đầu tư sang xây dựng tầm nhìn chiến lược (strategic foresight), từ đó tạo ra các kịch bản phát triển và dựa vào đó xác định các ưu tiên cần tập trung.
Tất nhiên, các ưu tiên đó không chỉ nằm trong một ngành mà cần mang tính liên ngành, bởi các vấn đề ngày nay hầu hết đều vượt ra khỏi ranh giới của một lĩnh vực cụ thể.
Ví dụ, vấn đề phát triển bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long không chỉ là vấn đề quản lý tài nguyên nước, mà còn bao gồm các yếu tố như: phương thức canh tác, giải pháp nâng cao khả năng chống chịu của ngành nông nghiệp trước tác động của biến đổi khí hậu... Đây là những vấn đề mang tính chất liên ngành và cần giải pháp tổng thể.
Một ví dụ tiêu biểu nữa về cách tiếp cận strategic foresight là tập đoàn dầu khí Shell. Họ đã áp dụng phương pháp lập kịch bản foresight từ những năm 1970 để chủ động đối phó với cú sốc dầu mỏ. Nhờ đó, Shell không những vượt qua khủng hoảng mà còn củng cố được vị thế trên thị trường toàn cầu. Trong khi đó, nhiều dự báo truyền thống ở Mỹ lúc bấy giờ lại không chính xác do quá phụ thuộc vào dữ liệu cũ và xu hướng quá khứ.
Theo tôi, việc áp dụng cách tiếp cận strategic foresight sẽ giúp Việt Nam xây dựng được bức tranh toàn diện về các vấn đề cần giải quyết thông qua khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
![]() |
Nghị quyết 57 đã khẳng định tầm quan trọng của khoa học, công nghệ trong chiến lược phát triển quốc gia |
PV: Ông đã nói rất nhiều vấn đề về phía cơ quan quản lý, vậy từ phía doanh nghiệp, để thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ hơn vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đúng theo mong muốn mà Nghị quyết 57 đề ra, thì ông có kiến nghị gì
TS. Bạch Tân Sinh: Đối với doanh nghiệp, một trong những thách thức lớn hiện nay là làm sao để nhận thức được tầm quan trọng và sự cần thiết của việc đổi mới sáng tạo, đặc biệt trong các lĩnh vực mà doanh nghiệp mong muốn chiếm lĩnh thị trường. Để đạt được điều này, doanh nghiệp cần có một kế hoạch cụ thể nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu và triển khai công nghệ thông tin – truyền thông (ICT) trong nội bộ.
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ nguồn lực để đầu tư toàn diện cho nghiên cứu và phát triển. Trong bối cảnh đó, một hướng đi hiệu quả là tận dụng sự hỗ trợ từ các trường đại học và viện nghiên cứu thông qua hình thức hợp tác. Cách làm này giúp doanh nghiệp tiếp cận được các công trình nghiên cứu có trình độ chuyên môn cao mà không cần tốn quá nhiều chi phí.Đây là một chiến lược thông minh
Để hiện thực hóa Nghị quyết 57, ngoài phía cơ quan quản lý, doanh nghiệp cần chủ động “đặt đầu bài” cho các công trình khoa học công nghệ, nêu ra các vấn đề thực tiễn cần giải quyết, còn các viện và trường sẽ là đối tác đồng hành để phát triển giải pháp phù hợp. Trên cơ sở hợp tác đó, doanh nghiệp vừa đảm bảo các giải pháp đáp ứng được điều kiện thực tế sản xuất kinh doanh, vừa nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng hội nhập quốc tế.
![]() |
Thực trạng hiện nay, không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ nguồn lực để đầu tư toàn diện cho nghiên cứu và phát triển. |
PV: Nghị quyết 57 đặt ra các mục tiêu rất tham vọng, như đưa Việt Nam vào nhóm 50 quốc gia hàng đầu về năng lực cạnh tranh số vào năm 2030 và thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu về đổi mới sáng tạo vào năm 2045. Theo ông, để hiện thực hóa mục tiêu này, cần thay đổi gì về nhân lực và chính sách
TS. Bạch Tân Sinh: Tôi cho rằng những mục tiêu này hoàn toàn khả thi, nếu có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị nghiên cứu, các trường đại học và cả phía doanh nghiệp. Nếu các bên có thể trao đổi một cách cởi mở, cùng nhau tìm ra các giải pháp và nâng cao hiệu quả đóng góp của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, thì chúng ta hoàn toàn có cơ sở để đạt được những mục tiêu đã đề ra.
Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng doanh nghiệp sẽ là “cỗ máy” quan trọng giúp đất nước hiện thực hóa những khát vọng lớn lao đang ấp ủ.
Để làm được điều đó, cần có những thay đổi mang tính đột phá trong chính sách đào tạo, quản lý và sử dụng nguồn nhân lực. Đặc biệt, cần xây dựng môi trường nghiên cứu mang tính học thuật cao, tạo điều kiện để các nhóm và tổ chức nghiên cứu mạnh phát huy được vai trò của mình. Họ cũng cần được tạo cơ hội để nhanh chóng tham gia vào các hoạt động hợp tác trong nước và quốc tế, nhằm giúp Việt Nam cập nhật kịp thời các tiến bộ về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đây cũng chính là con đường giúp các công nghệ mới nhất được chuyển giao hiệu quả vào doanh nghiệp Việt Nam, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập toàn cầu.
Tôi xin dẫn một ví dụ điển hình về kinh nghiệm của Thái Lan trong việc xây dựng chính sách phát triển khoa học công nghệ và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mang tính chiến lược. Thái Lan đã xây dựng khung chính sách dựa trên bốn trụ cột: phát triển nguồn nhân lực; nghiên cứu và đổi mới sáng tạo để giải quyết các thách thức xã hội; nghiên cứu và đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; và nghiên cứu – đổi mới sáng tạo để phát triển các vùng miền theo hướng bao trùm và bền vững.
Đặc biệt, Thái Lan đã triển khai chính sách BCG (Biological – Circular – Green), tức Sinh học – Tuần hoàn – Xanh hóa, tập trung vào bốn lĩnh vực kinh tế chủ chốt: thực phẩm và nông nghiệp; y tế và chăm sóc sức khỏe; năng lượng, vật liệu và sinh hóa; du lịch và kinh tế sáng tạo. Đây là mô hình phát triển dựa trên lợi thế quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi số. Chính sách BCG cũng gắn liền với các mục tiêu dài hạn như phát triển bền vững đến năm 2030 và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Kinh nghiệm từ Thái Lan cho thấy, Việt Nam cần sớm xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo gắn với phát triển chiến lược theo định hướng sứ mệnh (mission-oriented). Trên cơ sở đó, chúng ta có thể xác định một số lĩnh vực ưu tiên cấp quốc gia, tập trung vào những ngành có thế mạnh như nông nghiệp và du lịch – những lĩnh vực dựa trên lợi thế đa dạng sinh học tự nhiên của Việt Nam. Đồng thời, cần bảo đảm rằng các lựa chọn ưu tiên này sẽ đóng góp tích cực vào việc thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam đến năm 2030.
PV: Xin cảm ơn ông về những chia sẻ!